Sep 16, 2007

TẢN MẠN “DẾ TÀU”


Không biết từ bao giờ người Việt Nam ta đã có một ấn tượng rất đặc biệt về hàng “made in China”. Từ sắt thép, hàng tiêu dùng, thực phẩm, xe máy cho đến đồ hi-tech. Và riêng điện thoại di động (ĐTDĐ) thì được gọi bằng một cái tên phổ biến là “Dế Tàu”, không biết là ngụ ý khen hay chê?! Điều đó thì thật sự chua ai dám khẳng định. Nhưng rõ ràng với những tính năng hiện đại không thua kém những loại điện thoại di động tên tuổi đời mới và giá rất… bèo, ĐTDĐ có xuất xứ từ Trung Quốc đang đang soán ngôi nhiều thương hiệu di động khác, nhất là trong việc "lấy lòng" những khách hàng thuộc giới trẻ, giới bình dân.

“Dế Tàu” - Giá rẻ, tính năng đáng nể!

Chưa bao giờ người tiêu dùng lại có cơ hội "tậu" được nhiều loại điện thoại di động có giá rẻ như hiện nay. Chỉ trên dưới 2 triệu đồng, khách hàng có thể thoải mái "tậu" cho mình một "con dế" tích hợp nhiều tính năng tiện ích: màn hình cảm ứng, thẻ nhớ, dùng 2 sim 1 lúc, chụp hình, nghe nhạc, quay phim… thật hoành tráng. Hơn nữa, họ còn có thể tậu cho mình cả một màn hình cảm ứng và tha hồ “chấm chọt” cho “sành điệu”. Hình thức thì dù là dạng thanh, nắp trượt hay vỏ sò cũng đều rất thời trang. Trong khi đó, với những thương hiệu nổi tiếng khác, số tiền phải bỏ ra là gấp nhiều lần. Chẳng hạn, để có thể dùng một chiếc điện thoại màn hình cảm ứng và tích hợp các chức năng cao cấp của nhãn hiệu nổi tiếng như O2, Nokia, khách hàng phải bỏ ra trên chục triệu đồng, song nếu xài "dế Tàu", khách chỉ phải bỏ ra khoảng 2,4 triệu đồng với chiếc điện thoại có kiểu dáng và màu sắc y khuôn hàng chính hãng.

Thôi thì cơ man nào là ĐTDĐ “made in China”. Số điện thoại này được phân chia làm nhiều loại. Một số nhãn hiệu "dế Tàu" có đăng ký thương hiệu như CECT, Elitek, Jongsung, Bandshine... mặc dù được bày bán trang trọng không kém gì các loại điện thoại chính hãng nổi tiếng của Nokia, Samsung... và có bảo hành đến 12 tháng, song giá cao hơn nên bán không chạy. Mặt khác, kênh phân phối của dạng "dế Tàu" này vẫn còn hạn chế. "Dế Tàu" dạng trôi nổi có hàng loạt nhãn hiệu, từ Mpeg 4 - nhãn hiệu phổ biến nhất đến những nhãn hiệu lạ hoắc như Suntek, Josung..., thậm chí một số loại không có nhãn hiệu gì trên thân máy hoặc ngang nhiên copy các nhãn hiệu nổi tiếng như Nokia, Samsung, Sony Ericsson... Cuối cùng là một số ít hàng "lướt": các loại điện thoại cũ được các cơ sở sản xuất nhỏ bên kia biên giới nhập về, sửa chữa, chắp vá, thay vỏ mới, dán tem và bán lẻ ra thị trường như hàng mới.

So với các hàng chính hãng đang có mặt trên thị trường thì những chiếc điện thoại Tàu vẫn thường được đánh giá là sự lựa chọn lý tưởng cho những ai ít tiền, đặc biệt là giới trẻ như học sinh, sinh viên, giới lao động phổ thông - những người có thu nhập thấp, nhưng lại thích được sở hữu một chiếc điện thoại nhiều chức năng.

Anh Chiến, người chạy xe ôm tại chợ Phạm Văn Hai (Tân bình) nói: "Giá của điện thoại Trung Quốc phù hợp với thu nhập của tôi. Có cái điện thoại, khách đi xe quen chỉ cần nhắn tin cái là được. Khi buồn ngồi nghe nhạc nhẽo cũng vui tai. Nói chung của bền tại người. Nếu chọn được hàng tốt, khi dùng chịu khó giữ gìn thì cũng được một thời gian dài".


Chất lượng khôn lường

Giống như đi mua xe máy Tàu, người dùng “dế Tàu” cũng phải tự nhủ và chấp nhận một điều "Tiền nào của nấy". Để giữ giá tiền chỉ bằng 1/3 so với hàng xịn của các hãng nổi tiếng có cùng tính năng, nhà điện thoại "thương hiệu nhỏ" tại Trung Quốc tìm mọi cách giảm giá thành sản xuất. Chất lượng vì thế cũng "bát nháo" không kém. Chủ yếu là “hên xui”. Vốn sinh ra từ những vật liệu giá rẻ nên độ bền của điện thoại Trung Quốc cũng thường "chết trẻ".

