Kỳ 3: Promotion Girl – Hot Girl : Lạm dụng Marketing của Game Online
Ngày nay, việc sử dụng các Promotion Girl (PG) hoặc “Hot Girl” (HG) để quảng bá cho game không còn lạ nữa, thậm chí còn quyết định một phần không nhỏ trong thành công của game. Điển hình như hàng loạt sự kiện Miss Audition Ngọc Anh, Hương Ly, Ran Idol Minh Hằng, Thập đại Mỹ nhân của VLTK, Miss XDO, SA Hot girl, Miss China Joy ở Trung Quốc..v..v… luôn thu hút sự quan tâm của rất nhiều game thủ. Ngoài ra, trong ngày hội offline game càng không thể không có những cô em xinh đẹp xuất hiện.
Tuy nhiên, mỗi nhà phát hành nói chung và mỗi game nói riêng đều có những cách vận dụng khác nhau. Chỉ cần đi lệch một chút là có thể hiểu theo nghĩa “lạm dụng” marketing.
Đình đám nhất gần đây có lẽ là việc sản phẩm game Biệt Đội Thần Tốc của VinaGame tận dụng các hình ảnh “hot girl” nhằm thu hút người chơi khi sự ra mắt của game không mấy thành công như mong đợi. Theo đó, trang web Biệt Đội Thần Tốc dành hẳn một khu vực làm doanh trại riêng cho đội nữ đặc nhiệm này.
Chiến dịch quảng bá cho Sudden Attack của VinaGame thật nóng bóng. Hai hình ảnh trái ngược nhau là “Hot gril” và cây súng luôn gắn liền tạo nên sự tương phản chua chát. Đội nữ đặc nhiệm này sẽ có nhiệm vụ đi đến các tiệm net đã đăng ký với Biệt Đội Thần Tốc để cùng chơi, cùng thách đấu với người chơi nhằm quảng bá và thu hút thêm người chơi cho sản phẩm này.
Có không ít ý kiến của nhiều giới truyền thông cho rằng Biệt Đội Thần Tốc dùng “mỹ nhân kế” lôi kéo game thủ. Nhưng xem ra “chiêu mới” này cũng không cứu vãn được tình thế của Biệt Đội Thần Tốc là mấy.
Trước đó không lâu, nhà phát hành FPT với sản phẩm Đặc Nhiệm Anh Hùng cũng sử dụng hình ảnh cô gái trong trang phục rằn ri chạy vòng vòng trên xe JEEP giữa lòng thành phố để quảng bá cho lần ra mắt đầu tiên của game này. Hình ảnh những nam nữ quân nhân vũ trang đến tận răng, rầm rộ xuất hiện trên phố làm nhiều người giật thót tim hoảng sợ.
Tất nhiên, hoạt động kích hoạt thương hiệu (brand activation) này của FPT online thể hiện một sự nhanh nhạy trong cách tiếp cận thị trường. Thay vì những cô gái xinh đẹp chạy xe đạp ngoài phố để quảng bá sữa, thay vì đại hội võ lâm với phục trang kiếm hiệp, thì các chuyên gia marketing của công ty đã sử dụng hình ảnh những nhân vật trong game để tạo ấn tượng và thu hút sự quan tâm của công chúng. Nhưng chỉ cần vận dụng lệch đi một chút là mang lại một hiệu quả khôn lường. Về mặt kỹ thuật marketing, FPT online đã làm đúng. Nhưng cái đúng này lại gặp phải một tai hoạ nghiêm trọng: những biểu tượng sử dụng trong chiến dịch quảng bá này đã bị sai biệt về mặt văn hoá và suy nghĩ của người Việt.
Kết cuộc là phải lãnh sự trừng phạt từ bộ văn hóa thông tin. Có lẽ ít người biết đó là kế họach này được thực hiện thông qua một nhà trung gian tổ chức sự kiện. Vì vậy nên kết thúc của nó là màn tranh cãi có một không hai trách nhiệm do ai? Để rồi phía tổ chức sự kiện này phải ngậm ngùi chịu phần thiệt thòi. Đây có thể được xem là một trong những câu chuyện điển hình cho việc lạm dụng marketing của ngành game online. Việc bàn tán, bình luận về các PG, HG của các game này trên các diễn đàn, báo chí thậm chí còn nhiều hơn, nóng bỏng hơn cả bản thân game mà họ đại diện.
Đồng ý kinh doanh game là một ngành đặc biệt phải tạo sự cuốn hút và những dịch vụ mang tính giải trí cao nên marketing là sự lựa chọn duy nhất hiện nay, nhất là càng đặt nặng hơn khi có nhiều game phát hành sự cạnh tranh càng lớn. Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của một lực lượng đông đảo PG, HG cải trang thành nhân vật trong game tiến hành bày binh bố trận phát quà khuyến mãi, poster, sách hướng dẫn và cả chụp hình lưu niệm như Võ Lâm, Thiên Long Bát Bộ, Thế Giới Hoàn Mỹ, Phong Thần, Shaiya … và rất nhiều game online đã tận dụng cho việc quảng bá sản phẩm của mình. Nhưng những trường hợp như Biệt Đội Thần Tốc và Đặc Nhiệm Anh Hùng vấp phải như trên là đã lạm dụng quá nhiều các chiêu thức marketing này.
Thanh Thúy (Bài đăng trên Game360.vn)
No comments:
Post a Comment