Feb 17, 2009

Chuyên đề: Qui định 5 giờ chơi – bao giờ mới hiệu quả? (3)


Kỳ 3: Thắt chặt, thả lỏng hay quy hoạch treo?!

Ai cũng biết quản lý giờ chơi game là một giải pháp hạn chế những hậu quả về mặt xã hội có thể xảy ra đối với người chơi game, chủ yếu là giới trẻ còn đang đi học. Tuy nhiên, việc quản lý giờ chơi trong game online quả thực đã vấp phải rất nhiều khó khăn. Thông tư 60 được thực hiện ra sao trong thời gian qua thì chúng ta cũng đã thấy được. 5 giờ chơi một ngày đã thật sự mất đi ý nghĩa, bằng chứng cho thấy vẫn còn rất nhiều trường hợp bỏ học chơi game, các hậu quả gián tiếp do game online gây ra vẫn liên tục gia tăng. Rõ ràng là còn có quá nhiều vấn đề phải bàn, nhiều yếu tố cần được tiếp tục tính toán, cân nhắc.


Thắt chặt, thả lỏng hay qui hoạch treo?

Thực tế cho thấy, nếu luật đã được xây dựng hoàn thiện, mà quá trình áp dụng không chặt chẽ, thì luật ấy sẽ không thể thực hiện được vai trò của mình trong quản lý, xử lý các hành vi, cụ thể là đối với tình hình game online như hiện nay. Thời gian đầu khi vừa ban hành Thông tư 60, các cơ quan chức năng đã thực hiện hiện việc kiểm tra và xử phạt rất nghiêm khắc, hàng loạt các Nhà phát hành bị phạt nặng, thậm chí phải liên tục đóng cửa các trò chơi cả mới lẫn cũ. Nhưng không hiểu vì lý do gì sau một thời gian thì tình hình có vẻ được thả lỏng hơn. Luật vẫn là luật nhưng “lách” vẫn cứ “lách”.

Câu hỏi đặt ra liệu có phải sau thời gian áp dụng vào thực tế, “Luật 5 giờ” đã nhận ra sự “khó khả thi” của nó. Bỏ thì “thương”, vương thì “tội” … Nhà phát hành, thôi thì đành tạm thời qui hoạch treo. Nhiều ý kiến cho rằng nên học theo cách làm của Trung Quốc, bất cứ game thủ nào đến các điểm Internet đều phải sử dụng CMND, khai báo chính xác thông tin cá nhân, trong trường hợp khai báo sai thông tin, toàn bộ tài khoản sẽ bị xóa.

Mới nghe qua thì có vẻ như rất chặt chẽ, nhưng thật ra số game thủ chơi game tại nhà riêng còn chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều. Hoặc giả như có khai báo thì việc nhờ một người khác đăng ký hộ là chuyện dễ dàng. Khi đó việc tranh chấp liên quan đến tài sản ảo càng phức tạp hơn nữa.

Rõ ràng cần phải xem xét lại việc giới hạn và áp dụng 5 giờ chơi như thế nào cho hiệu quả hơn. Một chính sách hiệu quả sẽ vừa giải quyết những vấn đề xã hội có thể phát sinh từ game online, vừa tạo điều kiện tối đa cho các nhà phát hành tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình.

Cần lắm sự tự giác của NPH và ý thức ở mỗi game thủ

Xây dựng và triển khai được Thông tư 60 đã là khó, việc quản lý và duy trì việc thực hiện còn khó hơn gấp bội phần, chỉ cần “thả lỏng” một chút là tính chất tốt đẹp của luật sẽ rẽ sang một hướng khác. Game online không phải là như một món hàng vật chất có thể bắt, tịch thu hay ngăn cấm được. Nghiêm cấm hoặc dẹp bỏ chỉ là biện pháp kiểu "phạt ngọn" chứ không giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Rõ ràng sự cần thiết hơn cả là sự hợp tác của các nhà phát hành và ý thức tự giác ở mỗi game thủ.

Bên cạnh những thông tư luật định và các biện pháp cưỡng chế thật chặt chẽ thì cũng cần những biện pháp giáo dục, nâng cao ý thức cho game thủ, chỉ nên xem game là phương tiện giải trí chứ không phải mục đích sống. Tạo nhiều sân chơi tốt cho học sinh, sinh viên, những đối tượng tham gia chơi game online nhiều nhất. Và quan trọng nhất là sự quan tâm của gia đình.

Đối với những em nhỏ, việc quản lý của cha mẹ là rất cần thiết. Hiểu đúng về game và chọn game cho con chơi cũng quan trọng như "chọn bạn mà chơi" vậy. Nếu sự ngăn cấm đối với các em quá cứng nhắc sẽ gây ra tình trạng lén lút đến những tiệm game, điểm Internet Cafe, là những nơi tụ tập nhiều thành phần, và rất khó nói được các em. Đối với lứa tuổi thanh niên và lớn hơn, nếu coi giải trí là mục đích sống thì cho dù là loại hình giải trí nào, người đó cũng trở thành nạn nhân của chứng nghiện tiêu cực. Chúng ta yêu game, nhưng cuộc sống không chỉ có game.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Game360.vn)

No comments:

Post a Comment