Kỳ 2: Bỏ tiền mà không có “quyền”
Khi chơi bất kỳ game online nào game thủ cũng phải bỏ tiền ra, ngay cả những game mà các Nhà Phát Hành (NPH) quảng bá là miễn phí vĩnh viễn như Boom, Phong Thần, Audition, Cabal… Thế nhưng hầu hết các NPH game online Việt Nam lại nắm trong tay “quyền sinh sát” hoàn toàn. NPH vừa là người đưa ra luật trong game, vừa thi hành luật, lại cũng vừa là người phán xét cuối cùng. Đó là một thực tế đang diễn ra trong hầu hết các game online Việt Nam hiện nay.
Các NPH mặc sức soạn thảo bản cam kết sao cho có lợi cho mình nhất bởi vì hiện nay vẫn chưa có một khung pháp lý cụ thể nào quy định về những bản thỏa thuận dành cho game online này. Ví như bản thỏa thuận khi đăng ký chơi game online của VinaGame và game thủ có những điều khoản sau:“ VinaGame hoàn toàn không chịu trách nhiệm về mọi giao dịch trong trò chơi. Chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về bất kỳ sự mất mát, thiệt hại hay khiếu nại nào liên quan đến việc mua bán, trao đổi trong game.” Hoặc như “ VinaGame có thể thay đổi, bổ sung hoặc sửa chữa thỏa thuận này bất cứ lúc nào và sẽ công bố rõ trên Website cũng như diễn đàn.” NPH VTC Game cũng chẳng kém:“VTC-Intecom có thể bổ sung, sửa đổi hay xóa bỏ bất kỳ thông tin nào cũng như thay đổi sự trình bày, thành phần hoặc chức năng của hệ thống mà không cần báo trước..”
Rõ ràng qua việc đơn cử một vài điều khoản như trên chúng ta đã thấy được rằng NPH chịu rất ít trách nhiệm đối với game thủ và luôn luôn nắm đằng chuôi. Hơn nữa khi đăng ký tài khoản để chơi game, có lẽ có rất ít game thủ đủ kiên nhẫn đọc hết những bản thỏa thuận dài loằng ngoằng này. Cũng là dễ hiểu bởi theo lý luận của nhiều game thủ thì đăng ký cho xong để còn vào chơi game, chứ có đọc cũng không được gì. Có thắc mắc thì cũng chỉ có 2 lựa chọn, một là đồng ý để tiếp tục, hai là khỏi chơi game. Thật là một nghịch lý khó hiểu, game thủ bỏ tiền ra mua trò chơi nhưng nó lại không thuộc về mình, tất cả chỉ là “Ảo”, còn các điều khoản khác là quyền của NPH.
Các NPH thích hoạt động thì hoạt động, thích dừng là dừng, thích khóa acc là khóa bởi trong tất cả các điều khoản đăng ký họ đều đưa cho mình cái quyền đó. Nhiều trường hợp đã được báo chí phản ánh về việc các NPH khóa tài khoản của người chơi, mặc dù người chơi không hề gian lận, còn chuyện có “thả” ra hay không thì còn “tùy tâm” NPH. Game thủ là người trả tiền để chơi game, bug là do phần mềm bị lỗi, tại sao bắt những người đóng tiền phải gánh chịu! NPH biết rõ trò chơi bị lỗi sao không sửa chữa mà khoá tài khoản của gamer?
Mặc khác, chuyện “sống hay chết” của các game online ở Việt Nam cũng chỉ “nhẹ tựa lông hồng”. Khi phát hành, các NPH không hề cho biết game online đó sẽ “sống” trong bao lâu, và người chơi cứ thể bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng một nhân vật “khủng” cho mình. Để rồi một ngày kia, cái án tử dành cho game đó được NPH ban ra một cách lạnh lùng và đơn giản. Ví như Gunbound, Ranagok và một vài game khác khi đóng cửa, các Game thủ đã phải chấp nhận mất trắng công sức mình đầu tư vào đó, từ tiền chơi net, mua thẻ, mua đồ…Còn NPH chỉ làm một hành động đơn giản là tổ chức gặp mặt người chơi và đưa ra thông báo dừng cung cấp game. Vậy là bao nhiêu công sức của game thủ từ trước tới giờ đều đổ sông đổ bể, mà may lắm chỉ nhận được một vài quyền lợi nhỏ nhoi để gọi là an ủi. Vậy thử hỏi “thượng đế” ở chỗ nào, chẳng qua cũng chỉ là những người “cầm dao đằng lưỡi”, bị động trong mọi vấn đề mà thôi.
Việc kêu ca tình trạng không ổn định về mặt kỹ thuật, tình trạng lag, bị thoát khỏi mạng (disconnect), hay server quá tải hoặc bị các lỗi (bug) trong game người ta có thể thấy nhan nhản trên các diễn đàn game. Và dần dần người chơi như quen luôn với việc sống chung với “lỗi”. Cứ tung game ra là y như rằng chắc chắn sẽ có lag, dis, bug và server quá tải. Điều này có thể bắt gặp ở mọi game, với mọi NPH. Tất nhiên các NPH luôn luôn có nhiều lời giải thích cho những sự cố này, mà 2 câu giải thích được ưa chuộng nhất có lẽ là “do số lượng người chơi quá đông” và “do game đang ở giải đoạn thử nghiệm (Close Beta)”. Những câu giải thích này dường như còn có tác dụng quảng bá, “nâng tầm” cho game của NPH. Quả là một công đôi việc.
Nhưng dù sao cũng khó có thể trách được các NPH game online Việt Nam, bởi họ cũng cần sự bảo đảm chắc chắn về mặt pháp lý cho quyền lợi của mình khi phát hành game online. Điều thiếu bây giờ là những quy định cụ thể về mặt pháp luật của nhà nước để bảo vệ người tiêu dùng – các game thủ. NPH cần phải bổ sung các điều khoản để game thủ có những quyền lợi về phía mình trong trò chơi. Phải đảm bảo được tài sản họ đã bỏ ra để chơi trong game, chứ không phải chỉ là bảo mật thông tin. Quyền lợi phải từ hai phía chứ không thể cứ một phía. Người chơi đã bỏ ra công sức, tiền của vào các nhân vật của họ, thì các nhân vật đó phải được NPH phải bảo hộ. Có thể thấy các game thủ vẫn chưa được nhiều NPH đối xử đúng với vị thế “khách hàng là thượng đế” của mình. Nhưng trong thời đại cạnh tranh hiện nay của thị trường game online Việt Nam, một game hay cần phải được phát hành một cách chuyên nghiệp và thỏa mãn được game thủ bằng sự phục vụ tận tình và chu đáo thì mới có thể đạt được thành công. Hãy để thương mại hóa luôn đi kèm với chất lượng phục vụ được nâng ở mức cao nhất.
Thanh Thúy (Bài đăng trên Game360.vn)
No comments:
Post a Comment