Jun 25, 2008

Mạng xã hội Việt – cơ hội và thử thách


1. Bùng nổ mạng xã hội Việt

Mặc dù mạng xã hội chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây ở Việt Nam nhưng không còn xa lạ gì đối với cộng đồng blogger Việt. Từ khi xuất hiện, gần như Yahoo 360 chiếm độc quyền. Cho đến khi Yahoo 360 bị lỗi thì các công ty đầu ngành trong lĩnh vực CNTT ở Việt Nam cũng tỏ ra khá nhanh nhạy với miếng bánh béo bở này. Kết quả là sự ra đời rầm rộ như nấm mọc sau mưa của các mạng xã hội thuần Việt. Những website đại diện cho trào lưu web 2.0 này đã thu hút hàng trăm ngàn bạn trẻ tham gia bàn tán, chia sẻ sôi nổi các thông tin, tình cảm và giải trí.

Nếu làm phép liệt kê nho nhỏ có thể thấy Yahoo 360 chỉ còn là một nhánh nhỏ trên cây mạng xã hội ở Việt Nam. Thử điểm mặt những mạng xã hội hiện có tại Việt Nam sẽ thấy. Cơ man nào là Clip.vn - chia sẻ video; Cyworld.vn – trang trí nhà, nuôi vật ảo, xây dựng nhóm bạn giao lưu; Yobanbe.zing.vn với YoBlog, YoGiải trí, Video và YoPhoto; Timnhanh.com với Blog Cafe, chia sẻ âm nhạc, video, xây dựng diễn đàn với khả năng cá thể hoá cao; Tamtay.vn – nơi giao lưu hội ngộ bạn cũ, lưu giữ kỷ niệm…và còn là những ChaCha.vn,FaceViet.com,CyVee.com,Ngoisaoblog.com,HenAnTrua.com,Chuyendong.vn, Zooz.vn... Đây được xem là dấu hiệu thể hiện sự "bùng nổ" của các mạng xã hội Việt, nơi gặp gỡ và giao lưu đầy hấp dẫn, tiện ích của giới trẻ Việt Nam thời hiện đại. Tuy nhiên, khả năng thành công của các mạng xã hội tại Việt Nam ra sao thì vẫn còn là câu hỏi lớn.

2. Cuộc đua không khoan nhượng

Mới đây dân cư mạng lại kháo nhau về một cuộc di dân mới sang Yahoo Plus. Tung ra Yahoo!360 Plus để khẳng định vị trí độc tôn, không ngoại trừ việc Yahoo có tham vọng “đè bẹp” các mạng xã hội Việt. Sự trở lại của Yahoo Plus sẽ lấy mất cơ hội mà mạng xã hội Việt đang ngấp nghé nắm giữ kể từ khi Yahoo 360 bị bỏ ngõ? Trước thách thức đó mạng xã hội Việt cần phải có những chiến lược mới cho bước đường đi của mình, làm thế nào thu hút lượng người có thói quen sử dụng Yahoo hoặc các mạng xã hội ảo khác.

Hiện tại ngoài những tính năng hữu ích hơn mạng xã hội Yahoo như: chèn hình ảnh trực tiếp vào bài viết mà không cần phải qua các bên trung gian, chức năng cài đặt giúp người viết có thể phân loại bài viết của mình, tự động cập nhật entry từ Yahoo 360 và ngược lại… thì các mạng xã hội Việt Nam cũng có nhiều tính năng nổi trội và đa dạng hơn, tạo điều kiện để giới trẻ có thể tiếp cận với những ứng dụng mới nhất của một mạng xã hội quốc tế. Gần đây các hoạt động offline được tổ chức thường xuyên, tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư ảo đưa họ xích lại gần nhau trong cuộc sống thực tế.

Tiêu biểu là mạng xã hội Việt chuyendong.vn với rất nhiều buổi offline lớn nhỏ và đầy ý nghĩa. Các thành viên của chuyendong.vn cũng năng động như chính cái tên của mạng xã hội này. Từ khi ra đời vào cuối năm 2007, chuyendong.vn đã tổ chức rất nhiều buổi offline chụp ảnh để trang trí blog, offline chuyển động Idol để thi hát karaoke giữa các thành viên… Có những cuộc gặp gỡ đơn giản chỉ là cuối tuần “trà đá” đến những lần tổ chức quyên góp sách hoành tráng cho ngày khai trường sắp tới… thì các thành viên cũng đều tập trung đông vui và chính vì thế ngày càng gắn kết với nhau nhiều hơn. Hình thức offline này được tận dụng tối đa để thu hút và giữ chân các thành viên.

