Nov 7, 2008

Chuyên đề: Nền kinh ảo trong game online (2)


Kỳ 2: Nhộn nhịp nghề “cày thuê”

Nói đến hai từ “đi cày” hẳn đã phần nào thể hiện được sự “vất vả” của việc chơi game. Thiết nghĩ, ngày nay việc chơi game dường như không chỉ mang tính chất giải trí mà còn có nhiều động lực và mục đích khác nhau. Chặng đường đó vô cùng gian nan và ngốn thời gian khủng khiếp, không chỉ là vài giờ mà là hàng ngày, thậm chí 24/7. 


Và lẽ dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể ngồi mọc rễ như vậy. Nhưng do háo thắng, ganh đua, tiếc rẻ hay hàng ngàn lẻ một những thứ lý do khác, rất nhiều người đã bỏ tiền để thuê người khác chơi game, kiếm "vàng" và đua level hộ mình. Những người túi tiền rủng rỉnh nhưng "nghèo" thời gian sẵn lòng trả tiền để nhân vật của họ được leo lên bậc cao hơn, hoặc giàu có ảo trong game. Điều đó có nghĩa là tiền thật đang được trả để đổi lấy nuôi tiền ảo.

Việc mua bán các tài sản ảo trong trò chơi đã trở nên phổ biến ngoài đời thường với giá trị bằng tiền thật. Người cần mua có thể là những người chơi có "công lực" thấp cần thêm các đồ để tăng điểm, có thể là người chơi đang ở các cấp độ (Level) thấp muốn nhanh lên các Level cao cũng có thể mua lại account cấp độ cao của những cao thủ. Giá bán các tài sản ảo, các account trên trò chơi có thể từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn và thậm chí tiền triệu. Tuy nhiên, đây không phải là mức giá cao nhất ở trên thị trường, tài sản ảo còn tuỳ thuộc vào sở thích và nhu cầu của từng đối tượng mà mức giá có thể lên đến tiền tỷ là chuyện thường.

Có cầu, ắt sẽ có cung, thế giới ảo lập tức xuất hiện những đối tượng chơi game chuyên nghiệp, ngày đêm "luyện đồ", "cày level" để bán đồ, bán account nhân vật trong game kiếm tiền. Chẳng những vừa được chơi game thoải mái, lại còn vừa kiếm ra tiền đủ ăn, đủ trả tiền hàng Internet, thậm chí còn có tiền ăn chơi.

Tại Việt Nam mấy năm trở lại đây, khi nền công nghiệp game online được công nhận và bắt đầu nở rộ thì kéo theo đó là nhu cầu “cày thuê” cũng ngày càng phổ biến. Lúc đầu chỉ là các cá nhân tự phát đơn lẻ nhưng về sau là có hẳn những công ty “công ty đào vàng” chuyên nghiệp chuyên cung cấp những “thợ cày” giỏi, năng xuất cao.

Riêng ở quận Gò Vấp, điểm sơ đã có gần chục “công ty đào vàng” như thế nhảy vào lĩnh vực chơi game thuê. Nằm trong một con hẻm khuất trên đường Quang Trung là một tiệm để bảng hiệu kinh doanh Internet, bên trong là một dàn khoảng 30 máy với màn LCD 17’. Mới trông thì cứ tưởng là một tiệm net dành cho dân VIP, sành điệu nhưng hỏi ra mới biết tiệm Net này không cho người vào thuê máy mà chỉ để phục vụ cho việc cày game thuê cho chủ tiệm mà thôi.

Được biết chủ tiệm Internet này là nhân viên làm việc cho một nhà phát hành game lớn. Thấy được cái lợi từ việc buôn bán đồ và cày game thuê, anh ta đã biến hẳn tiệm Internet ở nhà thành một “Công ty đào Kim Nguyên Bảo” cho game VLTK. Hơn 1 năm qua, bên cạnh việc nắm đầy đủ thông tin từ công việc hành chính hàng ngày tại Công ty Game, anh ta đã biết tùy cơ ứng biến và trở thành một ông chủ đầu cơ Kim Nguyên Bảo có tiếng trong giới chơi game Võ Lâm. Và dĩ nhiên tiền lời anh thu về từ “công ty cày thuê” này nhiều gấp bội lần công việc chính của anh.

Dùng tiền thật mua đồ “ảo” đang ngày càng trở nên phổ biến. Nguyên nhân có lẽ là do trong game có quá nhiều các món đồ có giá trị mà người chơi không thể đủ tiền “ảo” để mua thì đành phải dùng tiền thật. Một game thủ có thể bỏ ra đến vài triệu đồng để trang bị từ đầu đến chân cho nhân vật “ảo” của mình hoặc bỏ ra cả 100 USD để mua một chiếc nhẫn ảo, giá trị đâu có kém một chiến nhẫn bằng vàng 9999 ngoài đời thật. Bên cạnh đó, những người không có thời gian luyện từ đầu có thể bỏ tiền ra mua một user account đã luyện tới level trung bình hoặc cao để có thể chiến đấu ngay. Chính những điều này đã tạo cơ hội làm ăn béo bở cho các công ty cày thuê.

Lại nói về những người đi cày thuê, bản chất công việc mà họ đang làm là “giúp đỡ” người chơi game... “đi đường tắt”. Hay nói cách khác là gian lận, tùy theo cách nhìn nhận vấn đề này thế nào. Một khi đã đầu quân cho “công ty đào vàng ảo” thì việc chơi game đã trở thành công việc ăn lương của họ. Trong thời buổi tìm việc làm khó khăn như hiện nay mà công việc này lại không đòi hỏi bất cứ kinh nghiệm nào về học vấn, lương lại khá, còn được thỏa chí chơi game. Còn gì thích bằng?

Tiêu chí duy nhất để được nhận vào làm là có kinh nghiệm chơi các game online. Công việc của những “thợ cày” này không có gì khó khăn gì. Họ chỉ việc đi giết quái vật để lên level, thu thập toàn bộ vũ khí, item (công thức tạo đồ)…những thứ còn lại đều được “công ty” xử lý. Khi được hỏi vì sao làm công việc “cày thuê” này, một gamer đã nói rất bình thản: “Người ta chơi game tốn tiền triệu còn em chơi game mà kiếm được tiền như vậy thì quá hấp dẫn còn gì”.

Nhìn chung, song song với sự phát triển đa chiều của nền kinh tế ngoài đời thật, nền kinh tế ảo trong game cũng đang có những biến chuyển nhộn nhịp không kém. Nhưng sẽ rất khó cho nhiều người để bỏ qua cái lợi to tác trước mắt và nhìn nhận xa hơn mọi việc về sau.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Game360.vn)

No comments:

Post a Comment