Oct 24, 2008

Tiền tệ trong game online: lạm phát ảo hay thật?


Sự bùng nổ của ngành công nghiệp như hiện nay đã kéo theo một mạng lưới thương mại không chính thức nổi lên. Ngoài việc dùng đơn vị tiền tệ ảo để mua bán những vật dụng trong game, người ta còn có thể sử dụng nó như là “một loại ATM” để mua hàng hoá thật ngoài đời. Có thể nói hế giới ảo của game online đang trở thành thế giới thật cùng với đồng tiền của nó.

1. Sôi động nền kinh tế game online

Nhiều người cho rằng Game Online đơn thuần là một trò giải trí, nhưng suy cho cùng thì không phải như vậy. Bởi vì để có thể “cày” thành công một game, người chơi phải bỏ ra một lượng tiền không hề nhỏ mà chỉ có những người có hầu bao rủng rỉnh mới có thể theo đuổi nổi. Một trận đánh 60 phút trong Võ Lâm Truyền Kỳ phải mất ít nhất 2 triệu VNĐ, một thanh bảo kiếm hay đoản đao ở level cao trên 80 trở lên đã có giá bán hàng triệu VNĐ. Thiết nghĩ, ngày nay việc chơi game dường như không chỉ mang tính chất giải trí mà còn có nhiều động lực và mục đích khác nhau.


Việc mua bán các tài sản ảo trong trò chơi đã trở nên phổ biến ngoài đời thường với giá trị bằng tiền thật. Một game thủ có thể bỏ ra đến vài triệu đồng để trang bị từ đầu đến chân cho nhân vật “ảo” của mình hoặc bỏ ra cả 100 USD để mua một chiếc nhẫn ảo, giá trị đâu có kém một chiến nhẫn bằng vàng 9999 ngoài đời thật. Bên cạnh đó, những người không có thời gian luyện từ đầu có thể bỏ tiền ra mua một user account đã luyện tới level trung bình hoặc cao để có thể chiến đấu ngay. Hay những người túi tiền rủng rỉnh nhưng "nghèo" thời gian sẽ sẵn lòng trả tiền để thuê người khác chơi game, kiếm "vàng" và đua level hộ mình. Điều đó có nghĩa là tiền thật đang được trả để đổi lấy nuôi tiền ảo. Nhìn chung, song song với sự phát triển đa chiều của nền kinh tế ngoài đời thật, nền kinh tế ảo trong game cũng đang có những biến chuyển nhộn nhịp không kém.


2. Thương mại hóa thâm nhập thế giới game

Với giá trị tiền ảo như vậy, thì hệ quả chắc chắn sẽ kéo theo việc thương mại hóa “ảo”. Môi trường giao dịch trong và ngoài game online dần hình thành nên những “chợ ảo” và thậm chí “siêu thị ảo”, chỉ chuyên mua và bán các vật phẩm trong game như giày dép, đao kiếm, giáp rồng, ngọc bội... Hiện nay có một số “chợ ảo” đang hoạt động rất hiệu quả như M4G (Market4gamer.net), Chợ ảo (choao.vn), Thế giới game item (123shop.vn), Tân Thiên Kỷ (sieuthigames.com.vn), G4V CyberMarket (một hệ thống Chợ Ảo tại Game4v )… Tại các chợ ảo này cũng có rất nhiều dịch vụ không khác gì so với chợ thương mại mua bán đồ thật. Ví dụ như dịch vụ cho ký gửi đồ bán, người có hàng muốn bán sẽ mang đến cho các trang web này nhờ rao và chia % giá trị giao dịch. Hơn thế nữa, một số chợ ảo còn có dịch vụ “cầm đồ”. Game thủ cần tiền có thể mang item hoặc cả nhân vật đến ký gửi để mượn tạm tiền rồi sau đó chuộc lại.

