Dec 19, 2008

Dạo chợ đồ cũ Sài Gòn


Ngoài niềm đam mê công nghệ, để có được những thành công trong cuộc thi Robocon, các bạn sinh viên còn cần những kỹ năng “săn lùng” thiết bị công nghệ cũ tại các chợ đồ lạc son. Bởi vì “đốt tiền vào Robot” là một sự lãng phí khổng lồ so với túi tiền eo hẹp của sinh viên. Một thành viên của đội Power Of Love - ĐH Bách Khoa TP.HCM, Minh Hiệp tâm sự: "Tốn kém lắm anh ạ, nhiều khi tụi em phải nhịn ăn để săn những hàng độc, hàng cũ trên chợ trời.”

Tại TP. HCM có rất nhiều chợ chuyên bán đồ công nghệ cũ nổi tiếng như chợ Nhật Tảo, chợ Tạ Uyên, Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân…, đây là những địa chỉ quen thuộc đối với những bạn sành mua đồ cũ. Theo chân các thành viên đội tuyển Robocon, tôi có được một buổi đi dạo qua các chợ đồ công nghệ cũ ở Sài Gòn.


Sầm uất các khu chợ linh kiện điện tử

Từ ngã tư Nhật Tảo - Nguyễn Tri Phương đến ngã tư Nhật Tảo - Nguyễn Duy Dương là thấy ngay chợ Nhật Tảo. Kéo dài từ quận 10 qua quận 5, đến quận 11, hai bên phố là các cửa hàng, các xạp bán đấu lưng nhau nằm giữa đường đi. Hơn 2000 cửa hàng bán đủ các mặt hàng từ nội ngoại nhập đến những linh kiện nhỏ nhất, mới cũng có, cũ cũng có với giá rẻ vô cùng.

Đến Nhật Tảo thật sự chẳng khác nào như lạc vào một kho linh kiện điện tử với một khung cảnh náo nhiệt lạ thường. “Chợ lúc nào cũng tấp nập không kể ngày thường hay chủ nhật, chủ yếu người mua là sinh viên và các cửa hàng sửa chữa điện tử. Để tìm cái cần mua anh cứ ghé vào một cửa hàng nào đó và hỏi cái mình cần, người ta sẽ chỉ ngay nơi bán”, Minh Hiệp dặn dò. Tôi lân la hỏi thăm mua đồ để bắt chuyện với một người bán hàng. 


- Chị bán cho em 10 cái điện trở.
- Sao mua có 10 cái, biết bán thế nào?
Tôi băn khoăn không biết phải mua thế nào vì sợ đắt và không đủ tiền. Cuối cùng quyết định mua thêm 10 cái nữa. Vậy mà chị bán hàng nổi cáu: "Không bán 20 cái, ít nhất phải bán từ 100 cái trở lên". Tôi giật mình, vậy thì mua sao nổi, chắc chỗ này bán buôn rồi, đành liều hỏi:
- Thế 100 cái giá bao nhiêu hả chị?
- ... 3.000 đồng

Lần này thì tôi choáng thật sự. Nhớ thời còn đi học, tôi phải mua mỗi cái điện trở với giá 500 đồng. Phải công nhận các linh kiện điện tử ở đây rẻ chưa từng thấy. Theo lời chị bán hàng thì hàng hóa ở đây rất đa dạng, từ linh kiện điện tử đến các động cơ cũ trong máy photocopy ( một thành phần quan trọng trong việc làm robot)…thậm chí có thể tìm thấy những thứ đồ điện tử second hand của Nhật còn khá tốt với giá cả phải chăng như Sony Walkman, Minidisc player..v..v. Chị còn khẳng định một câu chắc nịch: “Mua linh kiện điện tử nếu mà chợ Nhật Tảo không có thì chỉ có đặt hàng mua ở nước ngoài”.

Ngoài ra, phía bên kia chợ (đường Vĩnh Viễn mặt tiền và trong hẻm, cùng một số các cửa hàng dọc đường Lí thường Kiệt, đoạn từ Ngã tư Bảy Hiền đến đường Lạc Long Quân) chuyên bán động cơ DC, AC, động cơ bước, công tắc hành trình, hộp số trợ động ... và các thiết bị cơ khí khác.