Dù là nhái theo những model đang ăn khách hoặc là mang kiểu dáng riêng, điểm chung của dế Tàu là thiết kế bên ngoài thô, khớp nối không sát, giao diện (tiếng Việt hoặc tiếng Anh) sai lỗi chính tả. Màn hình tuy rất sáng nhưng không thực sự tươi và trong. Nhiều người mua điện thoại hiện nay không chú ý chi tiết: tỷ lệ giữa độ phân giải và kích thước màn hình. Nếu cùng một độ phân giải (số điểm ảnh), kích thước màn hình càng lớn thì diện tích mỗi điểm ảnh càng to, hình ảnh thể hiện càng thô. Âm thanh kêu rất lớn, nhưng bộ giải mã chất lượng không cao nên tiếng không mượt, thường bị chói ở tần số cao (âm treble). Chất liệu vỏ máy cũng không tinh xảo bằng hàng chính hãng. Những tính năng khác như chụp hình, quay phim cũng trong tình trạng "có cho vui". Độ phân giải máy ảnh khá cao (1,3 - 2 Mgpx) nhưng khó chụp được đẹp vì tốc độ màn chập thấp, ảnh hay bị "hạt" khi ánh sáng hơi yếu một chút.

Điều dễ làm cho những khách hàng tỏ ra e ngại chính là chế độ bảo hành của "dế Tàu". Nếu điện thoại chính hãng luôn bảo hành từ 1 năm trở lên thì "dế Tàu" chỉ bảo hành từ 1 - 3 tháng, nơi nào lâu lắm thì 6 tháng. Theo một số người có kinh nghiệm thì xài "dế Tàu" phải "nâng như nâng trứng", bởi chỉ cần rớt một lần là coi như... xong. Đặc biệt, lúc đã hư, "dế" thường hư hàng loạt các bộ phận theo kiểu dây chuyền. Còn hư pin, hư cục sạc là chuyện…nhỏ! Chỉ sau 1 - 3 tháng, những căn bệnh sau đây thường xuất hiện trên dế Tàu: pin yếu, mất nguồn, màn hình trắng, lỗi phần mềm (tự động mất sóng, nhắn tin màn hình sẽ tự động tắt)... Tiền sửa, nhẹ thì 100.000 đồng nếu chỉ bị lỗi phần mềm, nặng có khi tới 300.000 đồng. Khi đã hư thì giải pháp thường gặp là… vứt. Đúng là “Hàng hiệu” giá rẻ, chất lượng… hàng mã. Có không ít người đã đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Thiết nghĩ, “dế Tàu” thực ra rẻ hay đắt?

Thị trường vẫn... ổn!

Trên địa bàn TP. HCM hiện nay, loại "dế Tàu" trôi nổi đang chiếm thế "áp đảo", bởi giá rẻ và các kênh phân phối đa dạng hơn. Hiện nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh(TP.HCM), những con đường bán “dế Tàu” nổi tiếng nhất phải kể đến là Ba tháng hai, Hùng Vương (quận 10), Nguyễn Kiệm (Gò Vấp), Đinh Tiên Hoàng(Quận 1) và bây giờ là Trường Chinh(Tân Bình).

Chợ ĐTDĐ đường Trường Chinh chỉ mới xuất hiện khoảng vài tháng trở lại đây nhưng đã nhanh chóng trở thành nơi cung cấp ĐTDĐ Trung Quốc lớn nhất tại TP.HCM. Một đoạn ngắn kéo dài từ cuối đường Cộng Hòa đến Phạm Văn Bạch san sát những tiệm buôn bán ĐTDĐ Trung Quốc lề đường. Máy ĐTDĐ được bày trong những chiếc hộp gỗ gọn nhẹ để sẵn sàng chạy trốn lực lượng chức năng. Hàng bày trên đó chủ yếu là vỏ điện thoại để tiếp thị. Chỉ cần khách tấp vào lề hỏi mua là ngay lập tức có người phóng xe sang điểm cất hàng gần đấy trao tay. Theo nhiều dân bán ĐTDĐ Trung Quốc tại chợ Trường Chinh, dân “ôm” ĐTDĐ tại đây thường rất ít trữ hàng. Mối làm ăn quan trọng nhất chính là những đơn đặt hàng trực tiếp từ các cửa hàng ĐTDĐ, vài ngày sau đến lấy. Tuy nhiên, có thể nói không ở đâu tại TP.HCM có nguồn ĐTDĐ nhái Trung Quốc nhiều hơn ở đây. Chỉ một khu chợ nhỏ xíu nhưng phạm vi phân phối nằm ở khắp nơi trong thành phố.

Như vậy, dù chất lượng không đảm bảo, vật liệu rẻ tiền và chiều sâu công nghệ không có, “dế Tàu ” vẫn chiếm được cảm tình của khách hàng nhờ mức giá nhiều người cho rằng rất rẻ. Chất lượng của “dế Tàu” ra sao, sau vài tháng sử dụng mới biết, còn trước mắt, làn sóng ĐTDĐ Trung Quốc đang lan nhanh, rộng tại thị trường TPHCM và đã tạo nên một cơn sốt thật sự. Điều quan trọng là khách hàng nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định rút ví./.

(Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 09/2007)

No comments:

Post a Comment