Hoành tráng nhất phải kể đến những buổi bán đấu giá online và offline. Trông qui mô và các bước giá được đưa ra cho những vật phẩm trong game không thua kém gì một buổi đấu giá xe hơi, nhà đất. Ví dụ như buổi đấu giá chiếc nhẫn Toàn thạch giới chỉ Võ Lâm Truyền Kỳ tại Hà Nội trong năm 2007 do Market4gamer tổ chức. Giá khởi điểm là 100 triệu đồng, sau đó được trả lên 120 triệu, 180 triệu… và cuối cùng được bán với giá 251 triệu. Một con số đủ để mua được một chiếc xe hơi nhưng đã có người sẵn sàng trả cho một chiếc nhẫn vô hình chỉ tồn tại trong thế giới ảo của Võ Lâm Truyền Kỳ. Thật là khó có thể tưởng tượng được.


Trong những buổi đấu giá thì những mặt hàng thuộc loại đồ hoàng kim hay những vũ khí độc, đồ khủng, Max Op … được bán nhanh chóng với giá trung bình vài triệu đồng đến vài chục triệu một đồ vật. Có nhiều người bỏ gần 100 triệu đồng mua một cặp nhẫn “Vô danh giới chỉ” hay hơn 40 triệu đồng để mua con ngựa “Thần mã phiên vũ”. Và mới đây dân chơi Võ lâm truyền kỳ cũng đã xôn xao về việc một tài khoản game đã được mua với giá 1,2 tỷ đồng trên sàn Market4gamer. Việc bỏ ra vài chục triệu đồng để mua vật phẩm chẳng có gì lạ trong giới “đại gia” chơi game nhưng việc bỏ tiền tỷ để “sắm đồ” như vậy, kể cả với mục đích kinh doanh, thì cũng đáng phải kinh ngạc.

3. Lạm phát ảo hay thật

Mỗi ngày, với hàng ngàn tiệm Internet chơi game lớn nhỏ hoạt động liên tục trên toàn quốc, hàng trăm chợ “ảo” luân phiên hoạt động, nếu nhẩm tính, tổng giá trị giao dịch của thị trường đồ ảo tự phát này có thể sẽ “qua mặt” giá trị các phiên giao dịch tẻ nhạt của các sàn giao dịch chứng khoán. Điều đáng nói ở đây là trong khi các công ty niêm yết chứng khoán không thể tuỳ ý tăng thêm số cổ phiếu bán ra, vì có thể dẫn tới phá sản. Các ngân hàng cũng không thể tự tiện in tiền hàng loạt vì sẽ dẫn tới lạm phát nền kinh tế. Thì các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến lại có thể tự đưa ra các loại đơn vị tiền tệ trong thế giới game, tiền tệ ấy đôi khi còn được "coi trọng" hơn cả tiền mặt. Họ còn có thể tự ý tạo ra rất nhiều món đồ quý giá trong chớp mắt để phục vụ nhu cầu nâng cấp nhân vật nhanh chóng, trong khi người tự chơi muốn có được phải dày công luyện cả năm trời.


Như vậy, vấn đề lạm phát trong game là ảo hay thật? Khá nhiều người cho rằng không có chuyện lạm phát hay phá sản trong game. Vì khi một thứ đồ quý trở nên phổ biến, người chơi lại mong muốn kiếm những món đồ có hiệu năng cao hơn, quý giá hơn, và vòng quay cung cầu sẽ tiếp tục lặp lại, giá của những món đồ "độc chiêu" mới sẽ luôn cao hơn những món đồ phổ biến. Như vậy, “giá trị thực” của vật phẩm phát triển theo “giá trị mong muốn”? Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, lạm phát trong game online là điều không thể tránh khỏi. Bởi vì tiền ảo vừa có giá trị trong game nhưng cũng có thể đổi lấy tiền thật, mua bán các hiện vật bên ngoài game như điện thoại di động, máy tính,…như shop VTC đã từng làm với đơn vị trao đổi là Vcoin. Vì vậy, thị trường ảo trong game cũng tuân theo qui luật cung và cầu, nghĩa là cũng sẽ có lạm phát.


