Nov 20, 2007

Chơi ảnh online


Trăm hoa đua nở

Vào những năm 90 của thế kỷ 20, khi hệ thống tráng rửa ảnh màu xuất hiện đại trà tại Việt Nam đã làm nên một cuộc cách mạng rầm rộ trong giới nhiếp ảnh. Và 5 năm trở lại đây, khi xuất hiện những chiếc máy ảnh số tiện lợi lại làm nên một cuộc đổi ngôi đầy ngoạn mục. Kỹ thuật số đang làm xáo trộn đến kinh ngạc bộ mặt của nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh Việt Nam nói riêng.

Cùng với sự xuất hiện máy ảnh số là sự phát triển của máy tính, internet và nhiều phần mềm sử lý ảnh chuyên nghiệp. Chính vì vậy, hệ quả kéo theo là phong trào chơi ảnh thời @ cũng đang trở thành thú vui vủa nhiều người, nhiều tầng lớp. Việc chơi ảnh không còn kén nguời chơi như trước kia mà trở nên đại trà và phổ biến. Cũng là lẽ đương nhiên vì “đồ nghề” thì giá dễ chấp nhận, cách sử dụng lại đơn giản, môi trường chia sẻ học hỏi liên kết trên internet vô cùng phong phú..v..v..Mọi thứ đã đơn giản hoá đi rất nhiều, không cần phải tốn bạc triệu như hồi xưa nữa.

Thật sự, chưa bao giờ trào lưu mua máy ảnh, chụp ảnh, chia sẻ và tranh luận về ảnh trên mạng lại diễn ra một cách nhộn nhịp như bây giờ. Chỉ cần lên Google và seach là hàng chục website nhiếp ảnh Việt Nam xuất hiện: photoworld.com, nghethuatnhiepanh.com, vnphoto.net... Khen, chê, góp ý, hỏi ý kiến, dạy bảo, thậm chí mắng mỏ nhau.

Bên cạnh các trang web thiên về nhiếp ảnh chuyên nghiệp dành cho dân trong nghề như trên thì cũng không sao đếm hết những diễn đàn nhiếp ảnh, blog ảnh, những trang nhật ký ảnh riêng tư như Photobucket, Flickr, Vinaanh.com…. Mỗi ngày có hàng triệu triệu bức ảnh được upload lên mạng. Website Photo Việt Nam tại địa chỉ nghethuatnhiepanh.com đã thu hút gần 8 000 thành viên, một bộ sưu tập với hàng triệu bức ảnh đẹp ở các thể loại (Chân dung, Thiên nhiên, Đường phố, Macro, Động vật, Đen trắng, Thể thao, Thời trang, Ảnh cưới, Tĩnh vật, Khỏa thân, Trừu tượng…). Vào diễn đàn thì có hẳn từng chuyên mục cho các thành viên sáng tác, mỗi tháng đều có chủ đề chụp ảnh riêng.

Có nhiều trang web không phải thuần là nhiếp ảnh nhưng cũng dành hẳn một chuyên mục lớn cho các thành viên mê làm “phó nháy” như Tinhte.com. Các thành viên thường tập trung offline vào cuối tuần và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau rất chân thành và không hề vụ lợi. Mọi người đều có công việc riêng, nhiếp ảnh chỉ là đam mê, tham gia vào diễn đàn để bàn chuyện đi chụp ảnh, đưa lên Internet và cùng…ngắm.

Nhiều điều hay

Sau các buổi off ngoài trời, ảnh được show lên mạng "nóng hổi" ngay khi vừa tác nghiệp xong, chẳng phải đợi ai ký duyệt cho xuất bản cả. Vừa show ảnh xong là bà con xúm vào "bình loạn", bên cạnh những lời tán dương tân bốc thì cũng không ít những lời phê bình chính xác chỉ ra điểm yếu của ảnh giúp tác giả rút được kinh nghiệm quý báu.

Với dân ảnh mạng, những chuyến đi dã ngoại, đi off được quyết rất nhanh và có khoa học. Plan được lên cụ thể, rõ ràng, các thành viên lần lượt đăng ký, chuẩn bị và thực hiện. Có khi hứng chí nói là đi liền ngay tức khắc. Đi xa về lại post ảnh lên mạng, bình tán và cuối năm có trao giải căn cứ vào những "vote" (đề cử) của thành viên.

