Oct 18, 2009

Thắp lửa Esport Việt


Những bước đi vững vàng đầu tiên

Thể thao điện tử giờ đây không còn là một khái niệm xa lạ với chúng ta, nhưng mới chỉ vài năm trước đây thôi, nó còn quá mới mẻ với cộng đồng. Khởi đầu từ những giải đấu World Cyber Game đầu tiên chỉ với trên dưới 100 đấu thủ tham gia ở 2 nội dung thi đấu, thể thao điện tử Việt Nam đã bắt đầu muộn hơn các nước trên thế giới một chút. Trong suốt nhiều năm liền, WCG là giải đấu thể thao điện tử duy nhất và khi đó cộng đồng cũng chỉ bó gọn trong vài nhóm nhỏ đam mê và có điều kiện luyện tập.

Chợ trời online thời khủng hoảng


Với sự phát triển của Internet trong vòng hơn 1 thập kỷ qua, các "chợ ảo" trên thế giới đã bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Ở Việt Nam, gần đây nhiều dịch vụ mua bán trên mạng trở nên tương đối quen thuộc với giới trẻ. Những ưu thế vượt trội về mức độ tiện lợi trong giao dịch, tiết kiệm thời gian, thanh toán thuận tiện, giao hàng đảm bảo, không hạn chế khoảng cách từ khách hành đến điểm bán hàng... đã tạo điều kiện cho các “chợ ảo” có những bước phát triển mạnh mẽ và hình thành nên một xu hướng kinh doanh mới.

Aino – đẳng cấp giải trí “trong mơ”


Aino là một trong những chiếc di động thuộc dòng Entertainment Unlimited được Sony Ericsson khai sinh tại MWC tháng 2 năm nay. Rộn ràng chào hàng cuối tháng 5, sau ấy chàng ta "lặn mất tăm". Rồi đột nhiên trong những ngày đầu tháng 10 này, các đoạn video chi tiết mang đến cái nhìn toàn diện về điện thoại có thiết kế lạ Aino lại bắt đầu thu hút dư luận. Mới đây Sony Ericsson tiết lộ, Aino hứa hẹn sẽ là hàng “khủng” ngay khi xuất kho trong tháng 10 với việc thể hiện đẳng cấp giải trí “trong mơ” cực kỳ ấn tượng.

Midu - “kết” điện thoại âm nhạc thời trang

MiDu tên thật là Mỹ Dung được biết đến như một hotgirl xinh đẹp, tháo vát và tài năng. Ngoài việc học ở trường Kiến trúc, cô còn là MC, chủ shop thời trang Violet Diary. Gần đây, cô còn đảm nhận vai chính trong bộ phim “Những thiên thần áo trắng” của đạo diễn Lê Hoàng và hiện là vai nữ chính trong phim “Đừng đấu với thiên thần" vừa bấm máy. 

Để gặp được Midu vào thời điểm này thật khó bởi lịch quay dày đặc, chưa kể cô bạn phải trở lại trường khi năm học mới bắt đầu. Tranh thủ những phút thư giãn hiếm hoi của mình, Midu đã chia sẻ với Sức Mạnh Số về sở thích công nghệ và một vài kế hoạch sắp đến của mình.

Oct 16, 2009

Sếp và “Thư ký”

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, chiếc điện thoại lại đóng vai trò quan trọng như thế trong công việc kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là điện thoại di động (ĐTDĐ). Nó là chiếc cầu nối giúp nhân viên liên lạc với lãnh đạo, giúp đối tác liên lạc với nhau và đôi khi, nó là “bàn tròn” để thương lượng các phi vụ kinh doanh khẩn cấp. Đối với người lãnh đạo các doanh nghiệp, các “sếp” thì có lẽ, điện thoại di động cần thiết như cơm ăn, áo mặc, nước uống hay thậm chí là không khí để thở. Đôi khi chiếc điện thoại di động trở thành cô thư ký riêng đáng yêu và đắc lực với các sếp.