Thậm chí tạo ra nhiều cuộc thi để blogger có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình: Mạng Tìm Nhanh có một số sân chơi ca nhạc dành cho các thành viên, Ngoisaoblog đã tổ chức cuộc thi NgoisaoBlog thu hút khá đông bạn trẻ tham gia vào cuối năm 2007... Các hoạt động nói trên là một ưu thế vượt trội mà những nhà cung cấp Việt Nam có thể làm được dễ dàng so với nhà cung cấp nước ngoài.

Mạng xã hội Yobanbe thì lại tổ chức giao lưu gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm qua cuộc thi “Phù Thuỷ Theme” – thiết kế themes trang trí cho blog, cơ hội thể hiện tài năng và cả cái tôi lớn của mình. Cuộc thi được phát động từ cuối 2007 đến đầu 2008, tổng giá trị các giải thưởng lên đến 3000 USD. Ở cuộc thi một hattrick được lập bỡi bạn Trần Hữu Khoa, thí sinh dự thi của 3 kỳ rinh về 3 giải thưởng với tổng giá trị 450 USD về mình. Tâm sự về cuộc thi và giải thưởng, Khoa chia sẻ: “Yo luôn mang đến cho Yoer nhiều thông tin, và những cuộc thi thật hữu ích. Khoa hiện là Sinh Viên của trường Kiến Trúc, thế nên rất ham thích thiết kế và sáng tạo ý tưởng với art và desgin. Khoa trở thành thành viên của Yobanbe từ những ngày Yo mới trình làng teen Việt, kể từ khi cuộc thi phát động Khoa đã hồ hởi tham gia, đạt về nhiều giải thưởng trong hôm nay Khoa rất vui mừng. Yo quả là sân chơi mới của tất cả teen Việt hiện nay” .

Không chỉ dừng lại ở đó, được biết mạng xã hội Yobạnbè cũng đang xây dựng một kế hoạch để trả nhuận bút cho blogger có thể dựa vào mức độ quan tâm của người đọc thông qua số lượng người truy cập (page view) hoặc các lời bình luận (comment) đối với các blog entry. Một hình thức khá mới mẻ nhằm thu hút sự sáng tạo nhiệt tình của blogger. Ngoài ra, cuối tháng 6/2008 Yobanbe đã ra mắt phiên bản cải tiến với một số thay đổi hữu ích cả về giao diện lẫn chức năng. Theo đó, mạng xã hội Yo có giao diện bắt mắt hơn, các module cũng được bố trí lại cho hợp lý, cùng với việc cho ra đời 2 chức năng mới Yo Giải trí và Yo Photo.

Tìm Nhanh thì đang hướng tới việc thành lập một cộng đồng tích hợp tối đa hóa các tiện tích có sẵn trên timnhanh.com như blog, nhạc, video, forum. Trong khi yahoo plus có thể chèn hình ảnh trực tiếp vào các blog sắp tới thì những người dùng Timnhanh còn có thể chèn video, nhạc ngoài những chưc năng như yahoo plus.

Như vậy, có thể thấy cuộc chiến tranh giành thị phần giữa các mạng xã hội Việt đang rất gay go và quyết liệt. Các nhà phát hành luôn tạo điều kiện và liên tục refesh mình để thu hút và giữ chân các thành viên. Nhưng suy cho cùng thì dự cạnh tranh này cũng nhằm tạo nên một cộng đồng mạng xã hội phát triển, phong phú và đa dạng hơn.

*** Một vài đánh giá:

YoBanBe (yobanbe.zing.vn) 

Ưu điểm: Thể hiện một bộ mặt chuyên nghiệp về thiết kế với nền màu xanh lá cây, các đường nét nhã nhặn. Tốc độ và tính ổn định của các chức năng rất tốt chứng tỏ có sự đầu tư sâu về công nghệ. Nhiều chức năng hay, phù hợp với cách sử dụng của người Việt.

Nhược điểm: Khá giống với Yahoo!360 về mặt bố cục và chức năng. Kết quả là khả năng tùy biến giao diện cũng bị hạn chế.

Nhận xét: Các chức năng không quá rườm rà và rất hợp với cách sử dụng mạng xã hội của người Việt.