Chúng tôi tiếp tục dạo qua chợ Tạ Uyên gần Bệnh viện Chợ Rẫy để tìm một vài bánh răng cũ và ổ bạc đạn. Chợ này chuyên bán bánh xe, bánh răng, lò xo, dây đai truyền, nhựa tấm nhựa thỏi dùng để tiện ra các chi tiết theo thiết kế. Tiếp đó, ngay góc đường Hùng Vương là chợ Hồ Thị Kỷ, nơi này chuyên bán các loại acquy cũ giá tương đối mềm, khoảng từ 10.000 - 20.000 đ/ acquy. Nghe các bạn sinh viên nói tuy là acqui cũ nhưng chất lượng cũng tương đối tốt và điện thế khá ổn định.


Lùng màn hình LCD hàng “si”

Nhân tiện dạo các chợ đồ cũ, chúng tôi đến đường Tôn Thất Tùng và Bùi Thị Xuân ở Quận 1. “Chỉ cần đi tới đây là anh có thể chọn thoải mái một chiếc LCD theo túi tiền của mình”, Minh Hiệp hướng dẫn.

Trong các cửa hàng, màn hình LCD được bày bán với rất nhiều kiểu dáng của các nhà sản xuất hàng đầu như Dell, Mitsubishi, Eizo, IBM, Compaq, Nec, Data, Fujitsu,…. Có kiểu rất gọn nhẹ và thanh nhã, có kiểu thì đồ sộ, cũng có kiểu nhìn rất thô kệch, có kiểu cắm trực tiếp vào nguồn để sử dụng nhưng cũng có kiểu phải thông qua Adapter mới lên hình. Các LCD loại 15” và 17” có giá từ 70 USD đến 150 USD, tuy nhiên chất lượng sẽ khác nhau theo mức giá. Những mặt hàng này đa số là nhập từ Campuchia, từ tàu viễn dương các loại qua cảng Sài Gòn… và cả những món đồ đã qua tay người thành phố và vùng lân cận.

Minh Hiệp cho biết: “Khi đi mua LCD bằng mắt thường người mua thật khó mà phân biệt được đâu là hàng mới và đâu là hàng cũ bởi mẫu mã giống như nhau và nhìn đều mới như nhau. Hàng cũ xài một thời gian nó sẽ mắc rất nhiều bệnh như màu bị bầm, sọc ngang giữa màn hình, nguồn không ổn định, có một số trường hợp cháy cả đèn hình... Chấp nhận mua hàng cũ thì chịu hên xui thôi, nếu may mắn thì cũng sẽ chọn được một cái tốt, nhưng hiếm lắm”.

Phố loa “second – hand”

Khi nghe tôi hỏi về nơi bán loa cũ, Tuấn chủ cửa hàng trên đường Tôn Thất Tùng giới thiệu: "Cứ ra khu chợ Huỳnh Thúc Kháng đi, thiếu gì. Ở TP. HCM, khu vực bán loa second-hand thì nhiều nhưng không phải đồ chất lượng cao, chủ yếu bán hàng bãi của Nhật. Hàng Âu, Mỹ cũng có nhưng chỉ là hàng bình dân, dành cho những người mới chơi. Muốn tìm loa tốt hơn thì phải lên khu vực chợ Huỳnh Thúc Kháng, quận 1”.


Dọc con đường Huỳnh Thúc Kháng có rất nhiều cửa hàng bán đồ thiết bị âm thanh second-hand mà dân audiophile thường lui tới. Bởi vì đến đây, ngoài việc được tư vấn, người mua còn có nhiều cơ hội thử nghiệm, lựa chọn phong phú mà không cần tốn nhiều tiền. Những thiết bị audio secondhand nhập từ nước ngoài – thường là Campuchia, Nhật… vừa nhiều về số lượng, vừa phong phú về thương hiệu. Theo một người mua hàng, loa ở đây thì đảm bảo và không phải soi mói nhiều bởi hàng thường đã được dân buôn chọn lựa và có những đôi đã được test thử nên yên tâm hơn, tuy nhiên chất lượng có giá của nó. Người đến đây mua cũng thuộc nhiều thành phần. Có những người tới đây vì muốn mua được hàng giá rẻ, nhưng ngay cả giới sành điệu cũng thường xuyên qua lại mong kiếm được đồ độc, hàng hiệu.

Sau một buổi rong ruổi mới thấy rằng mặc dù trong thời buổi đồ công nghệ liên tục đổi ngôi đến chóng mặt, nhưng các chợ đồ cũ ở Sài Gòn vẫn luôn sầm uất, tấp nập. Dù vẫn biết đồ cũ sẽ có 1001 chuyện “trục trặc”, nhưng xét về một mặt nào đó vẫn có nhiều ứng dụng nhất định của nó. 

Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số Xuân tháng 12/2008)

Xem bài online tại đây 

No comments:

Post a Comment