Sự bùng nổ của game online đã khuếch trương cộng đồng lên một số lượng thành viên khổng lồ. Cùng với sự góp mặt của các nhà phát hành ngày một nhiều hơn đã tạo nên một sự thịnh vượng cho cộng đồng ảo hiện nay. Thế nhưng, cộng đồng này đang ở thời điểm “giao thời” khi mà kèm theo sự phát triển quá nhanh đã sinh ra nhiều vấn đề tiêu cực, phức tạp.
Qua kỳ 1 của chuyên đề Game Online và ảnh hưởng xã hội, chúng ta đã phần nào phát thảo được thực trạng hiện nay về dư luận xã hội đối với tác hại của Game Online. Chắc hẳn nhiều người sẽ không ngần ngại khẳng định một câu chắc nịch: nguyên nhân là do game online. Công bằng mà nói thì trong các chuyện đau lòng đó đều ít nhiều, gián tiếp hay trực tiếp cũng là xuất phát từ game online. Nhưng có vội vàng chăng khi kết luận rằng mọi nguyên nhân đều xuất phát từ đó?
Một học sinh lớp 9 bỏ giờ học, bịt mặt đi cướp. Một bạn khác cùng lứa dám ra tay giết em ruột rồi gây thương tích cho mẹ cũng vì tiêm nhiễm những trò bạo lực trên game và cần tiền để chơi games. Xã hội vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại tội ác dã man vào tháng 5 vừa qua, 2 nam sinh lớp 8 bắt cóc và giết hại một bé 5 tuổi chỉ để ... có tiền chơi game. Rồi những câu chuyện gamer bán xe, bán những gì mình có... kể cả bán người yêu để chơi game đã ko còn quá xa lạ. Cơn mê đã nắm giữ lý trí và suy nghĩ của gamer? Họ đang làm những việc mà có thể, trước khi sa vào game, họ cũng không ngờ. Biểu đồ của số học sinh bỏ học, đi bụi vì Game Online vẫn tăng lên hằng ngày, hằng giờ, những học sinh đã từ bỏ tương lai của mình vì mê muội thế giới ảo.
Nhưng cũng có ý kiến lại lý luận rằng, nhiều người chơi game đến kiệt sức và chết chẳng qua là do làm một cái gì đó quá tập trung dẫn đến suy kiệt sức khoẻ. Như những nhà nghiên cứu, các chuyên gia mải mê tìm tòi mà quên cả ăn ngủ, các bác sĩ phẫu thuật thực hiện những ca mổ kéo dài 10 – 12 tiếng…Họ đâu có dính tới game, chỉ đơn giản là khi họ mải mê làm gì đó thì quên cả ngày tháng, và đó là điều thường thấy trong sinh hoạt. Hoặc khi mà con người sa vào một trò hấp dẫn thì máu ăn thua sẽ khiến người ta ném hết mọi thứ để đuổi theo. Có nhà sưu tập đồ cổ bán hết gia sản chỉ để sưu tập, lưu giữ những tinh hoa của tổ tiên. Đó là một việc không lạ trong cuộc sống khi con người ta đam mê và hy sinh những thứ khác cho đam mê của mình.
Khách quan mà nói thì bản chất thật của Game Online không hoàn toàn xấu. Bản chất của nó là giải trí, thư giãn cho người chơi, kết nối cộng đồng trong cuộc sống. Đó là môn giải trí của cả thế giới, nó còn có lợi gấp nhiều lần so với các trò chơi như đua xe lạng lách, hút chích ma tuý... Mặt khác, chúng ta cũng phải nhận thức rằng giới trẻ đang bị “đói” nghiêm trọng những trò chơi bổ ích mang tính chất giáo dục, trí tuệ và thể chất, nên khi games xuất hiện, sẽ dễ bị lao theo vì hiếu kỳ và cũng vì “không còn lựa chọn khác” trong việc giải trí. Đây là điều các gia đình và xã hội cần quan tâm.
Trẻ con về mặt tâm lý chưa hoàn thiện, nhận thức chưa đầy đủ vì thế rất dễ nhiễm bệnh nghiện game. Một đứa trẻ có thể ngồi chơi games liền trong 3 ngày, quên cả chuyện ăn uống, trong khi tiết học chỉ dài 45 phút đã chán nản, uể oải. Bệnh này sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, làm cho sức khỏe giảm sút, thậm chí trầm cảm, loạn thần...Đồng ý một phần do các nhà phát hành chưa đi đúng hướng trong việc phát hành, quảng bá game. Chính đều đó đã làm ảnh hưởng nhanh và mạnh đến lớp trẻ nói chung.
Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của game thủ. Nếu game thủ biết kiềm chế mình khi chơi game, không quá sa vào bẫy "ảo", nếu game thủ không làm những việc trái với lương tâm để được chơi game, nếu game thủ ko từ bỏ cuộc sống, gia đình, bạn bè, xã hội tương lai của họ để làm "anh hùng" Game Online... Nếu ý thức game thủ tốt hơn thì xã hội đâu đến nỗi nhìn nhận Game Online ác cảm như vậy. Chỉ có ý thức của gamer mới “giải oan” được cho Game Online, ý thức tốt thì mọi chuyện có lẽ không phức tạp như vậy.
Đừng vội vàng gán tội cho bất cứ game nào mà phải xét lại bản thân người đó. Họ nghiện game là do đâu? Do họ chưa hiểu rõ được khía cạnh giải trí của game? Do họ không có kênh giải trí nào khác ngoài việc chơi game? Hay do gia đình bỏ rơi, không quan tâm đến họ?... Mọi sự việc đều có nguyên nhân của nó. Và nếu ta biết được nguyên nhân của việc nghiện game thì chắc chắn sẽ có cách giải quyết thỏa đáng hơn.
Hãy cùng đón đọc cùng Kỳ 3 – Trách nhiệm thuộc về ai của Game 360.
Thanh Thúy (Bài đăng trên Game360.vn)
No comments:
Post a Comment