Với dân mới vào nghề thì vô cùng hữu ích. Muốn hỏi thêm một thuật ngữ nhiếp ảnh, một cách chơi sáng, việc sử dụng kính lọc, kỹ thuật fill-in trong flash ra sao... đều có thể tung lên mạng và nhiều bậc đàn anh không ngần ngại giấu nghề mà chỉ bảo. Bạn còn có thể tham gia diễn đàn với các vấn đề đang loay hoay như các xu hướng chụp ảnh hiện thực và sáng tạo, sử dụng photoshop có liều lượng... Có thành viên hăng hái viết bài và chỉ dẫn dân mới vào nghề rất cặn kẽ.

Và đã nói đến chơi, nghĩa là không sinh lời, không cầu lợi! Mua máy, đi chụp, post lên mạng và chia sẻ với nhau. Có thể nói nhiếp ảnh số là một thú chơi vừa trí tuệ, vừa lành mạnh. Có người nói rằng vợ của anh ta yên chí lớn vì nếu đã “mắc bệnh ảnh” rồi, thì các “bệnh” khác không còn gây hại được nữa!

Không ít phiền phức

Chơi ảnh thời số hóa thật là thuận lợi đủ đường, vì thế mà có thể nói ngày nay chơi ảnh trên mạng như ngày hội “trăm hoa đua nở”. Nhưng nếu xem xét thật kỹ lưỡng và chi tiết sẽ thấy được cũng không ít những bất cập.

Với ảnh báo chí, thì việc cung cấp thông tin cho nhau là hết sức cần thiết và nhóm nhà báo đi cùng nhau tác nghiệp là chuyện bình thường. Nhưng với ảnh nghệ thuật, việc đi chụp ảnh theo số đông là lợi bất cập hại (mà dân mạng thì tuần nào cũng kéo nhau đi chụp tập thể). Nếu không khéo, tính sáng tạo cá nhân sẽ giảm đi.

Cũng như việc đưa ảnh lên mạng dễ dàng có thể đem lại sự ảo tưởng cho chính chủ nhân của nó. Xem các ý kiến phần lớn là khen lẫn nhau hoặc chê bai quá mức, thậm chí thiếu văn hoá làm người quản trị mạng phải xoá bài. Tác giả phải tỉnh táo, tránh rơi vào tình trạng "đẽo cày giữa đường" hoặc ngộ nhận về tài năng.

Một điểm nữa là vấn đề bản quyền mạng, một số ý kiến, bài viết đăng trên mạng được nói rõ là không phải của thành viên, nhưng cũng không nói rõ xuất xứ, nguồn tài liệu. Diễn đàn là tự do, vì thế đòi hỏi sự chính xác, tính khách quan trong cách nhìn nhận một vấn đề là rất khó.

Đó là chưa kể các blog ảnh. Mặc dù có thể nói rằng blog là cá nhân, là riêng tư, nhưng xét về một mặt nào đó thì nó vẫn mang tính cộng đồng. Vậy mà không ít người đã lợi dụng việc này để đăng tải nhưng hình ảnh quá mức riêng tư của người khác hoặc của chính mình để cho bạn bè comment, bàn tán và tăng Page Views cho trang blog của mình.

Rồi cũng không ít chuyện dỡ khóc dỡ cười khi một số người post ảnh lên trên album cộng đồng free mà không để ý đến việc cài đặt public (tất cả mọi người có thể xem được) hay private ( chỉ có chủ nhân mới xem được) cho ảnh. Chính vì những sai lầm đó mà không ít người đã để lại nhiều hậu quả khôn lường.

Có một số tác giả nhiếp ảnh bổng một ngày đẹp trời phát hiện ra bức ảnh rất ư là art của mình đã từng chụp trong một lần offline với anh em trên mạng tự nhiên chễm chệ trở thành của người khác ở một nơi nào. Đơn giản chỉ vì một lúc hứng chí khoe ảnh lên diễn đàn củng anh em. Tác giả đã quên không cài dặt bản quyền cho tác phẩm của mình.

Cuộc sống luôn luôn có hai mặt của nó. Phát triển nhưng phải luôn định hướng được con đường đi đúng đắn cho mình. Thú chơi ảnh online nói riêng và nghệ thuật nhiếp ảnh nói chung sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, góp phần làm phong phú thêm một trong 7 môn nghệ thuật của nhân loại.

Thanh Thúy

No comments:

Post a Comment