Jun 30, 2010

Thuê điện thoại – “mốt” mới của dân Sài Thành


Một trong hàng loạt “chiêu” khuyến mãi, giảm giá của các hãng điện thoại hiện nay có một dịch vụ đang rất hấp dẫn khách hàng: Cho thuê điện thoại giá rẻ. Dịch vụ này trở thành “thiên đường” của những cô cậu có thói quen thay điện thoại di động như thay áo, và là một “cứu cánh” cho những người trót “ăn tiêu quá trớn” .

Cũng “sành” cũng “điệu” như ai

Hơn hai tuần trước, Cường còn sử dụng chiếc điện thoại SE P990i vậy mà tuần này đã thấy tung tăng với “em” Nokia N92. Với số tiền lương ít ỏi, kiếm được từ việc làm PG cho các game online, ai cũng thắc mắc vì sao cậu có thể đổi điện thoại thời trang nhanh đến như vậy. Cường bật mí: “Điện thoại thuê, muốn cái nào mà chẳng có, đổi thoải mái có tốn nhiêu tiền đâu!”.

Theo lời quảng cáo của Cường, chúng tôi ghé đến một cửa hàng cho thuê điện thoại di động gần ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai và Tôn Thất Tùng. Tọa lạc trên trục lộ chính của thành phố, đập vào mắt là bảng hiệu quảng cáo khá hấp dẫn: “Cho thuê điện thoại giá 100.000 đồng”. Cửa hàng được trang bị cửa kính bóng lộn, bên trong dãy tủ kính, hàng trăm chiếc điện thoại kiểu dáng lạ mắt nằm kiêu kỳ trên lớp vải nhung óng mượt càng khiến các thượng đế tò mò. Hỏi ra hơn mới biết, muốn có được giá như quảng cáo, “thượng đế” phải đồng ý thuê máy từ 3 tháng trở lên. Ít hơn khoảng thời gian này, họ phải trả giá gấp đôi, tức là mỗi máy 200.000 đồng/tháng. Thời gian thuê tối thiểu là một tháng, nếu ít hơn, khách hàng vẫn phải trả đủ tiền thuê cho một tháng. Số tiền này không quá cao so với túi tiền của sinh viên.

Không chỉ với điện thoại, xung quanh khu vực này cũng có thể tìm thấy nhiều cửa hàng cho thuê những đồ số. Đông khách thứ hai sau điện thoại là laptop, với giá thuê từ 5 đến 15 USD/ngày (tùy theo cấu hình và thời hạn thuê máy). Khác với những bạn trẻ thuê điện thoại di động vì thích chạy theo thời trang, khách hàng thuê laptop thường là sinh viên cần làm báo cáo hay viết luận văn tốt nghiệp.

Tuy giá thuê không cao nhưng tiền “thế chân” lại khiến cư dân số đau đầu. Với điện thoại di động, số tiền “thế chân” là cả giá trị chiếc máy. Để có được 2 triệu đến 3 triệu đồng tiền thế chân chiếc máy điện thoại nghe nhạc, có khi các bạn sinh viên phải để dành tiền làm thêm trong 3 tháng mới đủ. Còn với laptop thì thường phải bỏ ra số tiền bằng một phần ba giá trị cái laptop để đặt cọc. Không dừng lại ở đó, để chạy theo kịp các dòng máy thời trang mới xuất hiện, khách hàng phải “nhồi” thêm tiền cọc vào số tiền đã đặt sẵn trong cửa tiệm.

Nhấp nhổm trò chơi “hên xui”

Sau khi trao tiền cọc, tương ứng với giá trị của chiếc máy, bản hợp đồng sẽ được lập ra nhanh chóng với những điều khoản cho cả hai bên cùng những cam kết chắc như đinh đóng cột. Cô nhân viên cảnh báo: “Trong thời gian sử dụng dịch vụ, nếu máy rớt nước, va đập, cửa hàng sẽ không lấy lại máy, trừ khi có lỗi phần mềm”. Giá rẻ như cho, các thủ tục có vẻ như rõ ràng và đơn giản. Tuy nhiên, cho thuê ĐTDĐ còn là một dịch vụ khá mới mẻ ở Việt Nam nên giá trị đích thực của loại hình này cũng làm cho không ít người hoài nghi. Máy mới nhưng ai dám chắc đó không phải là hàng “lởm khởm” được “mông má” lại. Mọi trục trặc của máy khách hàng phải chịu trách nhiệm hết. Nhiều lần phải đổi điện thoại vì lý do không dùng được, chờ đợi kéo dài và mất thời gian truy tìm cho ra... chủ tiệm để đòi lại tiền cọc là bài học đắt giá mà những người sử dụng dịch vụ cho thuê điện thoại phải trải qua.

