Oct 24, 2008

Tiền tệ trong game online: lạm phát ảo hay thật?


Sự bùng nổ của ngành công nghiệp như hiện nay đã kéo theo một mạng lưới thương mại không chính thức nổi lên. Ngoài việc dùng đơn vị tiền tệ ảo để mua bán những vật dụng trong game, người ta còn có thể sử dụng nó như là “một loại ATM” để mua hàng hoá thật ngoài đời. Có thể nói hế giới ảo của game online đang trở thành thế giới thật cùng với đồng tiền của nó.

1. Sôi động nền kinh tế game online

Nhiều người cho rằng Game Online đơn thuần là một trò giải trí, nhưng suy cho cùng thì không phải như vậy. Bởi vì để có thể “cày” thành công một game, người chơi phải bỏ ra một lượng tiền không hề nhỏ mà chỉ có những người có hầu bao rủng rỉnh mới có thể theo đuổi nổi. Một trận đánh 60 phút trong Võ Lâm Truyền Kỳ phải mất ít nhất 2 triệu VNĐ, một thanh bảo kiếm hay đoản đao ở level cao trên 80 trở lên đã có giá bán hàng triệu VNĐ. Thiết nghĩ, ngày nay việc chơi game dường như không chỉ mang tính chất giải trí mà còn có nhiều động lực và mục đích khác nhau.


Việc mua bán các tài sản ảo trong trò chơi đã trở nên phổ biến ngoài đời thường với giá trị bằng tiền thật. Một game thủ có thể bỏ ra đến vài triệu đồng để trang bị từ đầu đến chân cho nhân vật “ảo” của mình hoặc bỏ ra cả 100 USD để mua một chiếc nhẫn ảo, giá trị đâu có kém một chiến nhẫn bằng vàng 9999 ngoài đời thật. Bên cạnh đó, những người không có thời gian luyện từ đầu có thể bỏ tiền ra mua một user account đã luyện tới level trung bình hoặc cao để có thể chiến đấu ngay. Hay những người túi tiền rủng rỉnh nhưng "nghèo" thời gian sẽ sẵn lòng trả tiền để thuê người khác chơi game, kiếm "vàng" và đua level hộ mình. Điều đó có nghĩa là tiền thật đang được trả để đổi lấy nuôi tiền ảo. Nhìn chung, song song với sự phát triển đa chiều của nền kinh tế ngoài đời thật, nền kinh tế ảo trong game cũng đang có những biến chuyển nhộn nhịp không kém.


2. Thương mại hóa thâm nhập thế giới game

Với giá trị tiền ảo như vậy, thì hệ quả chắc chắn sẽ kéo theo việc thương mại hóa “ảo”. Môi trường giao dịch trong và ngoài game online dần hình thành nên những “chợ ảo” và thậm chí “siêu thị ảo”, chỉ chuyên mua và bán các vật phẩm trong game như giày dép, đao kiếm, giáp rồng, ngọc bội... Hiện nay có một số “chợ ảo” đang hoạt động rất hiệu quả như M4G (Market4gamer.net), Chợ ảo (choao.vn), Thế giới game item (123shop.vn), Tân Thiên Kỷ (sieuthigames.com.vn), G4V CyberMarket (một hệ thống Chợ Ảo tại Game4v )… Tại các chợ ảo này cũng có rất nhiều dịch vụ không khác gì so với chợ thương mại mua bán đồ thật. Ví dụ như dịch vụ cho ký gửi đồ bán, người có hàng muốn bán sẽ mang đến cho các trang web này nhờ rao và chia % giá trị giao dịch. Hơn thế nữa, một số chợ ảo còn có dịch vụ “cầm đồ”. Game thủ cần tiền có thể mang item hoặc cả nhân vật đến ký gửi để mượn tạm tiền rồi sau đó chuộc lại.

Hoành tráng nhất phải kể đến những buổi bán đấu giá online và offline. Trông qui mô và các bước giá được đưa ra cho những vật phẩm trong game không thua kém gì một buổi đấu giá xe hơi, nhà đất. Ví dụ như buổi đấu giá chiếc nhẫn Toàn thạch giới chỉ Võ Lâm Truyền Kỳ tại Hà Nội trong năm 2007 do Market4gamer tổ chức. Giá khởi điểm là 100 triệu đồng, sau đó được trả lên 120 triệu, 180 triệu… và cuối cùng được bán với giá 251 triệu. Một con số đủ để mua được một chiếc xe hơi nhưng đã có người sẵn sàng trả cho một chiếc nhẫn vô hình chỉ tồn tại trong thế giới ảo của Võ Lâm Truyền Kỳ. Thật là khó có thể tưởng tượng được.


