Apr 13, 2009

Chuyên đề: Game Online và ảnh hưởng xã hội (3)

Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những gamer đang quá đam mê cuộc sống ảo, quên đi cuộc sống thật đang tự giết hại bản thân mình vì Game Online. Họ đã tự mình bỏ đi gia đình, bạn bè, xã hội, bỏ đi sự nghiệp, tương lai, bỏ đi những gì mà họ đã từng ao ước, những gì mà họ đã và đang làm, họ tự đánh mất bản thân mình. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn gây đau thương, mất mát cho nhiều người. Từ đó, Game Online đã gây những tiếng vang không tốt đến dư luận và xã hội.


Kỳ 3: Trách nhiệm thuộc về ai?

Dạo một vòng các phòng dịch vụ Internet, tình trạng đông thanh thiếu niên thường xuyên ngồi hàng giờ, hàng ngày bên máy tính để chơi game khá phổ biến. Thực trạng trên dẫn đến một bộ phận không nhỏ các bạn thanh thiếu niên bị mất kiểm soát đối với việc sử dụng Internet, cuốn vào đời sống ảo, xa rời các giá trị sống, dẫn đến những hành vi rất khác người, rời xa những giá trị chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống hiện thực, và rất nhiều hệ lụy khác. Rõ ràng game online ít nhiều cũng đã gián tiếp gây nên ảnh hưởng không tốt trong xã hội. Nhưng như đã nói đến ở kỳ 2 của chuyên đề, nếu hoàn toàn đổ lỗi cho game online thì sẽ không công bằng.

Ý thức của người chơi

Game online đặc biệt nguy hiểm với những người thiếu bản lĩnh, nghị lực kém và nhân cách chưa định hình, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Ở lứa tuổi còn nhỏ, tâm lý sẽ chưa hoàn thiện, nhận thức chưa đầy đủ vì thế rất dễ “nhiễm bệnh” này. Nghiện game sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, làm cho sức khỏe giảm sút, thậm chí trầm cảm, loạn thần... đó là điều dễ hiểu.

Khi các game thủ là người đã trưởng thành nhưng vẫn lao vào game như những con thiêu thân, thức suốt đêm để chơi game và ngủ vào ban ngày, không đến lớp, bỏ bê bài vở học hành, sinh hoạt thất thường, gương mặt lúc nào cũng đờ đẫn… thì lỗi trước tiên không thể nói do bố mẹ quản lý không chặt, hay do nhà nhà trường do xã hội, mà là ở tự bản thân họ. Họ đã trưởng thành, đã đặt một chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, chính bản thân họ phải ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, với xã hội. Họ không tự ý thức được những gì mình đang có và từng ngày từng ngay đánh đổi nó bằng trò chơi mà lẽ ra chỉ mang tính giải trí.

Những người có hệ thần kinh dễ bị xúc động, tính tự chủ và khả năng độc lập kém thường bị lôi kéo, bị phụ thuộc bởi sức hấp dẫn của những trò chơi này. Ngoài ra còn do môi trường sống xung quanh, nếu chỉ chơi game mà chỉ ngồi ở nhà thì mấy khi bị nghiện. Nhưng khi đã gia nhập các “hội”, các “bang” thì sẽ càng thúc đẩy sự ham muốn đến với trò chơi. Như vậy có thể nói chính ý thức của Gamer sẽ chứng minh được bản chất của Game Online không hoàn toàn xấu.

Trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội

Đây hoàn toàn không phải một câu nói chung chung sáo rỗng mà thực sự đã đến lúc cả gia đình và toàn xã hội phải chung tay cùng xây dựng một môi trường internet, môi trường giải trí lành mạnh, nếu không muốn nói là đã trễ. Mỗi gia đình hãy dành thời gian quan tâm đến các thành viên, giáo dục xây dựng uốn nắn ngay từ đầu khi những hành vi tiêu cực vừa nhen nhóm. Xã hội phát triển kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có sự lỏng lẻo dần của các mối quan hệ gia đình. Suy cho cùng, khi game thủ bị nghiện game, đa phần sẽ nhanh chóng lấy lại thăng bằng khi được sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình. Theo những người có chuyên môn, việc điều trị các trường hợp nghiện game không được “cắt” game đột ngột vì dễ gây ra phản ứng tiêu cực. Nên áp dụng biện pháp “cắt cơn”, giảm dần thời lượng chơi game của người nghiện, sau đó kết hợp với những sinh hoạt cùng gia đình, xã hội để giãn và giảm hẳn thời gian chơi game.

Bên cạnh trách nhiệm gia đình còn có trách nhiệm của xã hôi mà đầu tiên là thuộc về các nhà phát hành. Ở nước ta, thông tư 60 ban hành năm 2006 với điểm chính là khuyến khích game thủ ngừng chơi sau “5 giờ” bằng các biện pháp kỹ thuật như điểm thưởng và kiểm soát tài khoản. Nhưng đến thời điểm này, sau hai năm triển khai, số lượng doanh nghiệp tuân thủ chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa nói đến việc nhiều doanh nghiệp tìm cách lách luật, người chơi vẫn thoải mái online. Và hệ lụy là số lượng người chơi game, nghiện game ngày càng nhiều, kéo theo đó là những vi phạm hình sự, vụ án liên quan đến game online cũng tăng lên đáng sợ. Cần có một “sức ép” với nhà phát hành để có một chính sách tốt hơn cho người chơi, các cấp quản lý cũng cần có những biện pháp để quản lý thị trường game một cách tốt và ít đụng chạm quyền lợi người chơi nhất. Ngoài ra, một cơ quan tuyên truyền, giáo dục tác phong chơi game cho game thủ, tổ chức các sự kiện lớn… cũng vẫn còn thiếu trong phương pháp quản lý chung.

Đây là thời điểm khó khăn nhất của cộng đồng game, cần những bước đột phá để có thể tiến lên một tầm cao mới của sự phát triển. Nếu hành động sai sẽ dẫn tới nhiều tiêu cực hơn hoặc thậm chí là làm thóai hóa thị trường game, tất cả đều đang cần những hành động tích cực và hợp tác từ nhiều phía. Tương lai của cộng đồng nằm trong tay của mỗi thành viên trong cộng đồng. 

Thanh Thúy (Bài đăng trên Game360.vn)

No comments:

Post a Comment