Aug 18, 2008

Chuyên đề: Game online và những chiêu thức marketing (1)


Muốn thu hút người chơi ít nhất phải để họ biết đến mình. Đó chính là những nguyên tắc bất di bất dịch của bất cứ mọi ngành nghề nào trong xu hướng toàn cầu hoá hiện nay. Giới thiệu trò chơi rộng rãi thu hút lượng gamer tham gia và trung thành với sản phẩm mà mình đã chọn giờ đây không còn là trách nhiệm của nhà sản xuất mà còn phụ thuộc vào người quản lý marketing. Một trò chơi đơn giản nhẹ nhàng nhưng công tác marketing lẫn PR tốt chắc chắn sẽ thu hút được lượng gamer đông đảo hơn.

Chuyên đề Game Online và những chiêu thức Marketing sẽ dần tìm hiểu và dẫn dắt chúng ta tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn và những vấn đề sâu xa trong những chiêu thức marketing Game Online.

Mở đầu cho loạt phóng sự Game Online và những chiêu thức Marketing sẽ là bài viết “Cây nhà lá vườn” thời digital Marketing


Kỳ 1: “Cây nhà lá vườn” thời digital Marketing

Nói đến những chiêu thức marketing nói chung và marketing Game Online nói riêng thì muôn hình vạn trạng, nhiều chiêu thức nhiều phương pháp khác nhau. Nhưng tựu trung các phương pháp “Cây nhà lá vườn”, tận dụng tất cả những gì có sẵn vẫn là quen thuộc và được dùng nhiều nhất.

Website game là công cụ quảng bá đơn giản và khá hiệu quả. Hầu hết bất kỳ một game online nào cũng đều xây dựng website riêng của mình. Một phần, đây là kênh thông báo các thông tin liên quan đến game của nhà phát hành đến game thủ. Mặt khác, đây cũng sẽ là một tờ báo của gamer để cập nhật thông tin về game hữu hiệu nhất. Chính vì vậy, trên các Website game, các nhà phát hành luôn tận dụng hết sức sự thu hút này để treo banner quảng bá marketing cho game cũng như các event nói chung.

Bên cạnh website chính của game thì diễn đàn cũng là nơi thu hút đông đảo gamer. Việc xây dựng diễn đàn song song, thậm chí xuất hiện trước website chính cũng là một cách marketing rất hữu hiệu. Đây chính là động thái thăm dò phản ứng của gamer để tung ra phiên bản phát hành chính thức như các trò gần đây là Thế Giới Hoàn Mỹ hay Exsoccer_Vua Bóng Đá đã vận dụng. Diễn đàn là nơi các game thủ tự do bày tỏ ý kiến đóng góp của mình, nhưng nhiều khi các nhà phát hành cũng tận dụng điều này để tạo tiếng vang trước cho sản phẩm của mình. Mà đôi khi không chỉ diễn đàn “nhà” mà cả các diễn đàn “láng giềng” xa gần.

Sự phát triển media ngày nay khiến các đoạn phim trailer được tận dụng. Các hiệu ứng chữ trên phim trình chiếu hoành tráng, nhiều tư liệu gợi mở về thế giới game mới để chinh phục gamer. Không biết bao nhiêu nhà phát hành đã đổ rất nhiều tiền của vào các đoạn phim trailer này trong khi hiệu quả marketing của nó chỉ là đánh vào sự tò mò háo hức. Ví dụ như game Chinh Đồ sắp ra mắt của VinaGame đã xây dựng được một đoạn trailer vô cùng hoành tráng và ấn tượng khiến các gamer không thể nào làm ngơ được. Đây có thể xem là một bước tiến mới của điện ảnh được tận dụng vào thời digital Marketing cho gamer.

Ngoài ra, các chuyên mục về game được phát trên sóng truyền hình cũng nhằm khai thác mảng quảng cáo chiêu dụ cho các nhà phát hành. Đây dường như sẽ là mảng PR khác hẳn với các kênh truyền thống như báo in và báo điện tử. Điển hình là Audition của nhà phát hành VTC. Với lợi thế sân nhà nên xem ra Audition là game online đầu tiên của Viêt Nam được marketing thông qua đài truyền hình. Đó chính là yếu tố góp phần tạo nên làn sóng bùng nổ cho Audition trong thời gian qua.

Truyền hình kỹ thuật số VTC cùng với nhà phát hành VTC Game đã khởi động nhiều chương trình giải trí tương tác Audition - Nhịp điệu cuộc sống kết hợp game online và truyền hình. Hội tụ âm nhạc, thời trang và vũ đạo, gameshow Nhịp điệu cuộc sống không chỉ quen thuộc với các dancer Audition mà còn đến với đông đảo mọi người vào trưa Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTC1. Ngoài những phần thi đấu chính, chương trình còn có sự góp mặt của những ngôi sao ca nhạc hàng đầu Việt Nam, biểu diễn hiphop trên nền nhạc Audition của các vũ đoàn và màn trình diễn thời trang game.

Các chiêu thức marketing “cây nhà lá vườn” không chỉ dừng lại ở đó. Các nhà phát hành còn làm ra những tạp chí Game chuyên trang. Nhưng hầu hết các gamer rất ít giành sự quan tâm của mình đến các báo in. Lý do cũng khá đơn giản là lười và chưa có một tạp chí nào chuyên về game với một góc nhìn khách quan. Hai tạp chí game vừa ra mắt hầu như chưa có được ngòi bút nghiêng về gamer mà đa phần chỉ vì phục vụ PR cho các nhà phát hành. Đó cũng là một thực tế cần nhìn nhận mà gamer Việt Nam phải chịu trong thời kỳ này!

Ngoài ra cũng phải nói đến chiêu tiếp cận bằng các hội nghị khách hàng được đầu tư công phu từ khâu thiết kế sân khấu đến phục trang mà chi phí lên đến con số bạc tỷ. Đây đúng là cú dứt điểm ngoạn mục nhất cho cuộc chinh phục gamer mới và giữ chân những gamer trung thànhh. Những chiêu như cào thẻ trúng vật phẩm và bán những sản phẩm ăn theo game trên các shop trực tuyến khiến gamer ăn ngủ điên đảo ngày đêm sống cùng thế giới game. Những chiêu thức như nhân đôi kinh nghiệm hay tăng tỷ lệ rớt đồ giờ đây có vẻ như không còn hiệu quả mãnh liệt như xưa nữa, mà thay vào đó là những chiêu thức hấp dẫn hơn rất nhiều.

Mời các bạn cùng đón đọc kỳ 2 để biết thêm những chiêu thức mới ngày này trong lĩnh vực marketing game online là gì nhé.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Game360.vn

No comments:

Post a Comment