Trong những buổi đấu giá thì những mặt hàng thuộc loại đồ hoàng kim hay những vũ khí độc, đồ khủng, Max Op … được bán nhanh chóng với giá trung bình vài triệu đồng đến vài chục triệu một đồ vật. Có nhiều người bỏ gần 100 triệu đồng mua một cặp nhẫn “Vô danh giới chỉ” hay hơn 40 triệu đồng để mua con ngựa “Thần mã phiên vũ”. Và mới đây dân chơi Võ lâm truyền kỳ cũng đã xôn xao về việc một tài khoản game đã được mua với giá 1,2 tỷ đồng trên sàn Market4gamer. Việc bỏ ra vài chục triệu đồng để mua vật phẩm chẳng có gì lạ trong giới “đại gia” chơi game nhưng việc bỏ tiền tỷ để “sắm đồ” như vậy, kể cả với mục đích kinh doanh, thì cũng đáng phải kinh ngạc.

3. Lạm phát ảo hay thật

Mỗi ngày, với hàng ngàn tiệm Internet chơi game lớn nhỏ hoạt động liên tục trên toàn quốc, hàng trăm chợ “ảo” luân phiên hoạt động, nếu nhẩm tính, tổng giá trị giao dịch của thị trường đồ ảo tự phát này có thể sẽ “qua mặt” giá trị các phiên giao dịch tẻ nhạt của các sàn giao dịch chứng khoán. Điều đáng nói ở đây là trong khi các công ty niêm yết chứng khoán không thể tuỳ ý tăng thêm số cổ phiếu bán ra, vì có thể dẫn tới phá sản. Các ngân hàng cũng không thể tự tiện in tiền hàng loạt vì sẽ dẫn tới lạm phát nền kinh tế. Thì các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến lại có thể tự đưa ra các loại đơn vị tiền tệ trong thế giới game, tiền tệ ấy đôi khi còn được "coi trọng" hơn cả tiền mặt. Họ còn có thể tự ý tạo ra rất nhiều món đồ quý giá trong chớp mắt để phục vụ nhu cầu nâng cấp nhân vật nhanh chóng, trong khi người tự chơi muốn có được phải dày công luyện cả năm trời.


Như vậy, vấn đề lạm phát trong game là ảo hay thật? Khá nhiều người cho rằng không có chuyện lạm phát hay phá sản trong game. Vì khi một thứ đồ quý trở nên phổ biến, người chơi lại mong muốn kiếm những món đồ có hiệu năng cao hơn, quý giá hơn, và vòng quay cung cầu sẽ tiếp tục lặp lại, giá của những món đồ "độc chiêu" mới sẽ luôn cao hơn những món đồ phổ biến. Như vậy, “giá trị thực” của vật phẩm phát triển theo “giá trị mong muốn”? Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, lạm phát trong game online là điều không thể tránh khỏi. Bởi vì tiền ảo vừa có giá trị trong game nhưng cũng có thể đổi lấy tiền thật, mua bán các hiện vật bên ngoài game như điện thoại di động, máy tính,…như shop VTC đã từng làm với đơn vị trao đổi là Vcoin. Vì vậy, thị trường ảo trong game cũng tuân theo qui luật cung và cầu, nghĩa là cũng sẽ có lạm phát.


Nhưng suy cho cùng thì giá trị tiền ảo trong game còn được qui định bởi nhiều vấn đề phức tạp khác. Ví như những lúc game bị lỗi, gamer lợi dụng để tự sản sinh ngân lượng hoặc lừa đảo tin nhắn làm cho ngân lượng (như Vcoin của VTC) tăng lên bất thường, gây mất cân bằng tiền tệ trong game, giá chợ đen sẽ bị giảm xuống. Mặc khác còn tùy vào quan niệm tỉ giá giữ tiến ảo và tiền thật của các nhà phát hành. Nhưng dù có công nhận tỉ giá giữa tiền thật và tiền ảo hay không, nếu nhà cung cấp không quản lý chặt vấn đề tiền tệ trong game và thả nổi, dẫn tới lạm phát tỉ giá, thì người thiệt thòi nhất chính là những người chơi game nghiêm túc hoặc phải bỏ tiền nạp qua SMS để mua tài sản ảo. Qua đó ta thấy rằng việc quản lý tiền tệ trong game là rất quan trọng. Cần phải có những cơ chế, chính sách để quản lý chặt vấn đề tiền tệ trong game, không thả nổi làm lạm phát tỉ giá sẽ dẫn đến những hậu quả lớn.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 10/2008)

No comments:

Post a Comment