CyWorld (www.cyworld.vn)

Ưu điểm: Cyworld mang một phong cách rất riêng và rất Hàn Quốc. Điểm độc đáo là ở mức độ tùy biến mà trang web cung cấp cũng như mô hình kinh doanh độc đáo và cực kỳ “lời” của nó. Hoạt động gần như game online.

Nhược điểm: Kiểu xã hội ảo này còn khá xa lạ với người Việt. Người dùng phải trả tiền cho mọi thứ, trong khi thói quen của người dùng Internet ở Việt Nam là "free".
Nhận xét: Đây là một mạng xã hội đã được thử thách cả về mặt công nghệ lẫn ý tưởng. Có lẽ CyWorld sẽ rất được ưa chuộng trong cộng đồng tuổi teen và đặc biệt là nhưng ai yêu thích phim Hàn Quốc.


CyVee (www.cyvee.com) 

Ưu điểm: Không quá màu mè, hệ thống tương đối ổn định, giao diện sáng sủa, chức năng tốt. Khá ấn tượng với các chức năng tạo hồ sơ .

Nhược điểm: Có nhiều chức năng khác nhau nên chưa nêu bật mảng mạng xã hội. Sau khi gửi bài viết thì không có khả năng chỉnh sửa lại. Buộc phải là thành viên của hội nhóm thì mới được bình luận.

Nhận xét: Có thể thấy CyVee hướng vào đối tượng khác hẳn so với các mạng xã hội khác. Nhìn chung họ thường là những người chuyên nghiệp muốn dùng web như một nền tảng để chia sẻ kinh nghiệm và thiết lập các mối quan hệ nghề nghiệp.


VietSpace (www.vietspace.net.vn) 

Ưu điểm: VietSpace cho phép thêm vào không gian của bạn nhiều module với các chức năng khác nhau, giao diện cũng có thể tùy biến ở mức tương đối cao.

Nhược điểm: Website dùng màu sắc thiếu thống nhất và thiết kế không đẹp mắt lắm. Việc đưa các module vào cũng khá phức tạp và dễ gây lỗi. Chưa hoàn chỉnh về mặt công nghệ. Hiếm khi tạo được một giao diện cân đối.

Nhận xét: Có vẻ Vietspace muốn hướng tới lứa tuổi teen bằng bảng màu sặc sỡ, tuy tuổi teen thích các tone màu sáng, sống động nhưng cũng cần hài hòa hơn.


ClipVN (clip.vn)

Ưu điểm: clip.vn có cấu trúc site không khác youtube là mấy, nhưng việc cung cấp thêm nhiều tính năng như MyTV, nhóm, sổ lưu niệm đem lại cho clip một bản sắc riêng và góp phần tăng thêm tính xã hội của site.

Nhược điểm: Dễ đụng chạm đến một số vấn đề là bản quyền và nội dung. Nội dung clips upload cần có thời gian kiểm duyệt trước khi đăng tải.

Nhận xét: clipvn ra đời rất đúng thời điểm, khi thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đang rất sôi động và còn nhiều tiềm năng khai thác. Nếu chỉ tính riêng về lĩnh vực quảng cáo thì tin rằng clip có lợi thế hơn nhiều so với các mạng xã hội khác.


Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 06/2008)

Jun 21, 2008

Thể thao số Việt Nam khi nào vươn ra biển lớn?

Khởi nghiệp

Thể thao số hay thể thao điện tử (e-Sports) đang được coi là một xu hướng giải trí tinh thần, trí tuệ mới. Năm 2008 đánh dấu sự nở rộ của thể thao điện tử Việt Nam với sự xuất hiện của rất nhiều game và thể loại game mang tính chất thể thao. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn diễn ra chậm, hẹp, mang nhiều tính tự phát, co cụm và chưa được nhìn nhận dù trình độ của các game thủ trong nước không hề thua so với một số quốc gia có nền e-Sports phát triển. Nhưng sau những khó khăn bước đầu trong giai đoạn dò đường chập chững, nền thể thao điện tử Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu khả quan hơn.

