Nov 10, 2008

Chuyên đề: Nền kinh ảo trong game online (3)


Kỳ 3: Đồ ảo - chợ ảo: cái gì là thật?

1. Chợ ảo – nhộn nhịp người mua kẻ bán

Khi mà trò chơi trực tuyến bùng nổ tại Việt Nam thì xu hướng bán đồ “ảo” cũng đã xuất hiện. Môi trường giao dịch này dần hình thành nên những “chợ ảo” và thậm chí “siêu thị ảo”, chỉ chuyên mua và bán các vật phẩm trong game như giày dép, đao kiếm, giáp rồng, ngọc bội... Mặc dù đang hoạt động ngầm nhưng với tốc độ phát triển của dịch vụ mạng như hiện nay thì việc mua bán các tài sản ảo đã trở nên phổ biến và trở thành một thị trường nhộn nhịp như chính cái tên gọi của nó.


Hiện nay có một số “chợ ảo” đang hoạt động rất hiệu quả như M4G (Market4gamer.net), Chợ ảo (choao.vn), Thế giới game item (123shop.vn), Tân Thiên Kỷ (sieuthigames.com.vn), G4V CyberMarket (một hệ thống Chợ Ảo tại Game4v )… Tại các chợ ảo này cũng có rất nhiều dịch vụ không khác gì so với chợ thương mại mua bán đồ thật. Ví dụ như dịch vụ cho ký gửi đồ bán, người có hàng muốn bán sẽ mang đến cho các trang web này nhờ rao và chia % giá trị giao dịch. Hơn thế nữa, một số chợ ảo còn có dịch vụ “cầm đồ”. Game thủ cần tiền có thể mang item hoặc cả nhân vật đến ký gửi để mượn tạm tiền rồi sau đó chuộc lại.

Hoành tráng nhất phải kể đến những buổi bán đấu giá online và offline. Trông qui mô và các bước giá được đưa ra cho những vật phẩm trong game không thua kém gì một buổi đấu giá xe hơi, nhà đất. Nếu bạn đã từng tham gia vào giới mua bán game item thì hẳn bạn sẽ biết những buổi đấu giá, những cuộc trao đổi giao dịch hàng ảo có quy mộ lớn do Market4gamer tổ chức. Chắc hẳn chưa game thủ nào quên buổi đấu giá chiếc nhẫn Toàn thạch giới chỉ Võ Lâm Truyền Kỳ tại Hà Nội trong năm 2007. Giá khởi điểm là 100 triệu đồng, sau đó được trả lên 120 triệu, 180 triệu… và cuối cùng được bán với giá 251 triệu. Một con số đủ để mua được một chiếc xe hơi nhưng đã có người sẵn sàng trả cho một chiếc nhẫn vô hình chỉ tồn tại trong thế giới ảo của Võ Lâm Truyền Kỳ. Thật là khó có thể tưởng tượng được.

Trong những buổi đấu giá thì những mặt hàng thuộc loại đồ hoàng kim hay những vũ khí độc, đồ khủng, Max Op … được bán nhanh chóng với giá trung bình vài triệu đồng đến vài chục triệu một đồ vật. Có nhiều người bỏ gần 100 triệu đồng mua một cặp nhẫn “Vô danh giới chỉ” hay hơn 40 triệu đồng để mua con ngựa “Thần mã phiên vũ”. Và mới đây dân chơi Võ lâm truyền kỳ cũng đã xôn xao về việc một tài khoản game đã được mua với giá 1,2 tỷ đồng trên sàn Market4gamer. Việc bỏ ra vài chục triệu đồng để mua vật phẩm chẳng có gì lạ trong giới “đại gia” chơi game nhưng việc bỏ tiền tỷ để “sắm đồ” như vậy, kể cả với mục đích kinh doanh, thì cũng đáng phải kinh ngạc.

2. Đồ ảo – Tiền thật – Quyền lợi mơ hồ

Qua việc chứng kiến cảnh nhộn nhịp người mua kẻ bán tại các “chợ ảo” hiện nay chúng ta có thể khẳng định tiềm năng của một sàn giao dịch ảo chính thức trong game trực tuyến sẽ không hề nhỏ. Việc xây dựng mô hình chợ ảo của chuyên nghiệp sẽ phần nào làm giảm đi những tệ nạn, những rủi ro đến từ các cuộc giao dịch tự do bên ngoài. Suy cho cùng, bản chất của việc mua bán đồ ảo này không có gì là đáng lên án cả. Điều quan trọng là các sàn giao dịch này có đem sự an toàn và niềm tin cho game thủ hay không? Nhất là khi pháp luật chưa có quy định cụ thể điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tài sản ảo.

Nhưng nói đi phải nói lại, thực sự có rất nhiều người nếu không muốn nói là đa số các game thủ đã lợi dụng việc mua bán này để trục lợi. Rất nhiều trường hợp đã không ngần ngại đi ăn trộm tiền của người thân, đi cướp giật ở bên ngoài, xử nhau bằng luật rừng… để lấy tiền mua hàng ở trên chợ ảo, hoặc khi đã thực hiện xong giao dịch lại chơi trò “xù” tiền. Những trò gian lận trong game sẽ gia tăng khi sàn giao dịch ảo quy đổi giá trị món đồ ảo thành tiền thật.

Để giảm thiểu tình trạng này thì không còn cách nào khác việc pháp luật phải có qui định rõ ràng về tài sản ảo trong game hoặc giả phải có một mức giao dịch cố định nào đó. Nhưng hiểu một cách cơ bản thì “tài sản ảo” là những đoạn mã lập trình thể hiện hình ảnh và công dụng của một vật phẩm trong trò chơi game online. Mà những đoạn mã này lại do nhà sản xuất và phát hành game tạo ra. Vậy nếu pháp luật công nhận tài sản ảo thì vô tình đã gián tiếp cho người làm game “in tiền” hợp pháp.

Về mặt bản chất của hệ thống thì khối tài sản trong game online được lưu trữ tại hệ thống của công ty phát hành trò chơi và do họ quản lý. Nhưng liệu hệ thống của các công ty có đảm bảo an toàn hay không? Nếu tài sản của một game thủ nào đó bị đánh cắp thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Hoặc nếu như một doanh nghiệp kết thúc kinh doanh game nào thì quyền lợi của người chơi được đối xử ra sao? Người bị mất tài sản có được bồi thường không và ai sẽ bồi thường… bởi vì lúc này tài sản tuy là ảo nhưng lại được trị giá bằng tiền, thậm chí giá trị của tài sản đó có thể lên đến hàng chục triệu, hàng tỷ đồng như trên.

Hiện nay, mới chỉ có Đài Loan, Hàn Quốc đi đầu trong việc ban hành các văn bản pháp luật về tài sản ảo, họ chính thức thừa nhận tài sản ảo là tài sản, ăn cắp tài sản ảo cũng bị xử lý hình sự như đối với các tài sản khác. Còn đa phần các quốc gia khác và cả Việt Nam thì mọi việc vẫn đang tranh tối tranh sáng. Nhưng bất châp thế nào thì mọi việc vẫn diễn ra theo qui luật của nó, có cung ắt có cầu. Và một khi mọi vật phẩm ảo trên mạng có giá trị đối với game thủ đều có thể quy ra thành tiền thật thì từ đó hình thành nên một thị trường ảo đang và sẽ phát triển mạnh mẽ.
 Thanh Thúy (Bài đăng trên Game360.vn)

No comments:

Post a Comment