Jul 16, 2010

30 giây quảng cáo, 60 năm cuộc đời

Chào cả nhà! Em là sinh viên năm 2 đang thực tập tại khoa sản bệnh viện đại học y dược Thành Phố Hồ Chí Minh. Trong lúc thực hành đỡ đẻ cho sản phụ cùng 12 bà mụ khác, em có nghe chị sản phụ tâm sự rất thật, như hai người đàn bà với nhau, rằng đẻ dễ ợt, rặn một cái là phọt ra. Đẻ ý tưởng cho phim quảng cáo mới khó. Em bâng khuâng mang lời tâm sự trước lúc lâm bồn, cầu mẹ tròn con vuông đó hỏi trưởng khoa sản. Bà ấy bảo lên gặp giám đốc, giám đốc nói có biết nhưng chưa từng đẻ ra phim quảng cáo bao giờ mặc dù ý tưởng lúc nào cũng sôi sùng sục. Ông ấy cho em đường link trên OS, và em khoái liền. Em đi học cũng OS, ở nhà cũng OS, cho đến một ngày em S.O.S với các bài viết trên OS.

Hôm nọ Linda bạn em, nhà vật lý trị liệu tương lai, rủ đi xem buổi Hội thảo "TVC trong tầm tay" ở đại học kinh tế Thành Phố Hồ Chí Minh. Em sốc như bị ăn cái cóc trước sự uyên bác và hóm hỉnh của các vị diễn giả. Nay em post bài này không phải để khoe khoang sự học của mình, cũng như không hề tâng bốc kinh nghiệm của các vị diễn giả. Em chỉ là người góp nhặt lời vàng thước ngọc của người đi trước, gõ phím chia sẻ kinh nghiệm đỡ đẻ TVC cho người đi sau. Em vốn kiệm lời nhưng không kín tiếng, nếu có ăn bẩn nói bậy, mong các anh chị góp ý công tâm. Uống thì hiểu, đi tiểu ra hết. Em đã uống từng lời của người đi trước, nay xuất hết cho người đi sau, thơm ngon đến giọt cuối cùng. Chắc chắn, thiếu sót là khó tránh khỏi vì em mang bệnh lãng tai lại ngồi xa sân khấu. Linda bạn em thì ngược lại, bị mù màu từ lúc mới yêu nên không thể phân biệt hèn sang, bắt chuyện với đứa sinh viên năm 2 khoa quản trị kinh doanh mà tưởng giáo sư đầu ngành.

Bài viết chuyên đề nhưng không hề chuyên sâu về TVC này bao gồm 3 phần, sẽ lần lượt được viết tuỳ vào tâm trạng của em và sự đóng góp hào phóng của quý anh chị. Phần một là các thuật ngữ tiếng Anh, em vặn óc tinh dịch sang tiếng Việt cho các anh chị đang theo học tiếng Hàn đỡ vất vả. Phần hai là vai trò và đặc điểm của TVC trong hoạt động truyền thông quảng cáo. Cuối cùng nhưng cũng không hề quan trọng là qui trình thực hiện TVC (có tham khảo từ bác google, thư viện tư gia và trên OS), đính kèm xúc cảm của riêng em khi liên hệ với nghề đỡ đẻ nhọc nhằn này.

Phần 1: Các thuật ngữ

Client: Khách hàng đặt quảng cáo.

Agency: Công ty thực hiện các dịch vụ quảng cáo theo đơn đặt hàng.

Production House: Công ty sản xuất phim quảng cáo và các dịch vụ khác có liên quan theo đơn đặt hàng. Đôi khi client làm việc trực tiếp với Production House từ lên kịch bản đến sản xuất và hoàn thiện TVC. Đôi khi chỉ là chuyển lời thoại (lời bình) từ ngôn ngữ bất kỳ sang ngôn ngữ Việt.

Producer: Nhà sản xuất. Người này là đại diện của Production House làm việc với Agency và Client. Người này mà đau là cả tàu bỏ cỏ. Vai trò cực kỳ quan trọng.

Director: Đạo diễn. Ở phim trường, ông này là vua. Theo em biết thì đạo diễn phim quảng cáo chỉ có quý ông lịch lãm chứ không thấy quý bà sành điệu.

Director Treatment: Xử lý góc máy của đạo diễn. Từ kịch bản của Agency, Director sẽ phát triển góc máy quay sao cho đẹp và hiệu quả nhất. Công việc này phải được sự chấp thuận của Creative Director và Client trước khi tiến hành quay phim.

Director Reel: Các tác phẩm của Director do Production House giới thiệu để Agency và Client chọn ai bỏ ai đạo diễn cho TVC.

Director of Photography (DOP)/ Cameraman: Người chuyển tải ý tưởng trên giấy của agency và tiếng la hét của Director thành những thướt phim đầy nghệ thuật, đậm cá tính.

Art Director/ Set Designer: Người chỉ đạo mỹ thuật và dựng cảnh cho phim. Họ hô biến một ngôi nhà hoang thành toà lâu đài, làm phép cho khung cảnh trở nên lung linh, long lanh, lấp lánh dưới bầu trời đầy sao.

Music Composer: tèng téng teng. Người soạn nhạc cho phim. Sạc-lô không cần bác này.

Hair, Make-up: Nghệ sĩ tạo hình cho mái tóc, khuôn mặt, biến đẹp thành xấu, biến xấu thành tệ, biến hoa nhài thành hoa hậu, biến hoa hậu thành hoa gì... tuỳ bạn tưởng tượng.

