Oct 18, 2009

Chợ trời online thời khủng hoảng


Với sự phát triển của Internet trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, các "chợ ảo" trên thế giới đã bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Ở Việt Nam, gần đây nhiều dịch vụ mua bán trên mạng trở nên tương đối quen thuộc với giới trẻ. Những ưu thế vượt trội về mức độ tiện lợi trong giao dịch, tiết kiệm thời gian, thanh toán thuận tiện, giao hàng đảm bảo, không hạn chế khoảng cách từ khách hành đến điểm bán hàng... đã tạo điều kiện cho các “chợ ảo” có những bước phát triển mạnh mẽ và hình thành nên một xu hướng kinh doanh mới.

Tấp nập chợ trời online 

Chỉ cần lướt qua các trang như 5giay.vn, 123mua.com.vn, vimua.com, vatgia.com, webmuaban.com, toitim.com, raovatdtdd.com, hay muabanraovat.com … là có thể dễ dàng nhận thấy được sự sầm uất của những trang web mua bán này. Tuy không có thống kê chính xác, nhưng các trang web và diễn đàn này thực sự là một “chợ trời online” với thượng vàng hạ cám. Ai muốn bán gì chỉ việc "quăng" hàng lên net theo hình thức phát giá hoặc đấu giá. Ai muốn mua gì cũng chỉ cần tung yêu cầu lên mạng. Người bán, kẻ mua thoải mái bình phẩm, mặc cả náo nhiệt. Thậm chí cũng có những lời chửi bới, những chiêu cạnh tranh không lành mạnh giữa chủ các "gian hàng" và cả những kẻ cò mồi huyên náo.

 “Cần mua các loại sách giá rẻ”, “Cần bán số điện thoại di động dễ nhớ giá 200.000 đồng”, “Cần bán đồng tiền may mắn 2 USD mới cứng giá 100.000 đồng”, hay “Bạn có muốn ăn ngon?", "Có muốn tham dự chương trình vòng tay bè bạn?”... đó là những lời chào hàng khá hấp dẫn mà khó có thể tìm thấy ở chợ bình thường. Còn nếu muốn tìm kiếm hàng “độc”, giá rẻ thì dạo qua các “chợ trời” này cũng đảm bảo không thiếu thứ gì: từ những mặt hàng cao cấp (như ôtô, xe máy, điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay…) đến các sản phẩm bình dân (gồm sách báo, giấy tờ, văn phòng phẩm, đồ dùng cá nhân…). Thậm chí có thể tìm được trên mạng những kiểu giầy, túi xách ít thấy bên ngoài, được quảng cáo là hàng "đặt thì mới nhập". Tại "box" khác, laptop hàng khủng chen chân với mấy thanh RAM 64M bán giá 100.000 cả mớ. Chủng loại, giá cả nào cũng có. Bên cạnh topic giày hàng hiệu “chỉ còn 3 đôi” là lời rao thanh lý quần áo đã sử dụng, nước hoa được tặng dùng không hợp…v..v..

Cứ từ 6h tối trở đi, các mạng vatgia.com hay chodientu.vn bắt đầu vào "chợ phiên". Các topic rao mua bán trôi vùn vụt. Vừa mới vào xem 2 chiếc đầm lụa màu đỏ sang trọng, quay ra đã thấy topic "trôi" xuống tận cuối trang. Người mua trả giá luôn trên mạng, nếu không mua được thì để lại lời nhắn "coi như up giúp" (đưa topic lên phía trên) và luôn là một nụ cười. Muốn kín đáo hơn thì trao đổi qua tin nhắn riêng, chat online hoặc điện thoại. Cũng như ngoài chợ, chủ hàng luôn nhớ khách quen của mình thì ở các “chợ trời online” này nếu đã mua quen chủ hàng, khách sẽ nhớ nick name để search cho nhanh. 


Tiện cả đôi đường

Không mất tiền thuê cửa hàng, cũng chẳng tốn tiền quảng cáo mà doanh số bán hàng vẫn tăng đều đặn. Dù món hàng trị giá 1.000 đồng hay vài chục triệu đồng, đều được giao dịch bình đẳng như nhau. Các thủ tục "đi chợ" trên mạng cũng tương đối đơn giản: chỉ cần kết nối Internet, cho biết tên địa chỉ e-mail, mật khẩu… là đã có thể trở thành thành viên của trang web đó. Khách hàng được tự do lựa chọn mặt hàng mình ưa thích mà không sợ ai làm phiền, nếu ưng chỉ cần một cú điện thoại là có thể ra giá mặc cả. Như Quỳnh, một nhân viên công ty quảng cáo trực tuyến đã chia sẻ: "Mua hàng qua mạng rất thú vị. Mỗi khi làm việc căng thẳng, mình thường truy cập vào web xem áo quần, giày dép, để cân bằng trở lại. Vừa thư giãn, mà nếu hợp thì mua luôn cũng được. Mình khỏi mất công chạy xe vòng vòng hết chỗ này đến chỗ khác để shopping nữa, tiện lắm!”.



