Nov 3, 2008

Chuyên đề: Nền kinh ảo trong game online (1)


Game online hiện nay đã trở thành một ngành công nghiệp nở rộ trên thị trường. Trước sự bùng nổ ấy đã kéo theo một mạng lưới thương mại không chính thức đã nổi lên. Ta có thể thấy rõ điều đó khi mà nhu cầu sử dụng tiền tệ ảo trong game ngày một cao. Người ta ngoài việc dùng những đơn vị tiền tệ ảo này để mua bán những vật dụng trong game mà còn có thể sử dụng nó như là “một loại ATM” để mua hàng hoá thật ngoài đời. Như vậy, thế giới ảo của game online đang trở thành thế giới thật cùng với đồng tiền của nó.

Kỳ 1 của chuyên đề Nền kinh tế ảo trong game online, Game360 sẽ cùng các bạn giải đáp câu hỏi Có hay không lạm phát trong game online?


Kỳ 1: Có hay không lạm phát trong game online?

Thời gian gần đây mọi người có vẻ khá quen với 2 từ “lạm phát” nền kinh tế, nhưng liệu có phù hợp hay không khi áp dụng 2 từ này cho nền kinh tế ảo của Game Online.

Nhiều người cho rằng Game Online đơn thuần là một trò giải trí vô thưởng vô phạt của những thiếu niên mới lớn ham chơi. Nhưng suy cho cùng thì thực chất không phải như vậy. Bởi vì một sự thật rõ ràng là để có thể “cày” thành công game online, người chơi phải bỏ ra một lượng tiền không hề nhỏ mà chỉ có những người có hầu bao rủng rỉnh mới có thể theo đuổi nổi. Một trận đánh 60 phút trong Võ Lâm Truyền Kỳ phải mất ít nhất 2 triệu VNĐ, một thanh bảo kiếm hay đoản đao ở level cao trên 80 trở lên đã có giá bán hàng triệu VNĐ.


Mỗi ngày, với hàng ngàn tiệm Internet chơi game lớn nhỏ hoạt động liên tục suốt ngày đêm trên toàn quốc, hàng trăm chợ “ảo” luân phiên hoạt động, nếu tính sơ, tổng giá trị giao dịch của thị trường đồ ảo tự phát này chắc chắn sẽ "qua mặt" giá trị các phiên giao dịch tẻ nhạt của các sàn giao dịch chứng khoán tại Hà Nội và TP.HCM.

Điều đáng nói ở đây là nếu làm một phép so sánh thì sẽ thấy một nghịch lý thật buồn cười. Trong khi các công ty niêm yết chứng khoán không thể tuỳ ý tăng thêm số cổ phiếu bán ra, vì có thể dẫn tới phá sản. Các ngân hàng cũng không thể tự tiện in tiền hàng loạt vì sẽ dẫn tới lạm phát nền kinh tế. Thì các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến lại có thể tự đưa ra các loại đơn vị tiền tệ trong thế giới game, tiền tệ ấy đôi khi còn được "coi trọng" hơn cả tiền mặt.

Họ còn có thể tự ý tạo ra rất nhiều món đồ quý giá trong chớp mắt để phục vụ nhu cầu nâng cấp nhân vật nhanh chóng, trong khi người tự chơi muốn có được phải dày công luyện cả năm trời. Mỗi mùa Lễ hội đi qua là mỗi lần các nhà sản xuất và phát hành nghĩ ra biết bao nhiêu event hay ho với nhiều phần thưởng “cây nhà lá vườn” của họ, nhưng lại là “hoàng kim”, “xa xỉ phẩm” của người chơi mà ít ai dám mơ tới.

Việc có thể tiến hành hạn chế các lưu lượng tiền giao dịch trong thế giới ảo này được các nhà phát hành cụ thể hóa bằng việc thành lập 1 team dùng để theo dõi sự gia tăng của loại tiền tệ đặc biệt này. Ngay khi có sự đột biến về việc gia tăng số tiền là biện pháp hạn chế thậm chí khóa hẳn tài khoản để tiến hành kiểm tra. Bằng những thống kê đánh giá cụ thể này mà game sẽ được tiến hành bằng một sự kiện nhằm thu lại tiền tệ đã phát hành nhằm làm cân bằng trò chơi tránh những trường hợp đáng tiếc làm giảm tuổi thọ game.