Bạn Giang (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) chia sẻ: “Sau khi sử dụng được 2 tuần, vì cần gấp tiền đóng học phí nên tôi muốn trả máy, chấp nhận trả hết số tiền thuê máy trong vòng một tháng để lấy lại tiền cọc. Cô nhân viên cửa hàng nói: Nếu quý khách không muốn dùng máy, có thể gởi trả nhưng tiền cọc thì đến đúng hạn hợp đồng, chúng tôi mới thanh toán được”. Giang bí quá nên mang chiếc điện thoại thuê “made in China” đến một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động trên đường Hùng Vương (Q5, TPHCM), chủ tiệm cười ngất: “Mấy cái điện thoại đẹp mã này đem ra ngoài bán được 600.000 đồng đã là chuyện lạ, làm gì đến mức 2 triệu đồng”.

Ông chủ tiệm còn cho biết thêm, thực ra cho thuê điện thoại giá rẻ chỉ là cách huy động vốn của các tay chủ cửa hàng. Chỉ cần bỏ ra vài chục mẫu điện thoại di động giá rẻ cộng với mặt bằng lộng lẫy, những ông chủ này dễ dàng lấy tiền của người thuê máy để xoay vòng kinh doanh không phải trả lãi suất. Hơn nữa, vì hợp đồng đã quy định là không trả tiền trước thời hạn nên khách hàng có kiện cũng không làm gì được, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Đó là chưa kể thuê phải máy “dỏm” rồi không lấy lại được tiền cọc, coi như bị ép mua máy giá “cắt cổ”. Tệ hại hơn, có một số trường hợp khi hết hợp đồng quay lại trả máy thì… hỡi ôi, cửa hàng đã biến mất không kèn không trống.

Phương thức làm ăn mới?

Với thủ tục đơn giản, giá cả phải chăng, dịch vụ mới lạ này đang hấp dẫn đủ loại khách. Theo chủ cửa hàng ở Minh Khai cho biết, khách tới đây thuê chủ yếu là gái làng chơi, các anh chàng háo sắc muốn dùng máy đẹp để làm xiêu lòng mỹ nữ. Hoặc cũng có những thành phần làm ăn dịch vụ muốn tỏ ra sang trọng để dễ dàng thương thuyết với đối tác. Khách hàng mục tiêu còn có cả Việt kiều và khách du lịch nước ngoài. Khi về nước họ không muốn mang theo điện thoại vì phải mất công thay đổi mã vùng nên muốn thuê điện thoại sử dụng trong thời gian lưu lại quê nhà. Riêng các mẫu điện thoại giá rẻ thì đối tượng cho thuê đông nhất vẫn là sinh viên.

Như vậy, với những người cần điện thoại liên lạc trong thời gian ngắn mà chưa có đủ tiền sắm “dế” mới, có vẻ như dịch vụ này là “lối thoát”. Vì vậy, nếu thực sự biết cách cân đối giữa cung cầu và nghiêm túc trong kinh doanh thì cho thuê điện thoại sẽ là một phương thức làm ăn mới đáng được quan tâm. Tại các nước phát triển, mô hình cho thuê các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại di động, laptop... khá phổ biến và phát triển bởi người chủ huy động được vốn kinh doanh, còn khách hàng thì chỉ phải trả một khoản phí tương đối. Trong tương lai, mô hình này sẽ còn tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, muốn sử dụng được những dịch vụ này, các “thượng đế” Việt cần phải cân đối khả năng tài chính và người kinh doanh phải ứng xử theo nguyên tắc. 

Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 06 /2010)

No comments:

Post a Comment