Minh Trung – một khách hàng nam - giải thích lý do đi chợ ảo: “Mính thích mua hàng trên web, giá không những rẻ mà còn rất tiện lợi cho những chàng trai lười shopping như mình. Từ việc xem, đặt hàng, gửi tiền, đều có thể ngồi một chỗ mà thực hiện”. Trong dịp lễ tình yêu 14/2 và ngày quốc tế phụ nữ 8/3, Trung và nhiều cậu bạn đã đặt mua nhẫn, áo, đồng hồ đôi từ trên mạng Hàn Quốc về tặng người yêu, giá phải chăng mà kiểu lại “độc”, không lo đụng hàng.

Vì sự cơ động của "chợ" như vậy các anh chủ, chị chủ bán hàng trên mạng ngày càng nhiều. Hầu như giao diện của trang mua bán nào cũng không còn chỗ "cựa quậy" với những mẩu rao vặt được đăng lên chật cứng. Phần lớn các giao dịch chỉ được thực hiện với những món hàng có giá trị dưới 100 triệu đồng, nhưng những thương vụ bạc tỷ như ôtô, nhà đất... vẫn xuất hiện sôi động, song chủ yếu là rao bán theo kiểu "được chăng hay chớ” bên cạnh các kênh bán hàng chính thống khác. Nói chung, ai cũng có thể trở thành khách hàng, người bán hàng và chính vì vậy mà những kẻ lừa đảo cũng xuất hiện… chỉ sau vài cú nhấp chuột.

Có phải là “dao hai lưỡi”?

Việc mua hàng trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, chỉ cần vài cú click chuột là bạn có thể ngồi nhấm nháp cà phê và chờ mặt hàng được giao tận nhà. Tuy nhiên, thị trường mua bán trực tuyến cũng là nơi rất nguy hiểm cần đề cao cảnh giác. Chợ trời o¬nline có đủ tất cả những mặt hàng từ cao cấp đến thứ cấp mặc sức lựa chọn, nhưng không ai đứng ra đảm bảo chất lượng hàng hóa trong chợ. Đã có không ít vụ lừa đảo giá trị lớn trên các chợ trời online mà nạn nhân không biết kêu ai. Mặc dù không trực tiếp đe dọa đến bản thân người tiêu dùng nhưng những "bàn tay đen" của tin tặc hay những kẻ lừa đảo trực tuyến sẽ có thể làm "bốc hơi" vài chục triệu hay thậm chí vài trăm triệu đồng. Tình trạng hàng nhái, hàng giả được rao là "hàng giá rẻ" đang tràn lan trên mạng, vì vậy việc lùng hàng o¬nline không khác gì con dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận người mua sẽ bị "đứt tay".

Khi lướt chuột trên trang muabanraovat.com, thấy chiếc điện thoại 6230 hàng còn mới mà giá rẻ, rồi còn có cả bảo hành nên Hoàng Hải, sinh viên Trường ĐH Kinh Tế liên lạc tìm mua ngay, nhưng vừa đem về xài được vài ngày thì phát hiện ra pin sạc bị chai, và màn hình có vấn đề. "Lúc trao máy thì tay bán điện thoại chỉ đưa mình cái namecard của người sửa điện thoại di động tại một cửa hàng có tên là M.T và bảo khi nào hỏng hóc gì thì cứ đem đến đó. Khi mình gọi cho số máy trong namecard thì được giọng một người đàn ông trả lời ỡm ờ, bảo mang máy đến sửa nhưng lúc đến thì lại là UBND Q.3" - Hoàng Hải kể với giọng ấm ức.

Đối với giới trẻ ở khu vực đô thị, việc tiêu dùng, mua sắm qua mạng giờ đây đã không còn lạ lẫm. Nhắn tin nạp tiền vào tài khoản điện thoại, hay vào mạng để mua một cuốn sách, đặt hoa tặng người thân... đã trở thành phổ biến. Tâm lý, thói quen mua bán của nhiều người đã bắt đầu thay đổi từ phương thức truyền thống sang phương thức mới của thương mại điện tử. Không lâu nữa khi Intemet và các thể thức thanh toán thuận lợi hơn, chắc chắn đây sẽ là một kênh mua bán vô cùng sôi động. Nếu các chợ "ảo" này hoạt động được thường xuyên và lành mạnh, thì không chỉ đem lại tiện lợi cho người tiêu dùng, mà còn mở ra một sự phát triển mới cho ngành thương mại điện tử Việt Nam.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 10/2009)

1 comment:


  1. Cám ơn bài viết của bạn
    https://congdongmarketingvn.com/ Nơi chia sẻ kiến thức về marketing và thiết kế hữu ích

    ReplyDelete