Jul 16, 2010

Phần 3: qui trình làm TVC

Tôi cảm thấy vui vì có thêm nhiều người bạn mới qua bài viết này. Nó cho thấy các bạn vẫn vui vẻ đón nhận cách viết dị biệt cùng những trải nghiệm nho nhỏ mà tôi may mắn có được khi làm quảng cáo.

Nay phần cuối, qui trình làm TVC, xin phép được tiếp tục.
Qui trình làm TVC lý tưởng bao gồm các bước sau:

1. Agency nhận yêu cầu từ phía Client

2. Creative brief được gửi xuống phòng sáng tạo

3. Một số kịch bản ra đời (trong toilet, công viên)

4. Client chọn một và đồng ý sản xuất

5. Storyboard được gửi cho Production House để báo giá

6. Giai đoạn tiền kỳ, sản xuất, hậu kỳ diễn ra thuận buồm xuôi gió

7. TVC ra đời trong niềm tự hào của cả dòng tộc


Thực tế có thể khác xa với những gì mà tôi vừa trình bày. Quảng cáo là thuyết phục và qui trình làm TVC cũng là qui trình thuyết phục. Một kịch bản (storyboard) trước khi được hoá kiếp thành TVC phải trải qua không biết bao nhiêu giông bão, cũng bị chặt chém và vượt tầng tầng lớp lớp quân thù như tinh trùng gặp trứng.

Nội bộ Agency cắt bớt cảnh này, trong khi phía Client lại thêm vào cảnh kia. Câu chuyện cứ thế tiếp diễn cho đến khi cả hai đều thoả mãn nhau. Nếu không (hoặc cho chắc cú) phải đem storyboard hỏi ý kiến khán giả, trong nghề gọi là FGD (Focus Group Discussion). Bước này có thể được tóm tắt như sau: người ta đem nhốt một đám người tiêu dùng vào phòng kín, cho ăn no nê sau đó làm thịt từng người một. Các câu hỏi lần lượt được đưa ra:

Đâu là ấn tượng đầu tiên của bạn đối với kịch bản này?

Thông điệp chính là gì?

Bạn có thể kể lại kịch bản không?

Bạn thấy kịch bản có độc đáo không?

Cảnh nào làm bạn thích nhất?

Cảnh nào cần được chỉnh sửa?

Sau khi xem phim quảng cáo này, bạn có ý định mua thêm (dùng thử) sản phẩm không?

...


Nếu tất cả đều trơn tru, storyboard sẽ được gửi đến Production House, và cơn ác mộng mang tên "Casting" xuất hiện (bỏ qua phần báo giá).

Diễn viên đóng phim quảng cáo ở Việt Nam có người là nhân viên văn phòng, người mẫu, chạy xe ôm. Có người từng đóng kịch, có người từng tự tử... Điều đáng nói là diễn viên của chúng ta học diễn xuất ở trường quay thì ít mà lăn lộn ở trường đời thì nhiều, thế nên, trước những cảnh đòi hỏi người diễn viên phải nhập tâm, diễn xuất thần, đạo diễn cũng bó tay. Quay đi quay lại thì tốn kém mà chưa chắc ưng cái bụng. Chúng ta tạm hài lòng với cái chưa hoàn hảo vậy.

Còn điều nữa là ngân hàng diễn viên đóng quảng cáo ở các Production House thiếu hụt trầm trọng. Chẳng hạn như phim cần một vai nam chính, tuổi 30, ánh mắt lạnh lùng, dung mạo tuấn tú. Quanh đi quẩn lại vẫn là những gương mặt cũ. Một lần nữa, chúng ta tạm hài lòng với cái chưa bao giờ mới vậy.

Client --- Agency --- Production House. Mỗi bên đóng vai trò như một mắc xích để vận hành cổ máy sản xuất TVC chạy theo tiến độ công việc. Cuộc tình tay ba có thể đơm hoa kết trái, lúc TVC hoàn thành tốt đẹp, nhưng cũng có lúc bị thọc gậy bánh xe khiến tan đàn xẻ nghé.

Ngày nay, thời gian thực hiện TVC nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào ý tưởng kịch bản đơn giản hay phức tạp. Xin được làm rõ là kịch bản đơn giản không đồng nghĩa với ý tưởng tồi. Đôi khi mất cả năm để săn tìm một ý tưởng lớn, và thực hiện TVC chỉ trong một giờ. Đôi khi mất cả đời mà chẳng nghĩ ra được điều gì lớn lao cả. "30 giây quảng cáo, 60 năm cuộc đời" là thế. Bạn có thể tham khảo một TVC làm kinh ngạc bất kỳ người viết lời quảng cáo nào trên khắp thế giới, theo đường link phía dưới.


this is the truth
You need to upgrade your Flash Player

Đơn giản chỉ là lời bình (voice over) được đọc lên cùng lúc với phần chữ minh hoạ (supers) nhưng thông điệp và cách thể hiện có thể nói là vô tiền khoáng hậu. Ban đầu cứ tưởng chỉ tiếng Việt mới có kiểu đọc ngược đọc xuôi, ai ngờ tiếng Anh cũng đọc xuôi đọc ngược. Có lẽ, chỉ còn món nói láy, đặc sản của Bùi Giáng là tiếng Anh mãi mãi không theo kịp.

Bạn vừa cùng tôi dạo qua những lát cắt mỏng của một câu chuyện dài về TVC. Nếu là người trong nghề, hẳn bạn không tìm thấy điều gì lý thú ở đây, vì bài viết này, ngay từ lúc đầu, đã không hướng đến bạn. Sinh viên và các bạn mới đi làm, dù là ngành y hay truyền thông tiếp thị, sẽ mãi là những độc giả thân yêu mà tôi luôn hướng đến.

Trên Openshare, tôi tìm thấy những con tim trẻ trung, khát khao học hỏi và luôn muốn đi đến tận cùng của biển tri thức mênh mông. Hẳn bạn sẽ đồng ý với tôi rằng khi ta cho đi một điều gì đó, cái nhận về không còn quan trọng nữa. Chính niềm vui chia sẻ gắn kết mọi người, sự đóng góp làm giàu cuộc sống.

Vì vậy, hãy tiếp tục lan toả tinh thần OPS.
 
----- st

Bài viết của butchi trên OPS

No comments:

Post a Comment