Nhưng suy cho cùng thì giá trị tiền ảo trong game còn được qui định bởi nhiều vấn đề phức tạp khác. Ví như những lúc game bị lỗi, gamer lợi dụng để tự sản sinh ngân lượng hoặc lừa đảo tin nhắn làm cho ngân lượng (như Vcoin của VTC) tăng lên bất thường, gây mất cân bằng tiền tệ trong game, giá chợ đen sẽ bị giảm xuống. Mặc khác còn tùy vào quan niệm tỉ giá giữ tiến ảo và tiền thật của các nhà phát hành. Nhưng dù có công nhận tỉ giá giữa tiền thật và tiền ảo hay không, nếu nhà cung cấp không quản lý chặt vấn đề tiền tệ trong game và thả nổi, dẫn tới lạm phát tỉ giá, thì người thiệt thòi nhất chính là những người chơi game nghiêm túc hoặc phải bỏ tiền nạp qua SMS để mua tài sản ảo. Qua đó ta thấy rằng việc quản lý tiền tệ trong game là rất quan trọng. Cần phải có những cơ chế, chính sách để quản lý chặt vấn đề tiền tệ trong game, không thả nổi làm lạm phát tỉ giá sẽ dẫn đến những hậu quả lớn.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 10/2008)

Oct 22, 2008

Hay là mình lấy nhau?


Năm nay đám cưới bạn bè liên miên, gần như trung bình tháng nào cũng có một vài đám. Hôm qua nghe tin Nhung cũng vừa dạm ngõ. Thật là nhanh quá! Ai nghĩ được cô pé nhút nhát chỉ biết cười như thế mà lại đi sau về trước.

Đầu đuôi xuôi ngược thì tính ra mình là đứa yêu sớm nhất bọn. Dậy mà mình chưa rục rịch chi hết. Gần đây còn có một người hỏi mình đã một chồng 2 con. Chà, chẳng lẻ trông giống đến vậy sao ta.

Em sẽ không lấy chồng nếu chỉ vì bạn bè ai cũng có đôi, vì ai cũng hỏi em “ sao chưa cho ăn kẹo?”

Em sẽ không bao giờ lấy chồng chỉ vì cái bệnh sĩ hay một chút ngông cuồng của tuổi trẻ, như trưa nay, như thỉnh thoảng em vẫn hay nghĩ tới.

Em sẽ vẫn chưa nhận lời lấy anh nếu chỉ vì chúng mình có nhiều điểm chung, vì anh vững vàng, thành đạt, vì chúng ta là một cặp được rất nhiều người ngưỡng mộ.

Em sẽ không lấy chồng vì đến tuổi phải lấy. Vẫn biết rằng đi chợ sớm lựa được nhiều đồ ăn ngon.

Em không thể hiểu nỗi một số người có thể vì một giây tặc lưỡi mà đồng ý về chung sống tẻ nhạt với một người đàn ông chẳng phải dành cho mình, rồi dẫn đến vô số những sai lầm khác của cuộc đời.

Em chỉ có một cuộc đời để làm điều mình muốn chứ không phải để làm điều người khác cần hay cho là đúng. Người khác không phải là em, nên không sống cho em và vì em.

Đơn giản chỉ vì em cảm thấy mình chưa thật sự sẵn sàng để làm vợ, làm dâu và làm mẹ. Em cần thêm thời gian để biết mình nên, cần và phải làm gì, anh nhé!

Chắc tại mẹ sinh em ra tính đã bướng bỉnh, cộng thêm với sự độc lập do công việc đem lại. Cộng thêm với việc làm ra tiền rồi nhiều tiền sớm sớm, em ít kỳ vọng vào những gì vật chất đem lại (em luôn tin rằng mình có khả năng handle được nó), mà gói tất cả những kỳ vọng đó đặt vào tình yêu. Thế nên ít ra thì em cũng đã nghĩ được, lấy chồng là một thú vui, không phải là một nhu cầu.

Em sẽ cố gắng tỉnh táo để không bao giờ lấy chồng vì nhu cầu của một đám đông.

Nhiều người cho rằng trông chúng mình thật “ngộ” nếu sóng bước bên nhau vì anh thì lêu nghêu trong khi em lại quá thấp bé. Cũng đôi lần em phấn khích trước sự tròn mắt ngạc nhiên của nhiều người khi biết mối quan hệ giữa em và anh đã gắn kết gần 6 năm.

