Game online là một ngành công nghiệp rất phát triển trên thế giới cũng như tại Việt Nam thời gian gần đây. Nhưng hầu như khái niệm thiết kế game vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta. Anh Thân Song Toàn, phụ trách nhóm thiết kế Game tại Game Studio North (VinaGame - Hà Nội), được biết đến như một trong rất ít những người từ sự mày mò học hỏi đã trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế game causual hiện nay ở Việt Nam.
Thiết kế game - Ước mơ và thử thách
Khi không may gặp phải một game "cực chuối" có bao giờ bạn buông máy và thốt lên "Mình có thể làm khá hơn"? Hoặc có khi nào vừa "phá đảo" xong một game "đỉnh của đỉnh", bạn mơ ước rằng sẽ thật tuyệt vời nếu một ngày nào đó chính tên của bạn được gắn liền với những tác phẩm để đời như thế... Nhiều game thủ cũng có những suy nghĩ như bạn. Họ chơi game, ngưỡng mộ và mơ ước được sáng tạo ra những game của riêng mình. Vậy đây có phải là một cơ hội viêc làm tốt và mới mẻ cho đông đảo bạn trẻ yêu game, khi vai trò của những Game Designer (thiết kế game) trong ngành công nghiệp game hiện đại này ngày càng quan trọng?
Anh Thân Song Toàn, một Game Designer (GD) chủ lực đang làm việc tại công ty Vinagame (Hà Nội) chia sẻ rằng trên thực tế, có những khác biệt giữa một game thủ và một người thiết kế game. Ngoài việc chơi nhiều và chơi tốt các thể loại game, một game designer cần có nhiều kiến thức tổng hợp về cả kỹ thuật và xã hội. Nếu các bạn trẻ muốn trở thành GD, những kỹ năng "cứng" như sự nghiên cứu về game engine, cân bằng game, thiết kế màn chơi... sẽ là chưa đủ nếu thiếu đi khả năng giao tiếp mềm dẻo và kỹ năng diễn đạt tốt để trình bày ý tưởng của mình. Và quan trọng nhất, một GD cần giữ được niềm đam mê với game và truyền được ngọn lửa nhiệt tình nhiệt tình này xuyên suốt tới các thành viên trong nhóm.
Tuy công việc này luôn có nhiều thử thách nhưng phần thưởng cho những nỗ lực bỏ ra cũng rất xứng đáng. Anh Toàn cho biết khi những sản phẩm đầu tiên của Game Studio North ra mắt trên thị trường và tới được tay người chơi game qua hệ thống Zing Play (play.zing.vn), trong đó có cả bạn bè và người thân: "Đó là một cảm giác lâng lâng rất khó tả, như một giấc mơ đã bước đầu thành hiện thực. Có những bạn trong nhóm ngồi cả đêm chỉ để ngắm nhìn những con số bào lượng người chơi đang tăng lên từng giờ". Anh tiếp tục "Động lực làm việc của mọi người còn đến từ những câu truyện thật rất thú vị. Ví như một bạn chơi có nickname Pigloo143 kể với mình rằng tối nào hai mẹ con bạn cùng giành nhau chiếc PC để chơi Zing play, vì con thì thích chơi bi a, cá ngựa còn mẹ thì chỉ khoái trò săn kho báu... Pigloo143 than phiền rằng... bà ngoại của bạn cũng sẽ tham gia tranh giành máy khi game Cờ Tướng của Zing play được tung ra! Cảm giác đang được phục vụ cả ba thế hệ game thủ thật là hạnh phúc và sự động viên lớn lao cho chúng tôi tiếp tục cố gắng".
Ý tưởng game đến từ đâu?