Đầu năm 2008, Thứ trưởng Nguyễn Danh Thái của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ký quyết định thành lập Hiệp hội Thể thao điện tử và giải trí Việt Nam sắp được ra mắt trong tháng 7/2008. Sự hình thành của hiệp hội này sẽ tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực hãy còn mới mẻ này. Và OCA (Ủy ban Olympic Châu Á) đã phê duyệt đề án đưa Sport Game vào thi đấu tại Đại hội thể thao trong nhà Châu Á lần thứ 3 (Asian Indoor Games III), sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10.2009. Đây cũng là cú “hích” mới cho loại hình này, và với Việt Nam càng thuận lợi khi do chúng ta làm chủ nhà. Ngoài ra năm học 2008 - 2009, các trường thể dục thể thao của nước ta đã đưa môn thể thao giải trí vào chương trình đào tạo chính thức. Trong đó đáng chú ý trường ĐH TDTT TPHCM sẽ liên kết quốc tế để mở chuyên ngành Quản lý thể thao giải trí, còn với trường ĐH TDTT Đà Nẵng thì Thể thao giải trí là một môn chuyên sâu thuộc chuyên ngành Giáo dục thể chất.

Những động thái tích cực này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy thể thao điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng và đi đúng hướng để có thể theo kịp với đà phát triển của thể thao điện tử thế giới. Vì vậy, tuy xuất hiện muộn nhưng rõ ràng E-Sport tại Việt Nam đang được định hình và phát triển rất mạnh mẽ, ngày càng được sự ủng hộ từ phía cộng đồng người chơi và các đối tác trong cũng như ngoài nước. Hơn nữa, tiềm năng kinh tế trong việc phát triển E-Sport games rất lớn, mang lại cả giá trị xã hội và kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cao.

Qua quá trình hình thành và phát triển nhanh chóng, có thể thấy thể thao điện tử đang dần khẳng định vị trí quan trọng của mình trong cộng đồng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỗi giải đấu, mỗi đấu trường là nơi các game thủ được thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, đầu óc chiến thuật, tinh thần đồng đội cũng như tinh thần thể thao (fairplay). 


Cần có cái nhìn khách quan 

Đã có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề về thể thao điện tử. Có người cho rằng thể thao điện tử mang trong bản thân mình tính bạo lực, chứa đựng những yếu tố có hại cho cộng đồng, đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới giới trẻ vì có tính đối kháng cao, đặc biệt là game bắn súng tuyên truyền cho việc bắn giết. Cái nhìn của xã hội hiện nay về hình thức giải trí này còn tương đối khắt khe. Nhưng xu hướng yêu thích và ủng hộ thể thao điện tử trên thế giới đã trở thành cao trào. Ngay cả tại Việt Nam, đầu năm 2008, cùng một thời điểm, 3 game bắn súng của những nhà phát hành game lớn như VinaGame, FPT, VTC… cùng được phát hành. Nhưng chỉ cần một sai sót trong những yếu tố định hướng phát triển của một nhà phát hành sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực rất đáng kể tới số đông và sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí trực tuyến tại Việt Nam nói chung và ngành thể thao điện tử mới vừa hình thành nói riêng.

Thực ra trong cuộc sống, mọi vấn đề đều có tính hai mặt. Cái chính là ý thức nhìn nhận và cách tiếp cận của con người như thế nào sẽ làm nên mặt trái hay phải của nó. Và thể thao điện tử cũng vậy, nó tùy thuộc vào ý thức của người tham gia và định hướng tiếp cận thị trường của những nhà phát hành game. Việc thay đổi những quan niệm tiêu cực về thể thao điện tử đòi hỏi chính cả sự đổi mới tích cực không ngừng trong bản thân thể thao điện tử và cả chính cách nhìn nhận biện chứng từ con người.

Thể thao điện tử là một hình thức giải trí tinh thần đòi hỏi tính đồng đội, chiến thuật và sự linh hoạt của những “vận động viên chuyên nghiệp”. Sự chuyên nghiệp còn được thể hiện qua tinh thần luyện tập tích cực, có mục tiêu cao nhằm xây dựng một sự nghiệp thi đấu thành công qua việc thể hiện tài năng tại những giải đấu nhỏ trong game và vươn xa ra quốc tế. Bên cạnh đó, người chơi cũng sẽ được vận dụng tối đa khả năng trí tuệ của mình trong các trò chơi chiến thuật. Đó chính là mục đích cao hơn tất cả mà thể thao điện tử mong muốn vươn tới, vượt qua những rào cản định kiến hay những mặt trái còn tồn tại của nó.