Nhưng em luôn tự hào vì chúng ta lúc nào cũng như lúc mới yêu. Anh luôn làm em rất tự hào mỗi khi nhắc đến, về mặt tình yêu anh dành cho em, về mặt nghề nghiệp, về mặt cư xử, về nhiều thứ. Anh luôn làm em yên tâm rằng anh giải quyết được tất cả những vấn đề, không bao giờ lùi bước.

Khi nghĩ đến những việc này em lại tự nhủ: Hay là mình lấy nhau?

SG, 21/10/2008

Ngày chông chênh

Cuối tuần vừa qua busy quá! Vừa lo cái hội chợ Isgaf vừa đám cưới Hạnh, vừa Sinh Nhật Diễm lại thêm má của Ngọc Anh nằm viện, khám bệnh cho em…. Bao nhiêu việc dồn dập làm mình đuối như trái chuối. Hazz…

Giờ thì mọi việc coi như tạm ổn nhưng kết quả là người đang hầm hập cảm, bể tiếng, đau đầu và rát cổ học. Tối qua đã phải uống thuốc.

Sáng nay meeting, tự nhiên thấy mình bấp bênh, chông chênh lạ.

Lại thêm cái tin giật gân – “ngực lép” không được xe máy. Thiệt là hết biết, thôi thì thấp bé nhẹ cân cấm đã đành, giờ lại thêm cái “vòng 1” phải đủ chuẩn. Trong khi mình chưa thi bằng lái nữa chứ. Hixx, đi xe máy mà làm như thi hoa hậu không bằng. Phương tiện kiếm cơm của con người ta mà hết bắt cái này lại cấm cái kia. Nay mai lại bắt nộp thuế 500K/năm, thuế xe lưu thông vào nội thành… Rồi sẽ đi về đâu.

Thôi, dù sao cũng mừng vì Isgaf thành công tốt đẹp.
Mong cho Còi sẽ hạnh phúc bên chồng iu mãi mãi.
Chúc cho Má nuôi mau lành bệnh.
Và hy vọng cho mọi việc của mình sẽ suông sẻ.

Oct 20, 2008

Chọn dịch vụ thư điện tử nào?


Nếu bạn đang tìm kiếm một dịch vụ thư điện tử miễn phí để sử dụng, điều trước tiên nên cân nhắc là các tiện ích mà nhà cung cấp dịch vụ đưa ra, như khả năng lưu trữ của hộp thư, dung lượng file đính kèm, tốc độ gửi thư, hiệu ứng lọc thư rác, giao diện dễ sử dụng, chương trình truy cập dễ dàng…

Hiện nay có khá nhiều nhà cung cấp dịch vụ email miễn phí. Mỗi nhà cung cấp đều có thế mạnh riêng của mình. Vậy bạn nên chọn loại dịch vụ thư điện tử nào phù hợp nhất cho mình? Sau đây là một vài so sánh về các dịch vụ email miễn phí hiện đang có tại Việt Nam: Yahoo Mail, Gmail, Hotmail, Zing Mail.

1. Đăng ký và Đăng nhập

Nhìn chung, các nhà cung cấp đều tối đa hóa đơn giản những bước truy cập và đăng ký dịch vụ email của mình. Chỉ cần truy cập vào địa chỉ mail.yahoo.com, mail.google.com, hotmail.msn.com hoặc mail.zing.vn là bạn có thể đăng ký một địa chỉ email miễn phí.

Về thủ tục đăng ký thì Zing Mail có phần nhanh gọn hơn và dễ có được một địa chỉ như ý vì đây là một dịch vụ vừa triển khai ở Việt Nam. Gmail cũng không cần khai báo nhiều khi đăng ký nhưng là một trong những dịch vụ miễn phí được sử dụng rộng rãi. Trong khi đó, thủ tục đăng ký của Yahoo Mail, và Hotmail phức tạp hơn vì phải khai báo nhiều vấn đề liên quan đến nơi bạn đang sống như quốc gia, Zip code…

Nhưng ngược lại, sau khi đăng ký xong thì Yahoo Mail và Hotmail lại Đăng Nhập khá dễ dàng trong khi Zing Mail phải nhập Mã xác nhận, còn Gmail phải chờ thời gian loading tương đối lâu.