"Không có ý tưởng thì không có game". Bước đầu tiên của quy trình phát triển một game luôn là tìm kiếm ý những tưởng mới. Theo Toàn "bật mí", bí quyết để có thể thực hiện tốt công việc đầy chất sáng tạo này là người thiết kế game cần luôn đặt mình vào vị trí người chơi để tìm kiếm thứ mà họ muốn chơi chứ không phải thứ mà mình muốn làm. Trong quá trình thiết kế game cá ngựa, nhóm phát triển luôn tự đặt ra những câu hỏi như "liệu người chơi thích nhìn thấy những chú heo chạy rầm rầm hay nhảy tưng tưng từng bước một?", "liệu người chơi có buồn cười khi đang chơi chợt có những đám mây bay ngang qua màn hình không?"... Hay để có những nhân vật hoạt hình cá tính, đặt giữa bối cảnh miền Tây Nguyên Việt Nam, những họa sỹ của nhóm đã phải lùng sục những sách báo tư liệu trên mạng, trong thư viện và những viện bảo tàng để cuối cùng lột tả được thác núi trập trùng ôm lấy những ngôi nhà Rông đầy bản sắc dân tộc. Có lẽ chính tư duy luôn hướng đến game thủ của những bạn trẻ này đã tạo nên thành công của cá ngựa với giải mini game online xuất sắc nhất 2008.
"Mình có nhiều người bạn học về nghề thiết kế thời trang, một số đã có những shop ở Hà Nội. Tình cờ trong một lần bị "ép" đi mua đồ ủng hộ bạn, ý tưởng làm một game về chủ đề thời trang đã nhen nhóm. Và hiện Studio đang phát triên game này để có thể sớm ra mắt phục vụ game thủ". Toàn nói thêm, có những khi bạn đã rất cố gắng những vẫn bị bí ý tưởng, hãy thử tạm tách rời game và chăm chút hơn đến những mảng khác trong cuộc sống. Gặp gỡ mọi người đủ các ngành nghề, tầng lớp, tham gia các câu lạc bộ, chơi thể thao, đi du lịch, đến những nơi mà bạn vẫn mong muốn... Và quan trọng nhất là bất cứ việc gì bạn làm, hãy giữ cho mình một thái độ cởi mở, tò mò với cuộc sống, rất nhiều ý tưởng sẽ đên.
Và khi ước mơ trở thành hiện thực
"Khoảng thời học trung học, mình bị đánh giá là "nổi loạn" vì thường nghỉ học rất nhiều để... chơi game", Toàn tiết lộ. Nhưng không giống như những bạn khác, ngay từ lúc đó anh đã có suy nghĩ nghiêm túc về nghề game. "Hồi đó internet rất hiếm, đắt và chậm. Nhưng mình vẫn thường cố tìm cách online để down các bài bình luận, các hướng dẫn đủ thể loại về các game hot trên thế giới. Sau đó mình dịch ra, trình bày rất đẹp và mang tới các nhà xuất bản nổi tiếng trong thành phố, cố thuyết phục các cô, các chú để làm một tạp chí chuyên về game (kiểu như Việt Game hay PC World bây giờ vậy). Nhưng vơi khả năng ngoại giao vụng về của một học sinh, mình đã không thể chứng minh được rằng game sẽ là một ngành rất phát triển và sẽ được xã hội chấp nhận. Cuối cùng những bản viết đó chỉ có thể đem chia sẻ với bạn bè nhưng đó cũng là những kỷ niệm rất đáng nhớ." Anh Toàn kể.
Hết cấp III, Toàn tiếp tục học đại học chuyên ngành CNTT tại Ấn Độ. Lúc này dù vẫn chơi game và vẫn có dự án về game ở trường đại học nhưng Toàn không còn coi game là một ngành để kiếm tiền nghiêm túc nữa. Sau khi tốt nghiệp trở về Hà Nội, Toàn gần như quên hẳn hoài bão về game của mình và lao vào nghề phát triển phần mềm, thậm chí có quãng thời gian ở Sài Gòn, anh đã lấn sân qua cả lĩnh vực kinh tế và truyền thông. Nhưng một ngày anh bất ngờ nhận được lời mời phỏng vấn việc làm từ Game Studio North Vinagame. Từ đây, Toàn mới thực sự có điều kiện để bắt đầu thực hiện ước mơ làm game từ thủa nhỏ của mình. Và hiện nay, anh đang là một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế game casual ở Việt Nam.
Hy vọng ngày càng có nhiều người coi thiết kế game là một nghề thực sự và đem đến cho game thủ những sản phẩm tâm huyết và chất lượng. Chắc chắn sẽ không bao lâu nữa, những thương hiệu game “made in việt Nam” sẽ là một phần không nhỏ trong nền công nghiệp Game online hiện nay.
Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 01/2009)