“Thư ký” chuyên nghiệp

Doanh nhân luôn cần một ĐTDĐ đạt tiêu chuẩn vừa thông minh vừa nhanh nhẹn : có thể truy cập tức thời vào các ứng dụng cơ bản như gọi điện, SMS, e-mail, quản lý quỹ thời gian như lịch làm việc, lịch hẹn và nhắc nhở chủ nhân, thậm chí còn biết quét và lưu danh thiếp... Và một yêu cầu quan trọng là tất cả các dữ liệu phải được linh hoạt đồng bộ với máy tính qua nhiều phương thức kết nối không dây. Là những người khá bận rộn trong công việc nên không ít doanh nhân muốn chiếc điện thoại cầm tay phải hội tụ đầy đủ chức năng của một văn phòng di động.

Đang uống café và đọc báo tại café V3 trên đường Nguyễn Thị Minh Khai Quận 1, thì chuông điện thoại kêu tít tít, thông báo giờ họp đã đến. Giám đốc kinh doanh Công ty gạch men, anh Thái Quốc Bảo vội thanh toán tiền rồi về công ty. "Con dế" mà anh Bảo đang sử dụng là Nokia N73 màu đen, có đầy đủ các chức năng tân tiến của một chiếc điện thoại di động như chụp ảnh, quay phim, kết nối qua cổng USB, từ điển... Tuy nhiên anh khoái nhất là cách thức quản lý thông tin cá nhân như lịch làm việc, in ấn, và có thể ghi âm cuộc gọi mà không giới hạn về thời gian. Từ khi có nó, hầu như anh không bị lỡ một cuộc hẹn nào với đối tác. Trước khi đi ngủ, anh thường có thói quen ghi lại toàn bộ những công việc sẽ làm vào ngày mai. Chiếc điện thoại trở thành cô thư ký đánh thức mỗi buổi sáng, nhắc nhở anh những công việc sẽ phải làm. Anh Bảo tâm sự "Chiếc điện thoại đã trở thành vật bất ly thân của tôi. Mấy phen nó giúp tôi "thoát hiểm" trong công việc. Đối với tôi chiếc điện thoại không chỉ để nghe và gọi, càng không phải là một thứ mốt thời thượng, mà nó phải mang lại hiệu quả đích thực cho công việc".

Nhìn chung, đa số những sếp sử dụng tối đa năng lực của ĐTDĐ thường là những sếp trẻ. Theo các nhân viên bán hàng, những mẫu máy được các "sếp trẻ" ưa dùng là các dòng XDA, PDA phone của O2 (O2 mini, O2 Neo, O2 exec, ...), Blackberry 8100, 8700, Nokia N-series, Nokia 9500, 9300, Nokia E-series... Tuy nhiên, các thế hệ máy mới với công nghệ mới nhất, tính năng hoàn thiện nhất vẫn được các "sếp trẻ" săn lùng, phần vì sở thích, phần vì mục đích hỗ trợ công việc hoặc khả năng giải trí trong khoảng "giờ chết" như trên máy bay, trên ô tô. Anh Nguyễn Minh Hiệp, một giám đốc trẻ ở Vũng Tàu nói: “Tôi cũng thấy xót khi bỏ ra trên hơn chục triệu đồng để mua con “dế” này. Ban đầu thấy phí nhưng về sau mới thấy nó cũng hỗ trợ mình rất nhiều trong công việc”.

“Thư ký” đỏm dáng

Có không ít “sếp” bỏ tiền để mua lấy công nghệ trong những chiếc điện thoại đời mới nhằm phục vụ cho nhu cầu công việc. Nhưng cũng không ít “sếp” bỏ tiền để mua lấy tiếng “sang”. Với nhiều người, chiếc ĐTDĐ cao cấp là do giá trị kinh tế cao chứ không phải ở công nghệ đặc biệt. Nhiều vị doanh nhân dùng những đời PDA mới nhất nhưng chỉ sử dụng 2 tiện ích duy nhất là thoại và nhắn tin MMS, nhiều chiếc máy ĐTDĐ cao cấp tuy được sử dụng đã lâu nhưng có nhiều tính năng khá quan trọng trong đó chưa được active (kích hoạt) như truy cập GPRS, hồng ngoại, Bluetooth, Wifi, từ điển…

Những chiếc ĐTDĐ cao cấp đang chễm chệ ở những siêu thị ĐTDĐ sang trọng, với người này có thể là hoang phí nhưng với người khác lại là sành điệu, thời trang, là “tuy thấp nhưng ai cũng phải ngước nhìn”. Nhất là trong giới doanh nhân, chiếc mobile phone còn là thời trang đi liền với quần áo, đồng hồ, xe hơi…Ở Trung tâm mua sắm điện máy Nguyễn Kim, TP HCM, không ít "đại gia" sẵn sàng bỏ ra tới 32.000 USD để mua một chiếc điện thoại to gần bằng cục gạch chỉ đơn giản vì nó mang nhãn hiệu Vertu. Có người cho rằng mua một chiếc Vertu cũng có thể được gọi là cầm tấm vé gia nhập vào thế giới thượng lưu.

