Jun 17, 2007

“DẾ” TRONG HỌC ĐƯỜNG


Khoảng hai ba năm trở lại đây, điện thoại di dộng đã trở nên thực sự phổ biến tại Việt Nam, không còn là thứ vật dụng xa xỉ đắt tiền như ước mơ của những năm cuối thế kỷ XX. Kể cả với học sinh, sinh viên vốn ít khi dư dả thì những chú “dế” nhỏ nhỏ, xinh xinh đã trở thành tiện ích khá “bình dân”. Vì vậy “dế” vào học đường với nhiều nẻo, nhiều phong cách, nhiều mục đích và…không ít những hệ lụy.

“Dế” thể hiện phong cách sống

Theo một điều tra gần đây cho thấy với 400 bạn học sinh phổ thông được phỏng vấn, có 59,5% đang sử dụng điện thoại di động. Vậy cũng đủ thấy di động không còn quá mới mẻ và lạ lẫm với học đường, nơi cứ 2 bạn học sinh phổ thông thì 1 bạn sở hữu một chú “dế”. “Dế” trong học đường thì thượng vàng hạ cám đều đủ cả, từ những chú “dế” bình dân nhất cho đến N93, O2...

Và có một điều khá đặc biệt là những chú “dế” này đều có những “style” trang trí riêng. Từ những cái móc nhỏ xíu lấp lánh hạt thủy tinh đến những nhân vật hoạt hình có đèn nháy, tới những con thú bông to gấp 3 lần chiếc điện thoại. Không còn những vỏ máy đen bóng hay trắng bạc cổ lỗ già cỗi, mà thay vào đó là những chiếc điện thoại rực rỡ sắc màu rất đặc biệt tuỳ theo sở thích của từng người.

Phong cách không dừng lại ở đó mà còn được thể hiện qua cái được gọi là “âm thanh thực” phát ra từ “dế” và hình ảnh “độc” trong máy. Đa phần đó là những âm thanh và hình ảnh thô thiển, dung tục, quái dị, đáng lên án đang lan tràn không phải từ "thế giới ngầm" mà chính từ những nhà cung cấp có giấy phép kinh doanh, lại được quảng cáo vô tư trên những tờ báo lớn. Liệu đây có phải là điều cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc hay không?

“Dế và những hệ quả khó lường

Phụ huynh thường ủng hộ cho con mình có một chiếc điện thoại di động để liên lạc về nhà. Thanh thiếu niên lại thích sử dụng các tính năng khác của chiếc điện thoại như: nhạc chuông, gửi tin nhắn, nối mạng…. Vì vậy mà tiền điện thoại hay vượt quá khả năng của chúng. Nhiều học sinh nói chúng phải nhịn ăn trưa để trả cước điện thoại. Không ít phụ huynh đã bật ngửa trước hoá đơn thanh toán tiền điện thoại của con.

Chăm chút và cẩn thận, trang trí cho “dế” như vậy, xuýt xoa khi thấy một hạt đá bong ra khỏi bàn phím hay dây móc điện thoại bị đứt, nhưng chính chúng lại quá quen thuộc với cảnh mất điện thoại. Thậm chí có người được hỏi đã cười rất tươi và hồn nhiên trả lời: “Em mất điện thoại 4 lần rồi, lần đầu còn sợ khóc lóc tùm lum, nhưng mấy lần sau quen rồi nên chẳng có vấn đề gì!”

Teen quan niệm những người dùng máy xịn là cậu ấm cô chiêu, là “dân chơi”, còn những người trang trí máy với vẻ ngoài bắt mắt không giống ai thì là “sáng tạo” và “phong cách”. Nhưng không có nhiều "teen" chăm chút đến việc bảo trì, hay đơn giản là việc giữ tài sản của mình một cách cẩn thận và có ý thức. Thay vào đó là thái độ bất cẩn, vô ý. Những cái điện thoại mới toanh chỉ sau một thời gian sử dụng đã trở nên thê thảm. Phải chăng phần lớn những chiếc di động này đều của phụ huynh mua cho, nên cứ thoải mái vô tư mà xài?

“Dế” gian lận trong học đường

Nhìn bài, hoặc viết câu trả lời trên tay… là những trò gian lận học đường đã lỗi thời. Ngày nay, với một chiếc điện thoại camera, học sinh có thể chụp ảnh bài thi, gửi nó cho một người bên ngoài và nhận lại câu trả lời. Đó là hành vi gian lận! Gian lận thi cử nói chung, và gian lận bằng điện thoại camera cũng như nhắn tin nói riêng đã trở thành vấn đề đáng lo ngại. Sự phổ biến của nó đã làm các nhà giáo dục đang phải xem xét các biện pháp ngăn chặn điện thoại di động bị sử dụng sai mục đích tại trường học.

Hôm 31.5 vừa qua, tại Hội đồng thi số 18 trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy), trong môn Lịch sử giám thị đã phát hiện thí sinh N.C.C dùng điện thoại di động có gắn micro trong áo liên hệ ra ngoài cho cô ruột cùng gia sư giải và đọc bài vào phòng thi. Hiện tượng này cũng đã xảy ra trong các kì thi đại học gần đây.

Một số học sinh còn dùng các loại “dế” có chức năng ghi âm và ghi âm trước các câu trả lời cho bài thi để sử dụng về sau. Chưa kể những em khác còn tải vào máy những bài học sẵn rồi giấu ở dạng các file văn bản “lời bài hát”. Những chú “dế” nhỏ gọn này được giấu nhẹm trong quần áo, luồn dây tai nghe qua tay áo rồi gắn vào tai, sau đó làm như thể đang áp tay lên đầu, rồi cứ như vậy mà “tác nghiệp”.

Cuộc sống hiện đại luôn đi kèm với những tiện ích công nghệ giúp đỡ cho con người trong công việc, thông tin liên lạc và giải trí. Thế hệ trẻ thời nay tiếp cận với những tiện ích của nền công nghệ đổi mới từng ngày cũng là một điều tất yếu, nhưng quả thật chuyện “dế” trong học đường thì có 1001 chuyện phức tạp.

THANH THUÝ

No comments:

Post a Comment