Aug 18, 2009

“HOT” cùng mùa hè với máy ảnh số bán chuyên


Dòng máy ảnh số bán chuyên mới ra lò đang “nóng” lên ở nhiều điểm mua sắm. Nhưng giữa một rừng các loại máy và các hãng danh tiếng, việc lựa chọn một chiếc ưng ý là điều hết sức khó khăn đối với người dùng.

Săn ảnh với máy bán chuyên

Máy ảnh số loại bán chuyên dành cho người có “máu” sáng tác ảnh đẹp nhưng lại không thích dùng những dòng máy ảnh kỹ thuật số quá mỏng và nhẹ. Dòng máy ảnh số bán chuyên có một số chức năng tự điều chỉnh được, cho phép người cầm máy làm chủ một số tính năng cơ bản như tốc độ chụp, độ mở màn chập, độ nét, độ zoom… để tạo ra hiệu quả cao về nghệ thuật cho bức ảnh. Chỉ cần có kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh là có thể điều khiển những tính năng tự điều chỉnh của máy ảnh số bán chuyên một cách tự tin.


Khi chọn mua cái loại máy dòng bán chuyên, ngoài các thông số như loại phổ thông còn có thêm các thông số cao cấp khác và tối thiểu nên có thêm các thông số sau:

1. CCD: Cảm biến ảnh (Sensor) có độ phân giải ít nhất là 5.0 Megapixel, với độ phân giải này sẽ cho bạn những tấm ảnh có kích thước lớn. Các máy ảnh hiện nay đều có độ phân giải trên 10 Megapixel
2. Lens: Ống kính lớn và liền với thân máy, có Zoom quang học (Optical) ít nhất là 3x, một số máy có Zoom hơn 10x. Ống kính có các thấu kính chất lượng cao. Một số máy có cơ chế Zoom bằng cách xoay ống kính giống như máy chuyên nghiệp.
3. Focus: Chế độ lấy nét tự động (Auto), chỉnh tay (manual), lấy nét ở khoảng cách gần (Macro). Một số máy có cơ chế lấy nét bằng cách xoay ống kính giống như máy chuyên nghiệp. Có đèn hỗ trợ lấy nét trong điều kiện thiếu sáng.
4. Exposure: Chế độ đo sáng tự động (Auto), đa điểm (Multi), tâm điểm (Center, Spot), chỉnh tay (Manual).
5. Shutter: Chế độ chụp tự động (Auto), chương trình lập sẵn (P), ưu tiên tốc độ (S, Tv), ưu tiên khẩu độ (A, Av), chỉnh tay (Manual) và các kiểu chụp định sẵn (Mode) như trong nhà, ngoài trời, ban đêm, chân dung...
6. ISO: Độ nhạy sáng với các mức Auto, 50, 100, 200, 400 hoặc hơn.
7. White balance: Cân bằng trắng nhiều chế độ định sẵn và chỉnh tay.
8. Flash: Đèn Flash giúp chụp trong điều kiện thiếu sáng, chống mắt đỏ, điều chỉnh mạnh yếu, nhiều chế độ flash. Có đế cắm (Hot shoe) để gắn thêm đèn flash ngoài.
9. LCD Monitor: Màn hình tinh thể lỏng có kích thước ít nhất là 2" để dễ xem, ít bị chói khi ra nắng và có thể chỉnh được độ sáng tối. Màn hình có thể xoay được theo nhiều hướng.
10. Thẻ nhớ: Hỗ trợ loại thẻ nhớ (Memory card) có tốc độ và dung lượng cao.
11. Kết nối: Kết nối với máy vi tính thông qua cổng USB.
12. Pin: Nên chọn loại có Pin sạc (Li-ion) và bộ sạc kèm theo máy, loại Pin này có thời gian sạc nhanh. Một số máy sử dụng 4 Pin tiểu (AA) rất mau hết Pin, đối với các máy này thì nên sử dụng Pin sạc (NiMH) có công suất trên 2000mAh.

“HOT” cùng mùa hè với máy ảnh số bán chuyên

Dòng máy bán chuyên của hai nhãn Canon và Nikon được xem là bán chạy nhất. Hãng Panasonic cũng thuộc loại có hạng nhờ ống kính Leica nổi tiếng "nịnh" màu. Dòng máy bán chuyên tầm trung bình có giá từ 600 – 1.500 USD, máy nhiều tính năng hơn giá khoảng trên 2.000 – 3.000 USD. Bỏ ra một số tiền không quá lớn, người có “máu” nghệ thuật sẽ hài lòng với những bức ảnh có hồn chụp từ máy ảnh số bán chuyên với một tác phong không kém phần chuyên nghiệp.

Sau đây là những gợi ý về máy ảnh dòng bán chuyên nghiệp đang "hot" nhất trên thị trường hiện nay.