“Thư ký” đơn giản

Nói như thế không có nghĩa hễ là sếp, là doanh nhân thì phải sài đồ sang, dồ xịn đâu nhé. Có những người đường đường là một “sếp to”, một doanh nhân thành đạt, thậm chí là một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ nữa là khác, nhưng họ sử dụng ĐTDĐ đơn giản chỉ là phương tiện liên lạc, làm ăn, không hơn không kém. Có thể nói phong cách và thói quen sử dụng ĐTDĐ của các đối tượng khác nhau cũng rất khác nhau.

Đối với những người này thì họ thường sử dụng những chiếc điện thoại có khả năng nghe gọi tốt, màn hình lớn, và càng dễ sử dụng càng tốt, còn chuyện tương thích GPRS hay tích hợp các tính năng PDA chỉ là chuyện phù phiếm. Ngay cả với chức năng nhắn tin cũng rất ít được sử dụng. Lý do đơn giản là những người này thường họ rất ít thời gian cho việc tìm hiểu chiếc điện thoại, công việc đã chiếm phần lớn quỹ thời gian trong ngày của họ rồi. Hoặc cũng có thể đối với những sếp lớn tuổi thì thường không có ham mê khám phá công nghệ.

Bà Minh Anh, Giám đốc Công ty Hoàng Gia bày tỏ ý kiến: “Tôi đã cắt hẳn chế độ nhận tin nhắn vì tôi không bao giờ nhắn tin cho ai, nếu có tin đến thì tôi cũng sẽ không nhắn trả lời được, tôi chỉ dùng điện thoại để nghe và gọi. Với cương vị là Giám đốc, là người quản lí các hoạt động kinh doanh của công ty, tôi chủ yếu phải gọi các cuộc điện thoại trực tiếp để đàm phán với khách hàng, nên điện thoại của tôi chỉ khai thác hai chức năng nghe và gọi thôi”.

Tuy nhiên, cũng giống như ô tô, điện thoại giờ còn đang là một thứ để thể hiện hình ảnh của mỗi cá nhân. Thế nên giờ đây, người ta có thể bắt gặp những chiếc điện thoại sang trọng, đắt tiền, vật liệu quý hiếm nhưng tính năng rất đơn giản cũng một phần là để phục vụ cho các “sếp” này. Loại máy mà các " sếp" này thường sử dụng là : 8910, 8910i, 6310i, 6210, 3310...., dù đã ra đời cách đây 3 đến 4 năm về trước nhưng các loại máy này vẫn được các "sếp" ở cái tuổi "đầu đã hai thứ tóc" rất ưa chuộng vì đặc tính dễ sử dụng, ổn định, bắt sóng tốt đặc biệt là pin rất lâu. Đa phần các "sếp già" nói rằng họ rất thích dùng các dòng máy của Nokia, vì tính năng sử dụng rất dễ, pin dùng được lâu, ổn định. Ngoài hai chức năng nghe và gọi thật tốt, các "sếp" này ít quan tâm đến các chức năng phụ khác, có "sếp" chỉ cần bấm hai nút nghe và gọi thôi, thậm chí không biết bấm xem lại số nếu có ai gọi nhỡ mà không nghe được. Thế nên một chiếc điện thoại để vừa ý các "sếp" có vẻ khó tính này, lại thật là đơn giản.

Tỷ lệ máy điện thoại di động trên đầu người ngày càng tăng. Nó đang dần trở thành một phần của đời sống xã hôi. Tuy nhiên, nhân tố con người vẫn là nhân tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của công nghệ. Nếu một ngày nào đó, không có điện thoại di động, chắc chắn, con người sẽ sáng tạo ra những công cụ liên lạc khác, thậm chí còn hiệu quả hơn, điều đó thì chưa thể chắc chắn. Còn hiện tại bây giờ, đối với các “sếp”, di động vẫn là vật bất ly thân.
(Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 10/2009)