Vậy câu hỏi đặt ra: “Nền thể thao số Việt Nam khi nào vươn ra biển lớn?”. Có lẽ trước tiên là từ sự chuyên nghiệp của từng game thủ. Chuyên nghiệp trong cả tập luyện lẫn thi đấu. Trình độ của một game thủ được quyết định chính bằng sự tập luyện nghiêm túc và theo một phương pháp khoa học nhất. Điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng không hề dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi một lòng đam mê, một nhiệt huyết thật sự và một thái độ nghiêm chỉnh.

Có thể nói, thể thao điện tử Việt Nam đang bước những bước đi rất vững chắc trên con đường khẳng định mình trên bầu trời game rộng lớn của thế giới. Đó không đơn thuần chỉ là những cuộc thi đấu với tính giải trí thông thường, mà còn là cơ hội để người Việt Nam khẳng định trí tuệ Việt. Chính vì vậy, cần phải định hướng người chơi E-Sport games làm sao cho đúng với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, vừa tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích và hấp dẫn cho các game thủ.

Thanh Thúy
Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 06/2008)

Jun 16, 2008

"miCoach" - Điện thoại thể thao


Hãng điện thoại SamSung của Hàn Quốc vừa hợp tác với hãng sản xuất đồ thể thao danh tiếng để cho ra đời chiếc điện thoại di động Samsung Adidas, hỗ trợ các bài tập tăng cường thể lực. “Chú dế” Samsung Adidas F110 được sản xuất ra với tiêu chí thể thao kết hợp công nghệ. Chính vì thế mà thiết bị này có biệt danh "miCoach" với ý nghĩa một huấn luyện viên thể dục.

Vừa là “vận động viên thể thao” thứ thiệt

Bên cạnh các đặc điểm cơ bản của một chiếc điện thoại di động thông thường, Samsung SGH - F110 còn có thêm chức năng đặc biệt nhờ một nút bấm trên giao diện, đó là nút hỗ trợ thể dục thẩm mỹ. Khi nút bấm "fitness" được kích hoạt, điện thoại sẽ kết nối với các phụ kiện đi kèm gồm có 1 máy đo nhịp tim và 1 máy đo nhịp chạy không dây. Máy đo tim được đeo ngay ngực và máy đo nhịp chạy có thể cài dễ dàng vào dây giày. Khi chạy, máy đo tim sẽ đo được nhịp tim của người dùng và đo nhịp chạy có thể kiểm tra được cự ly, đếm bước. Phần mềm chuyên nghiệp của miCoach giúp cho việc tập thể dục dễ dàng. 


Ngoài ra, còn có một tính năng được gọi là "tiếng nói huấn luyện viên" có khả năng phát tiếng nói khuyến khích người dùng trong suốt quá trình tập luyện. Tùy vào chương trình tập luyện nào (chế độ giảm cân, chạy marathon, duy trì hình thể...) mà bạn đã chọn trên điện thoại, F110 sẽ cho biết rằng bạn đã chạy quá nhanh hay chưa đủ đồng thời sẽ khuyến nghị nhịp độ chạy tối ưu... Người dùng còn có thể thiết lập bảng thống kê quá trình luyện tập của mình.

Các phụ kiện của “dế” là chiếc tai nghe nhạc, một vòng đeo. Thật thuận tiện cho người dùng khi vừa chơi thể thao vừa mang theo điện thoại. Bất cứ người chạy nào cũng có thể ngừng trình phát nhạc và theo dõi luyện tập bằng cách nhấn một nút trên miCoach, rồi sau đó trả lời cuộc gọi. Tuy nhiên, dung lượng lưu trữ nhạc của miCoach lại thấp, không gian lưu trữ chỉ có 1GB.


Vừa là điện thoại thời trang sành điệu

Ngoài những chức năng đặc biết kể trên, thiết kế của điện thoại miCoach cũng sành điệu không kém các anh chị em cùng họ. Được thiết kế dưới dạng bàn phím trượt, Samsung Adidas F110 có một thân hình khá mảnh mai, thiết kế sắc nét và bàn phím navigation điều khiển hướng trông giống như một chiếc giày thể thao.

F110 khá mỏng, chỉ dày 14,5mm, thiết kế dạng trượt với màn hình LCD 2-inch cùng nhiều họa tiết trang trí. Điện thoại sẽ có 7 màu: hồng, đỏ, xám đem, ngọc bích, và bạc. Máy được trang bị camera 2MP, và có thể kết nối với máy thông qua cổng USB hoặc qua Blutooth. Máy hỗ trợ kết nối 2.5G GPRS/EDGE với tốc độ truyền dẫn dữ liệu tốt. 