2. Giao diện

Giao diện của Gmail và Hotmail đều sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, Yahoo Mail vừa có phiên bảng Tiếng anh vừa có phiên bảng tiếng Việt dành riêng cho người Việt Nam nhưng thường có nhiều banner quảng cáo gây khó chịu. Zing Mail sử dụng hoàn toàn bằng ngôn ngữ Tiếng Việt, giao diện thoáng hơn nhưng không tích hợp dịch vụ chat vào trong hộp thư như Yahoo Mail và Gmail.

Giao diện của Yahoo Mail, Gmail, Hotmail có thể thay đổi màu sắc theo một số màu mặc định sẵn. Zing Mail lại cho người dùng lựa chọn nhiều mẫu phông nền đa dạng với những hình ảnh và tên gọi thể hiện được cá tính của người sử dụng.

3. Khả năng lưu trữ

Gmail cho phép lưu trữ tối đa 7GB, Hotmail là 5 GB. Yahoo Mail và Zing Mail thì dung lượng lưu trữ không giới hạn. Bạn có thể lưu trữ thoải mái thư từ cũng như biến hộp mail thành nơi cất giữ lý tưởng cho các tài liệu của mình. Nhưng để tốc độ hộp mail nhanh hơn cũng như thuận tiện cho việc tìm kiếm các tài liệu khác trong email, bạn nên bỏ bớt những email có dung lượng lớn và không cần thiết.

4. Dung lượng tập tin đính kèm

Với Yahoo Mail và Hotmail bạn chỉ có thể gửi kèm tập tin có dung lượng dưới 10MB. Nhưng thực tế cho thấy dung lương đính kèm file an toàn chỉ có thể trong khoảng dưới 8,5MB. Với Gmail thì dung lượng file đính kèm được nâng lên tối đa 20 MB, Zing Mail khá ấn tượng với 30 MB.

5. Tốc độ gửi thư

Với cùng một thời điểm, trên cùng một đường truyền Internet, thử đính kèm tập tin trên các dịch vụ email nói trên và thu được kết quả như sau:

Dịch vụ Email/ Dung lượng file đính kèm
8.2 MB
9.87MB
19.3MB
28MB
Yahoo Mail     
1.46 phút
không gửi được
không gửi được
không gửi được
Hotmail
2.10 phút
không gửi được
không gửi được
không gửi được
Gmail 
45 giây
55 giây
1.16 phút
không gửi được
Zing Mail
25 giây
33 giây
55 giây
1.25 phút

Nhìn chung, bên cạnh việc cho phép đính kèm file lên đến 30MB, Zing Mail do server đặt tại Việt Nam nên có phần ưu thế hơn về tốc độ so với các dịch vụ khác.

6. Lọc thư rác

Cả 4 dịch vụ này đều có hệ thống chặn và lọc thư rác, thư spam ra một thư mục riêng. Google, Yahoo và Zing Mail có khả năng chống spam email tốt hơn MSN Hotmail.

7. Tính năng giải trí

Ngoài tính năng gửi và nhận thư như Yahoo Mail, Gmail và Hotmail, trong hộp thư Zing Mail bạn có thể dễ dàng gửi ecard và nhúng file nhạc ngay trong hộp thư hoặc lựa chọn rất nhiều mẫu giấy viết thư phù hợp với từng nội dung email. Yahoo Mail và Gmail muốn gửi ecard bạn phải sử dụng một trang web thứ 3 để lấy links về hộp mail của mình.

8. Tính năng bảo mật

Các nhà cung cấp dịch vụ email miễn phí đều cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dùng. Ngoài ra, những tập tin đính kèm đều được quét qua các phần mềm diệt virus: Gmail, Yahoo Mail sử dụng phần mềm Norton Antivirus, Hotmail sử dụng Windows Live OneCare, Zing Mail sử dụng Kaspersky.

