Aug 30, 2008

Chuyên đề: Game online và những chiêu thức marketing (5)


Kỳ 5: Gắn liền cuộc sống thực và ảo

Giới thiệu trò chơi rộng rãi thu hút lượng gamer tham gia và trung thành với sản phẩm mà mình đã chọn, giờ đây không còn là trách nhiệm của nhà sản xuất mà còn phụ thuộc vào người quản lý marketing. Sở dĩ nhận định như thế là vì game online hiện nay đều du nhập từ nước ngoài và tất nhiên nhà sản xuất của các quốc gia khác không thể nào bám sát được bản sắc của người Việt và trách nhiệm thổi “hồn Việt” giờ đây tùy thuộc vào nhà phát hành.


Các nhà phát hành ngày nay đã tận dụng cả hai yếu tố giữa xã hội thực và xã hội game khiến cho công tác marketing về game online tạo được một tiếng vang không nhỏ trong dư luận game thủ. Những event sáng tạo ra gần gũi theo phong thái người Việt sẽ dễ tiếp cận hơn với lượng gamer khổng lồ như hiện nay. Các hoạt động trong game gắn liền với xã hội thực là nét đặc trưng cơ bản nhất mà điển hình là VinaGame hiện nay khai thác. Từ những bánh chưng, mâm ngũ quả của sự kiện Tết năm trước và là phát hoạ những phong lì xì đỏ thắm đã chinh phục biết bao trái tim gamer. Trong game PTV lại đón tết với cành đào phai ở thành phố Phillai phía Bắc, sắc mai vàng ở thành phố Riccatent phía Nam. Khi mọi người trao nhau lời yêu thương ngọt ngào trong ngày lễ Tình yêu 14/2, chiến binh MU Online cũng "bày tỏ tình cảm" bằng những trái tim đỏ thắm, hoặc game thủ PTV tặng nhau phong chocolate ngọt ngào trong game...

Với truyền thống văn hoá Á Đông, việc len lỏi vào tâm hồn Việt những bản sắc như thế luôn luôn kích cầu cho gamer tham gia vào các hoạt động. Xây dựng một xã hội game gắn liền với đời sống thực cũng là một chiêu thức marketing tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng đến con đường chinh phục gamer. Việc tổ chức các sân chơi bên trong trò chơi được tiến hành thường xuyên hơn và thường ăn theo các sự kiện lớn trong năm như Tết, Trung Thu, Giáng Sinh, Quốc Khánh…. Giải thưởng phổ biến events là những vật phẩm trong game hoặc đơn giản là nhân điểm kinh nghiệm, tăng tỷ lệ rớt đồ vật hay cơ hội đặc biệt để chỉnh sửa chỉ số cho nhân vật… Những hoạt động đó giúp game thủ có thể thay đổi “khẩu vị” ngay trong game của mình, xã hội ảo trở nên sinh động hơn chứ không đơn thuần là nơi “chặt chém”, cày level.

Đó chỉ là khi trò chơi đã được định hình, còn một khi vừa phát hành thì các nhà quản lý marketing tung chiêu gì? Nếu như hoạt động online nhằm giữ chân những game thủ đang chơi ở lại thì những game mới thường được các nhà phát hành thường tổ chức nhiều hoạt động offline hoành tráng để đưa hình ảnh của game đến nhóm người chưa tham gia chơi.

Điển hình nhất là sự ra mắt game Chinh Đồ trong tháng 9 vừa qua với những sự kiện offline hoành tráng tại 65 tỉnh thành trên cả nước, thành lập nhiều câu lạc bộ để test Close Beta game, thi tìm Mỹ nữ Chinh Đồ… Hay Lễ hội PTV và Đại Hội Võ Lâm được tổ chức thường xuyên hàng năm với chương trình được đầu tư lên đến bạc tỷ, thu hút hàng nghìn người tham gia ở cả hai miền Nam Bắc. Rất nhiều phụ huynh dẫn con em đến thi đấu, tìm hiểu hoặc cùng vui chơi đã rất hài lòng và trầm trồ thán phục tài quảng bá của các nhà kinh doanh game từ khâu thiết kế không gian lễ hội, sân khấu, cách phục trang… cho đến sự xuất hiện của những nhân vật ngoài đời mô phỏng hệt trong game. Thành công của những lễ hội này đã khiến nhiều nhà phát hành game online muốn tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo, mô phỏng thế giới ảo. Những hoạt động offline của nhà cung cấp thể hiện phần nào đặc tính chung nhất của lớp game thủ trung thành.

Nhưng cũng không thể không nhắc đến những promotion nạp thẻ trúng xe xịn, trúng máy tính cấu hình khủng … hay trá hình bằng các chuyến đi chơi nước ngoài nhưng đó cũng chính là mục tiêu chiêu dụ gamer nạp thẻ nhanh nhiều để thu lợi nhuận. Có một thời diễn đàn của game nổi tiếng với câu chuyện cảm động về cô bé người Việt bi ung thư đang điều trị và mơ ước khoát lên mình một bộ đồ trong game có 1 không hai cho nhân vật Nga My. Nhà phát hành nhanh chóng vào cuộc thỏa mãn ước mơ cho cô bé này.

Sự kiện càng đình đám hơn sau khi vào game để đón nhận món quà không tưởng này là cái chết của cô bé tại Nhật. Kênh PR dường nhu biến hóa sai mục đích khi có ý định tận dụng để thổi phồng sự kiện hy hữu này. Và liệu thật sự có hay không câu chuyện này hay đây chỉ là một sản phẩm tưởng tượng mãi vẫn là câu hỏi thách đố dành cho người chơi game. Cũng có ý tưởng là nhà nhà phát hành tạo một NPC mang tên cô bé này để làm một dấu ấn tưởng nhớ cuộc sống thực và thế giới ảo luôn luôn gắn kết. Một chiêu thức quá hay để giữ chân người chơi.

Dù góp phần mang lại hình ảnh khá toàn diện cho ngành dịch vụ giải trí mới, giới game thủ cho rằng hoạt động marketing của các công ty game gần đây có vẻ trầm xuống. Những sự kiện trong lẫn ngoài game không có sự khác biệt nổi trội, đều "na ná" nhau giữa các đơn vị phát hành. Những "tuyệt chiêu" được sử dụng nhiều nhất là cào thẻ trúng thưởng, tăng điểm kinh nghiệm, tăng tỷ lệ rớt đồ... Các event trong game nổi đình nổi đám nhưng lại gượng ép sống sượng. Cần lắm những sự kiện tạo ra vì game thủ, dựa trên mục đích giải trí và luôn luôn mới lạ, đổi mới và hấp dẫn chứ không phải vì những vụ lợi marketing được đặt lên hàng đầu như hiện nay.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Game360.vn)

No comments:

Post a Comment