Màn hình 2 inch có vẻ hơi nhỏ so với một model điện thoại thông thường nhưng độ phân giải lại khá lớn 240 x 320 pixel. Máy hỗ trợ chương trình nghe nhạc nhiều định dạng, bắt sóng FM. Chất lượng âm nhạc của Samsung F110 tương đối tốt, có thể so sánh với iPod. Đi kèm có remote điều khiển nhạc cũng đồng thời là ổ cắm tai nghe 3.5 mm. Người dùng có thể dùng tai nghe chuyên nghiệp để thưởng thức những bài nhạc của mình khi chạy.

Kết luận:

Với miCoach, Samsung và Adidas đã trở thành đối thủ của bộ đôi Apple và Nike. được sản xuất vào năm 2007. Những khách hàng năng động có thể làm nhiều thứ trong một lúc, chiếc điện thoại này sẽ thành 1 người bạn đồng hành mỗi ngày, mọi lúc và mọi nơi. Đây có thể sẽ là công nghệ mới tác động đến thị trường thiết bị tập thể dục cho mùa hè này.

Giá tham khảo:

Có hai gói sản phẩm khác nhau. Gói sản phẩm cơ bản, bao gồm điện thoại miCoach và băng tay, giá là 200USD; trong khi gói sản phẩm cao cấp (bao gồm điện thoại, cảm biến gắn vào giày, theo dõi nhịp tim…) sẽ có giá 400 USD.

Địa chỉ tham khảo:

Thegioididong : 89A Nguyễn Đình Chiểu
182 Nguyễn Thị Minh Khai
6A Tú Xương

** Một số sản phẩm thể thao số:

1. Bộ đôi hoàn hảo: Nike+iPod 

Nike và Apple cũng đã hợp tác sản xuất ra bộ đôi "Nike + iPod" để mở rộng việc theo dõi bằng iPod cho thiết bị của các câu lạc bộ thể chất. Hệ thống "Nike + iPod" của Apple và Nike cho phép người dùng iPod nano theo dõi buổi luyện tập thân thể (chạy dài, chạy bộ, đi bộ) bằng bộ cảm biến nhúng trong giày, ghi thông tin và lưu lên iPod. Người dùng có thể theo dõi buổi luyện tập trên thiết bị đo nhịp tim khi cắm vào chiếc iPod. Hệ thống Nike+iPod giúp người dùng theo dõi được tiến độ tập luyện, chẳng hạn như đã chạy được khoảng cách bao xa, đã tiêu tốn bao nhiêu lượng calo, và các thông tin khác thông qua tai nghe và màn hình của iPod. (Giá tham khảo: 200 USD)


2. W710i – kết hợp thể thao với âm nhạc 

Năm 2007, Sony Ericsson W710i giới thiệu trên thị trường Việt Nam điện thoại kết hợp giữa thể thao với âm nhạc - W710i. Được thiết kế cho những người năng động nên W710i cũng rất trẻ về phong cách. Điện thoại có những nút bấm bằng cao su để tránh bị tác động một cách không mong muốn trong quá trình tập thể dục hay vận động. Có móc để gài vào thắt lưng và phần mềm đo bước chân cho những người đi bộ thể dục. Phần mềm thể thao mini tính giúp bạn quãng đường bạn đã đi bao xa, thời gian đã dùng và bao nhiêu calory đã bị đốt cháy. 


Điện thoại được bán với giá 5.650.000 đồng.

3. Điện thoại thể thao Toshiba W61T 

Mới đây, Toshiba cũng đã cho ra mắt chiếc điện thoại W61T, có lớp vỏ cứng được thiết kế dành cho các vận động viên hay những nguời ưa thích các hoạt động ngoài trời. W61T được trang bị tính năng AU Smart Sports, cho phép kiểm soát các hoạt động của người sử dụng và theo dõi lượng vận động cũng như lượng dinh dưỡng trong các bữa ăn. Tính năng này khá giống với bộ trang bị thể thao Nike+iPod trước đó. Ngoài ra các thông số khác của máy không có nhiều điểm nổi bật, W61T có màn hình OLED 2.8 inch, một camera CMOS 3 megapixel, khe mở rộng microSD, đài FM và cổng kết nối USB. Máy có 3 màu trắng, hồng và đen.

(Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 06/2008)