Với những phân tích trên, hy vọng các bạn sẽ chọn được cho mình một dịch vụ email thật tiện lợi, an toàn và thích hợp nhất.

      Yahoo! Mail

      Ưu điểm: Phổ biến rộng rãi, dễ sử dụng, tự động phân loại email, tìm kiếm thư và tài liệu dễ dàng, dung lượng lưu trữ không giới hạn, emoticon phong phú, cho phép chat trực tiếp trên giao diện hộp thư mà không cần cài thêm chương trình Yahoo! Messenger.
      Nhược điểm: Đính kèm tập tin với dung lượng dưới 10MB. Tốc độ upload file đính kèm cũng như gửi/ nhận thư khá chậm. Nhiều dịch vụ quảng cáo trên hộp mail. Không có chức năng gửi ecard và nhạc trên hộp thư.

      Gmail

     Ưu điểm: Giao diện đơn giản, cho phép đính kèm file tối đa 20MB, có thể dùng giao thức POP để truy cập hộp thư này. Những email cùng một chủ đề sẽ được nhóm lại và sắp xếp liền mạch như một cuộc đàm thoại. Có chức năng dán label cho thư, cho phép đọc file word, excel, ...trực tiếp trên web. Tích hợp công vụ tìm kiếm mạnh, lọc thư rác khá tốt. hồi đáp tự động. Chat ngay trên hộp thư.
    Nhược điểm: Không hỗ trợ giao thức IMAP và đặt quảng cáo ở dưới những thư đã đọc. Hạn chế dung lượng lưu trữ 7GB. phải mất một thời gian chờ khá lâu cho quá trình hiển thị trang web đăng nhập vào Gmail và quá trình Loading.

     Zing Mail

      Ưu điểm: Cho phép đính kèm tập tin dung lượng lên đến 30MB. Server đặt tại Việt Nam nên tốc độ gửi và đính kèm file nhanh, dung lượng lưu trữ không giới hạn. Có thể thay đổi giao diện hộp mail với nhiều skin lạ mắt, giấy viết thư đa dạng. Có thể chèn nhạc, clip hoặc ecard ngay trong nền hộp mail. Hỗ trợ giao thức POP và xem đọc file word, excel, ...trực tiếp trên web. Giao diện thân thiện và ít quảng cáo.
       Nhược điểm:  Không tích hợp chat trong giao diện email, thiếu một số chức năng như tạo nhãn, tạo thư mục, xâu chuỗi email cùng nội dung, đăng nhập phải xác nhận mã.

     MSN Hotmails

       Ưu điểm: Được thiết kế lại với giao diện giống hệt ứng dụng email trên PC nổi tiếng của Microsoft - Outlook Express và Microsoft Outlook, có cửa sổ xem trước email nên nhìn chung dễ dàng sử dụng.
       Nhược điểm: Không tích hợp chat trong giao diện email, thiếu POP và IMAP, không hỗ trợ bảo mật tin nhắn, nhiều công cụ quản lý mail như lọc thư rác cải tiến ít, hạn chế dung lượng lưu trữ với 5Gb, tập tin đính kèm dưới 10MB.



Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 10/2008)

Oct 18, 2008

Ca sĩ Ưng Đại Vệ thích điện thoại Iphone


Ưng Đại Vệ từng là thành viên của nhóm nhạc GMC – một nhóm nhạc vô cùng ấn tượng trong suốt những năm 2003 – 2004. Sau 2 năm vắng bóng, Ưng Đại Vệ đã xuất hiện dần trở lại và bắt đầu cho sự nghiệp solo. Một Ưng Đại Vệ hoàn toàn mới, một giọng ca đầy thôi thúc, đầy cao trào và thực sự thuyết phục nguời nghe, trên các diễn đàn âm nhạc liên tục nghe nhắc đến tên Ưng Đại Vệ với những ca khúc do anh sáng tác , hay viết lời Việt.. Và mới đây Ưng Đại Vệ đã cho ra mắt Album “Ưng Đại Vệ sau hai năm” gồm 10 ca khúc Pop-R&B, Pop-Rock được dàn dựng Video clip hấp dẫn. Có thể nói, đến nay Ưng đại Vệ đã thực sự tìm được chỗ đứng khá vững cho sự nghiệp ca hát của mình.