1. Panasonic Lumix DMC-LX3 

Lumix DMC-LX3 sở hữu một loạt điều khiển chỉnh tay thông minh mà khó thấy ở các mẫu máy ảnh compact. Ống kính của LX3 là ống kính Leica có góc rộng 24 mm, nếu zoom tối đa sẽ lên 60 mm, tương đương với máy phim. Thế mạnh của LX3 là khả năng chụp được ảnh phân giải cao ở nhiều kích cỡ, khẩu độ mở ống kính tới F2.0, các chế độ cài đặt lại tùy chọn nâng cao cho người dùng và cảm biến ảnh lớn cho ảnh ấn tượng.
Tuy nhiên, nhược điểm của LX3 là không có ống ngắm quang, ảnh khổ 16:9 không thể đạt độ phân giải tối đa, dùng nắp ống kính có thể gặp một số phiền toái và phần mềm xử lý ảnh RAW có sẵn chưa đạt yêu cầu. Dẫu vậy, LX3 vẫn được coi là một lựa chọn tốt nhờ bộ tính năng vượt trội hơn bất kỳ máy ảnh ngắm chụp (point-and-shot) thông thường nào. Giá của Panasonic Lumix LX3 là 490 USD.


2. Canon PowerShot G10 

G10 Sở hữu phần tay cầm khá lớn, mang lại cảm giác thoải mái và chắc chắn hơn cho người dùng khi cầm máy. Bên cạnh tính năng nổi trội là ống kính góc rộng 28mm, thì độ phân giải của cảm biến cũng đã được Canon nâng lên mức 14,7 Megapixel. Ngoài ra, G10 cũng được trang bị hệ thống ổn định ảnh quang học, công nghệ dò tìm mặt và cho phép người dùng điều chỉnh điểm lấy nét. 


Ưu điểm của G10 là dễ dàng truy cập các cài đặt ở mặt trên của máy, ảnh cho màu sắc tự nhiên và tốc độ chụp khá nhanh. Ngược lại, nó bị chê là thân máy hơi thô và nặng, không có nhiều cải tiến lớn về tính năng so với G9. Tuy nhiên, G10 vẫn là đối thủ đáng gờm nhất của Lumix LX3 và những model bán chuyên khác chủ yếu là chất lượng hình ảnh. Dù bộ tính năng không thay đổi nhiều, sản phẩm vẫn đủ làm hài lòng những người đang tìm kiếm một máy ảnh nhỏ gọn có nhiều tính năng cài đặt của máy D-SLR. Hiện nay, tại Việt Nam, Canon PowerShot G10 đang có giá khoảng 520 USD.

3. Nikon Coolpix P6000 

Nikon Coolpix P6000 sở hữu thân hình vuông vức, "pro" khá cổ điển. P6000 còn là một trong những mẫu máy ảnh đầu tiên được tích hợp hệ thống định vị toàn cầu GPS để hỗ trợ cho tính năng gắn tên địa danh vào bức ảnh. P6000 có độ phân giải lên tới 13.5 megapixels, ống kính Nikkor zoom 4x góc rộng gồm 2 kính ED và hệ thống xử lý hình ảnh EXPEED của hãng. 

Có thể coi tính năng GPS trong P6000 là một dấu ấn khá thú vị của Nikon, nhưng bạn sẽ khá mất thời gian để khóa chế độ GPS và ảnh RAW được hỗ trợ bởi phần mềm ViewNX độc quyền của hãng, trong khi chất lượng ảnh là chấp nhận được nhưng chưa phải là ấn tượng lắm so với các model cùng loại. Tuy nhiên, bộ pin Lithium-ion của chiếc máy này không được trang bị sạc đi kèm. Thay vào đó, người dùng phải để pin trong máy và cắm trực tiếp vào nguồn điện để sạc. Nếu muốn dùng bộ sạc ngoài, khách hàng sẽ phải mua riêng. Nikon Coolpix P6000 đang được bán tại Việt Nam với giá 507 USD.

4. Olympus E-P1 

Olympus E-P1 được đánh giá là đem đến 1 cuộc cách tân mới trong làng máy ảnh số. Kế thừa danh tiếng của dòng Pen nổi tiếng của Olympus, Olympus E-P1 là sự kế hợp hoàn hảo giữa thấu kính chụp ảnh của 1 chiếc máy SLR cùng kích thước và sự đơn giản của 1 model "ngắm và chụp". Với kích thước 120,5 x 70 x 35 mm và trọng lượng 335 gram, E-P1 là chiếc camera trang bị thấu kính 12.3 megapixel nhỏ nhất trên thế giới. 


 E-P1 sử dụng công nghệ Micro Four Thirds giúp thân máy nhỏ gọn so với các máy D-SLR thông thường và cho khả năng ghép thêm ống kính Four Thirds. Là bản kỹ thuật số của dòng máy ảnh phim D-SLR Pen F ra đời từ năm 1959 (máy này cho phép chụp được 72 kiểu ảnh trên 36 phim loại 35mm), E-P1 có ngoại hình khá giống Pen F trừ gờ nổi bọc da. Nó cũng dập khuôn giao diện và nhiều tính năng chỉnh tay vốn chỉ có ở các máy ảnh chuyên D-SLR đời mới cùng hãng. Giá của Olympus E-P1 là 917 USD.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 08/2009)