Aug 22, 2008

Khi tác phẩm văn học được “số hóa”


Cuộc sống hiện đại với sự tấn công của Internet đã ảnh hưởng đến nhiều mặt, nhiều vấn đề trong cuộc sống của chúng ta. Các websites văn chương xuất hiện ngày càng nhiều và đang là một nhu cầu thực tế ở nước ta hiện nay. Điều đó đã biến Internet, biến blog thành nơi phát triển của "cái tôi", nơi thăng hoa của nghệ thuật viết nhật ký. Hiện tượng này đang gây nên những thái độ và luồng ý kiến khác nhau về bản chất và giá trị thực của nó.

Thế giới tự do muôn màu

Thực tế là có những tờ báo hay nhà xuất bản văn học trong nước chỉ mở một khe cửa quá hẹp cho những nhà văn trẻ. Còn văn học trên mạng lại mở một cánh cửa vô cùng rộng lớn cho các nhà văn trẻ hoặc các nhà văn có những “giọng nói” không hoà hợp với đám đông. Đây là một cách khai thác lợi thế phát tán nhanh, nhiều người đọc và khả năng lưu trữ lớn, chi phí thấp mà mạng Internet cung cấp.

Điều này dễ khiến người ta có một định kiến về văn chương mạng, rằng mạng chỉ là sân chơi của những cây bút tài tử, nghiệp dư, thậm chí kém tài khi không thể chen chân vào các tạp chí lớn. Nhưng nếu nhìn với con mắt tích cực hơn sẽ thấy rằng những sáng tác được công bố trên mạng là nỗ lực đáng trân trọng của những cây bút đang tìm cách khẳng định mình.

Tập truyện ngắn Những đống lửa trên vịnh Tây Tử của Trang Hạ được giải thưởng NXB Thanh Niên 2004 song lại bị chính NXB này từ chối in với với lý do có truyện ngắn chính viết về đồng tính. Nhưng bạn đọc thì vẫn có thể đọc truyện ngắn ấy trên internet. Nhiều truyện ngắn được Trang Hạ giới thiệu trên các diễn đàn văn học mạng ttvnol, evan và khi có blog, chúng quy tụ độc giả vào blog Trang Hạ với hàng ngàn lượt bạn đọc mỗi ngày. Một số tác phẩm khác đi theo lộ trình từ blog ra sách in như sáng tác của Hà Kin, Trần Thu Trang... và thực sự đã tạo được những hiệu ứng mạnh mẽ, có khả năng tỏa ra thứ ánh sáng khiến giới phê bình không thể làm ngơ.

Ngoài ra, mạng còn cho phép tác giả công bố sáng tác của mình một cách dễ dàng mà không vướng mắc kiểm duyệt, giấy phép, in ấn như quy trình làm sách truyền thống. Nhà văn tự do hơn trong khi bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị biên tập viên nhà xuất bản cắt xén... Nhưng họ buộc phải có lập trường, biết tự kiểm duyệt để không vượt ra ngoài khuôn khổ của tự do.

Với mạng, sự giao lưu giữa tác giả và độc giả trở nên rút ngắn về khoảng cách thời gian một cách đáng kể. Bạn đọc bây giờ có thể gửi thư, thậm chí trực tiếp trò chuyện cùng nhà văn mà bạn yêu thích bất kỳ lúc nào, cũng chỉ cần sau một cú nhấp chuột và quan trọng là nhanh chóng nhận được hồi âm của nhà văn. Không phải như trước đây, kiếm tìm địa chỉ liên lạc, điện thoại, rồi hồi hộp chờ đợi. Giới làm sách thì tận dụng cư dân mạng như một bộ lọc, giúp đãi cát tìm vàng, phát hiện ra những sáng tác ăn khách để in thành sách.

Đãi cát tìm vàng

Trào lưu văn học mạng là một sân chơi tự do nhưng đồng thời cũng là không gian ảo đầy khắc nghiệt, bởi những gì được đăng tải trên lntemet có thể bị lãng quên rất nhanh trong thế giới tràn ngập thông tin như hiện nay. Do đó hiện diện trên mạng tuy đơn giản nhưng cũng là một thách thức đối với những người cầm bút. Tác giả phải chấp nhận tình trạng chung sống giữa “vàng thau lẫn lộn”.

Độc giả cũng vậy, họ phải đồng thời đối diện với một khối lượng tác phẩm đồ sộ, thượng vàng hạ cám đều có, buộc phải tỉnh táo để biết chọn lọc cái hay, cái thực sự giá trị. Bên cạnh đó, việc kết nối nhanh khiến cho người ta thường đưa ra nhận xét khi chưa có một khoảng lắng để cảm nhận tác phẩm, vì thế đôi khi những ý kiến đánh giá của họ sẽ phiến diện, khen quá hồ hởi, chê quá hắt hủi... Điều này hoàn toàn có thể đẩy người viết tới tình thế phải đối mặt với sự nhiễu loạn các tiêu chí đánh giá.

Với một người đọc văn trên mạng, chỉ cần một cái click chuột, người ta có thể ra hoặc vào một thế giới, khả năng "từ chối đọc" của họ là lớn vô cùng, khác hẳn với một người bỏ tiền ra mua sách và đọc nó từ đầu đến cuối. Như vậy nhược điểm của văn học mạng là sự chia sẻ không đến cùng với người đọc và mầm mống của căn bệnh ảo tưởng của người viết. Lượng truy cập gần như không có điểm chung với “người đọc”, ít nhất là không thể suy ra số lượng người đọc từ lượng truy cập. Điều này khá khác với trong xuất bản sách thông thường, nơi người ta có thể đồng hóa số người mua với số lượng người đọc, thậm chí số người đọc lớn hơn số sách được bán.

Về mặt nội dung, tuy rằng trên mạng Internet cũng có các hình thức kiểm duyệt tồn tại dưới dạng thông báo cho nhà quản trị mạng về các nội dung không lành mạnh hoặc bắt buộc “set mature” thông báo trước về nội dung không phù hợp với trẻ em, nhưng đều chỉ mang tính hình thức. Sự kiểm duyệt được thực hiện bằng công nghệ, nên việc phá vỡ nó bằng công nghệ cũng được thực hiện nhiều khi chỉ bằng vài thao tác đơn giản.

Cùng song song tồn tại

Như vậy, không thể nói đến việc văn học mạng thay thế được hoàn toàn văn học xuất bản theo kiểu truyền thống, có chăng nó giúp “ra mắt” được các tác phẩm không thể, không tiện hoặc chưa thể xuất bản bình thường. Xuất bản mạng hay trên giấy truyền thống chẳng qua chỉ khác nhau về phương tiện, kênh truyền tải tác phẩm, còn tác phẩm và tác giả thì cũng cần phải hay, phải lao động nghiêm túc. Mạng là một cách tồn tại mới của văn chương. Văn chương mạng và văn chương giấy có thể cùng tồn tại song song và chuyển hóa lẫn nhau.

Ở Việt Nam, đã rải rác có vài tác giả trẻ khai sinh từ internet. Và cũng đã đến lúc cần có một cái nhìn đúng đắn và thiện cảm hơn về những sản phẩm từ internet. Có những thứ không thể gọi là văn, nhưng ngược lại cũng có nhiều người vô danh góp những dòng viết đầy bất ngờ.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 08/2008)

Xem bài viết online tại đây
 

No comments:

Post a Comment