Còn về lĩnh vực công nghệ không biết Ưng Đại Vệ có sở thích như thế nào? Hãy cùng Sức Mạnh Số gặp gỡ chàng ca sĩ điển trai này nhé,

PV: Được biết Vệ rất thành công qua các ca khúc Pop-R&B, Pop-Rock cá tính, phải chăng Vệ cũng là một con người rất cá tính?

- Đôi khi các bài hát không thể nói lên tính cách của người nghệ sĩ thể hiện nó. Nhưng sống hết mình và làm hết sức là tính cách của Vệ.


PV: Với dòng chảy của công nghệ, model và hi-tech liên tục ra đời, vậy tiêu chí nào để anh chọn sản phẩm hi-tech (mobile chẳng hạn) cho mình? Ngoài mobile ra thì Ưng đại Vệ có thường xuyên sử dụng sản phẩm công nghệ nào nữa không?

- Một sản phẩm chất lượng, có những chức năng chuyện biệt và có độ bền cao là những điều Vệ quan tâm ở một sản phẩm hitech. Hiện nay thì 2 vật bất ly thân ngoài mobile của Vệ là chiếc Laptop XPS M1530 của Dell và Ipod Video của Apple.

PV: Ưng Đại Vệ đang dùng điện thoại gì? Với anh, chiếc mobile đem lại lợi ích gì cho nhiều nhất trong cuộc sống và công việc?

- Chiếc Iphone Vệ đang sài giúp Vệ khá nhiều trong công việc, ngoài việc liên lạc thì nó có thể truy cập mạng internet ngay khi cần, có nhiều game hay để giải trí, và chức năng chụp hình cũng khá ổn.


PV: Là người của công chúng thì thường quan niệm rằng không nên nhận điện thoại từ số lạ, đó cũng là một cách tránh làm phiền, với anh thì sao?

- Vệ luôn nhận điện thoại từ những số lạ, chỉ trừ khi đang làm việc, vì những số lạ đôi khi là bạn bè đổi số hoặc những công việc cần liên hệ mình.

PV: Được tiếp xúc thường xuyên với âm nhạc, đặc biệt vừa là ca sĩ, vừa sáng tác nhạc lại đệm đàn piano … chắc chắn Ưng Đại Vệ có cái nhìn rất “nghề” trong âm nhạc. Theo anh, model điện thoại nào hiện nay là nghe nhạc tốt nhất?

- Nhìn đàn thì Vệ biết chứ còn điện thoại thì chắc không “nghề” đâu (cười). Bản thân Vệ cũng đã sài qua khá nhiều loại model điện thoại khác nhau, và Vệ thấy model W800i của hãng Sony Ericsson là nghe nhạc hay nhất.

PV: Album “Ưng Đại Vệ sau hai năm” có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp ca hát của Ưng đại Vệ?

- Album “Sau hai năm” đánh dấu sự khởi đầu trong sự nghiệp ca hát của Vệ sau 1 thời gian dài chuẩn bị và sự thành công của Album cũng là động lực để Vệ tiếp tục phấn đấu và vững tin trên con đường mình đã chọn.

PV: Vệ có thể chia sẻ một chút với bạn đọc về những dự định sắp tới của mình?

- Hiện nay Vệ đang gấp rút chuẩn bị cho album Vol.2 dự kiến sẽ phát hành vào cuối năm nay. Album này sẽ gồm 9 bài mang phong cách R&B và điều đặc biệt là tất cả các ca khúc trong Album sẽ đều do Vệ sáng tác. Vệ hi vọng sẽ được các bạn ủng hộ nhiệt tình.

PV: Cảm ơn Ưng Đại Vệ rất nhiều đã dành thời gian cho Tạp chí. Chúc Ưng Đại Vệ ngày càng thành công trong sự nghiệp ca hát!

(Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 10/2008)