Talent/ Extra Talent/ Background Talent: Diễn viên chính/ phụ/ quần chúng. Thù lao giảm dần tương ứng với vai diễn.

Voice Talent: Người lồng tiếng. "Không dùng Viagra cho em bé có thai và người già cho con bú" hoặc những câu gần giống như vậy. Độ tuổi làm voice talent là từ 6 tháng tuổi đến 60 tuổi, tuỳ kịch bản.

Target Audience: Đối tượng của phim quảng cáo hay bạn xem đài. Là em, là bác, là nội ngoại hai bên.

Concept: Ý tưởng chủ đạo. Một concept có thể phát triển ra hàng triệu triệu kịch bản khác nhau. Ví dụ như "Chỉ có thể là Heineken" hết năm này qua năm khác.

Storyboard: Kịch bản quảng cáo được phát hoạ thành hình vẽ, miêu tả chi tiết cho từng cảnh quay. Đến đoạn nào thì ăn, đến lúc nào thì uống, đến khúc nào thì lăn đùng ra chết.

Shooting Board: Là bản phát triển chi tiết đến từng giây của Storyboard. Đây là phần việc của Director. (Mở ngoặc giải thích thêm cho khỏi lăn tăn. Trong Storyboard thứ tự các cảnh là 1-2-3-4-5-6-7-8-9, thì ở Shooting Board, các cảnh có thể thay đổi 2-4-6-3-5-7... Biết chi hông? Phải quay cho hết cảnh trên bờ rồi mới chuyển camera xuống ruộng.)

Shooting: Là quay phim, quay phim là shooting.

Location: Địa điểm quay. Có thể trên trời, có thể địa ngục. Có thể ở Lâm Gia Trang, có thể là "Cồn Da Lạp". Tiền nào cảnh đó.

Casting: Công tác tuyển chọn diễn viên. Nước tăng lực cần siêu nhân, dầu gội đầu cần gái đẹp. Sunsilk cần Hà Hồ, OS cần các bác.

Pre/ Post/ Production: Tiền kỳ/ Hậu kỳ. Giải thích lòng thòng nhễu nhão đôi khi không bằng ví von. Là đi chợ và trang trí (không nấu) món ăn TVC.

Production: Là quá trình xào, nấu, hầm, ninh,... miễn chín là được.

Pre Production Meeting (PPM): Là cuộc họp thân tình giữa những con người xa lạ tìm đến nhau để bốn mặt một lời bao gồm client, agency, producer và director. Thường trước ngày quay từ một đến hai ngày.

SFX/ Sound Effects/ Special Effects: Kỹ xảo âm thanh hay hiệu ứng đặc biệt. Tiếng rao, tiếng rên, tiếng nổ và nhiều tiếng động linh tinh khác. Các bác đạo diễn Việt (không phải dân quay quảng cáo chuyên nghiệp) sử dụng "SFX" rất linh hoạt và chuyên nghiệp. Kịch bản còn nằm trên giấy, cho một tiếng rao the thé. Phim đang trong giai đoạn casting thì ca bài ca bi rên. Đến lúc công chiếu, nổ một phát vào đoạn kết cho khán giả tỉnh dậy ra về.

Computer Graphic Animation (CG): Từ này em không biết dịch như thế nào cho vẹn toàn, làm không khéo trở thành tinh dịch gia thì bỏ bu. Có thể hiểu là cách biến hoá trên máy tính làm cho hình ảnh nhảy múa vui mắt. Số tiền đốt vào đây khá lớn.

Off-Line: Là từ ngữ có nghĩa TVC đã quay xong nhưng chưa xử lý nhiều, chỉ cắt ráp đơn giản để kiểm tra, nhận feedback từ phía agency và client. Đây là giai đoạn xuất thô.

On-Line: Hình ảnh, âm thanh, lời thoại đã nhập một, sẵn sàng đem phát sóng hay dự thi tranh giải. Đây là giai đoạn xuất tinh.

On-Air: TVC đang phát sóng hay đang chạy.

Off-Air: TVC ngừng phát sóng hay ngủ đông (có thể ngủ luôn).

Budget: Là tổng số tiền Client phải chuẩn bị để chi cho TVC.

The end: Hết. Em đã xuất hết cái mình có, anh chị nào còn cho em xin.

-----------------------------------

Mời các anh chị đón đọc phần hai, vai trò và đặc điểm của TVC trong hoạt động truyền thông quảng cáo. Em hứa trước là sẽ ngắn gọn, mỏng giòn như chính vẻ ngoài mộc mạc của em, không lòng thòng, nhễu nhão nữa.

Trưởng khoa sản mới sms cho em, bảo về gấp. Có một ca khó cần bàn tay của em sờ mó. Sản phụ là một cô copywriter, đẻ ý tưởng nhanh như gà đạp mái, nhưng khi vào phòng chờ là tịt như vịt.

Triệu chứng: huyết áp cao, thai đạp mạnh.
Xử lý qua điện thoại của em: mổ luôn cho nhanh.

Em sẽ trở lại cũng vào giờ này, Chủ Nhật tuần sau.

-----st
Bài viết của butchi trên OPS

1 comment:

  1. Bài viết dùng toàn ngôn ngữ "bà ngoại" nên bà con thấy đã wa.

    ReplyDelete