Như vậy, có hay không vấn đề lạm phát trong game online?

Khi Game360 đặt câu hỏi này thì đã có khá nhiều người cho rằng không có chuyện lạm phát hay phá sản trong game. Vì khi một thứ đồ quý trở nên phổ biến, người chơi lại mong muốn kiếm những món đồ có hiệu năng cao hơn, quý giá hơn, và vòng quay cung cầu sẽ tiếp tục lặp lại, giá của những món đồ "độc chiêu" mới sẽ luôn cao hơn những món đồ phổ biến. Như vậy, “giá trị thực” của vật phẩm phát triển theo “giá trị mong muốn”?

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng lạm phát trong game online là điều không thể tránh khỏi. Bởi vì tiền ảo vừa có giá trị trong game nhưng cũng có thể đổi lấy tiền thật, mua bán các hiện vật bên ngoài game như điện thoại di động, máy tính,…như shop VTC đã từng làm với đơn vị trao đổi là Vcoin. Vì vậy, thị trường ảo trong game cũng tuân theo qui luật cung và cầu, nghĩa là cũng sẽ có lạm phát. Chỉ khác là trong game, hầu như chính sách tiền tệ chạy theo lập trình định sẵn, tỉ giá được quyết định nhiều bởi những người chơi. Ví dụ như trong Võ Lâm Truyền Kỳ, giá ngân lượng mua vào bán ra thời kì ổn định tại chợ trời là 1000 tiền vạn mua vào mất 60.000VNĐ và bán ra được 80.000VNĐ. Có khi nào sau khi đọc xong bài viết này các nhà buôn bán vàng thật hay đầu tư chứng khoán sẽ đồng loạt chuyển sang đầu cơ ngân lượng ảo trong game online?!

Nhưng chắc chắn họ phải suy nghĩ đến một điều rằng giá trị tiền ảo trong game còn được qui định bởi nhiều vấn đề phức tạp khác. Ví như những lúc game bị lỗi, gamer lợi dụng để tự sản sinh ngân lượng hoặc lừa đảo tin nhắn làm cho ngân lượng ( như Vcoin của VTC) tăng lên bất thường, gây mất cân bằng tiền tệ trong game, giá chợ đen sẽ bị giảm xuống. Mặc khác còn tùy vào quan niệm của các nhà phát hành. Như VTC thì công khai tỉ giá giữ tiến ảo và tiền thật, còn VinaGame không khẳng định một tỉ giá nào, tiền thật là tiền thật, tiền ảo là tiền ảo, trong khi VinaGame biết chắc rằng thị trường tiền tệ trong game của họ sôi động hơn ai hết.

Nhưng dù có công nhận tỉ giá giữa tiền thật và tiền ảo hay không, nếu nhà cung cấp không quản lý chặt vấn đề tiền tệ trong game và thả nổi, dẫn tới lạm phát tỉ giá, thì người thiệt thòi nhất chính là những người chơi game nghiêm túc hoặc phải bỏ tiền nạp qua SMS để mua tài sản ảo. Qua đó ta thấy rằng việc quản lý tiền tệ trong game là rất quan trọng. Cần phải có những cơ chế, chính sách để quản lý chặt vấn đề tiền tệ trong game, không thả nổi làm lạm phát tỉ giá sẽ dẫn đến những hậu quả lớn.

Với giá trị tiền ảo như vậy, thì hệ quả chắc chắn sẽ kéo theo việc thương mại hóa “ảo”. Vậy thương mại hóa ảo trong game đa dạng như thế nào? Xin mời các bạn đón đọc Kỳ 2 chuyên đề Nền kinh Tế Ảo trong Game online của Game360.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Game360.vn)

No comments:

Post a Comment