Jun 30, 2010

Chọn ống kính “chất” cho máy Nikon


Giống như Canon, việc chọn ống kính cho DSLR của Nikon không dễ mà cũng chẳng khó vì có nhiều loại và nhiều tầm giá. Một ống kính tốt không chỉ cho những bức hình đẹp mà còn phải thỏa mãn nhiều yếu tố, như mức giá không quá cắt cổ mà khả năng lấy nét lại nhanh. Đa số ngày nay người dùng sẽ chọn ống kính rẻ với thân bằng nhựa nhưng chất lượng quang học tốt hơn là mua những ống kính kim loại hầm hố với một số tính năng thêm thắt mà chất lượng quang học chỉ ở mức tương đương.

Không còn theo quan điểm "ít mà chất", gần đây Nikon bắt đầu chiều lòng khách hàng bằng cách tung ra các mẫu DSLR bình dân cho những "fan" của mình. Song song với máy giá rẻ là những ống kit và ống tầm thấp cho những người mới chơi. Với chất lượng tương đối ổn định, quả thật Nikon đã rất khéo giữ chân khách hàng bằng việc chỉ cần loanh quanh trong các ống kit chính hãng, những tay mơ vẫn có thể thỏa mãn bằng một ống cho mọi nhu cầu với một chất lượng quá tốt cho một mức giá khá hợp lý.

Dưới đây là một số gợi ý ống kính chất lượng cho các “Nikonian”.

1. Nikon 85mm f/1.4 AI-s 

Đa số ống kính lấy nét tự động thế hệ sau do Nikon sản xuất có chất lượng tốt hơn những phiên bản lấy nét thủ công AI-s trước đó. Tuy nhiên, điều này không đúng với trường hợp Nikon 85mm f/1.4 AI-s. Có mức giá gần 600 USD cho hàng "like-new", ống kính cho màu sắc và độ nét ấn tượng hơn hẳn "đàn em" 85mm f/1.4 D AF (hơn 1.000 USD). Nó cũng cho bokeh đẹp hơn đa số ống kính khác của Nikon. Lớp phủ mặt thấu kính của Nikon 85mm f/1.4 AI-s có lẽ chỉ thua kém chút ít so với công nghệ nano-crystal coating hiện đại nhất mà Nikon từng áp dụng trên ống kính 70-200 f/2.8 VR. Chất lượng sản phẩm tốt đến mức Nikon chỉ dừng chế tạo vào năm 2006, tức là 10 năm sau khi phiên bản lấy nét tự động ra đời. 85mm f/1.4 AI-s hiện được dân chơi ảnh nghệ thuật lùng mua rất nhiều trên thị trường second-hand khiến nó trở nên đặc biệt khan hiếm.


2. Nikon 13mm f/5.6 

Khi mới ra đời, Nikon 13mm f/5.6 từng là ống kính góc rộng nhất. Cho đến nay, nó vẫn là phiên bản ống kính góc rộng nhất không gây méo hình từng được sản xuất trong lịch sử. "Hàng khủng" này nặng tới 1,4 kg và có đường kính 12 cm. Mặc dù có tiêu cự 13 mm song đây không phải là một fisheye, thậm chí méo hình nó gây ra còn thấp hơn cả những ống zoom hay ống góc rộng khác. Trong thời gian từ năm 1976 đến 1998, Nikon chỉ sản xuất khoảng vài trăm phiên bản loại này.

Sigma cũng có một phiên bản zoom với mức giá vừa phải hơn là 12-24 mm, tuy nhiên, chất lượng của sản phẩm này không thể nào sánh với "đại gia" của Nikon. Ngoài 13mm f/5.6, Nikon cũng sản xuất hai ống cực rộng khác là 14mm f/2.8 và 14-24mm AF-S, tuy nhiên, chúng gây méo hình khá nhiều.


3. Nikon 18-200mm f/3.5-5.6 G ED 

Ống kính được sản xuất từ năm 2005, chỉ tương thích với thân máy DX của Nikon. Bao trùm dải tiêu cự rất rộng (cả góc rộng và tele), Nikon 18-200 rất được dân du lịch ưa chuộng do đỡ phải tháo lắp ống kính trong quá trình chụp. Sản phẩm cho độ nét cũng như khả năng xóa phông khá tốt. Ống kính gây méo nhẹ ở góc rộng nhất và hẹp nhất, tương đương tiêu cự 18 và 200 mm. Ảnh có màu tạm được dù chưa thật sự xuất sắc như ống fix hoặc các ống zoom cao cấp của Nikon. Tuy nhiên, bạn cũng không thể đòi hỏi hơn ở một ống kính có dải zoom lên tới 11x như vậy.


4. Nikon 135mm f/2 DC AF 

Ống kính được sản xuất từ năm 1990. Tương tự Nikkor 50/1.8D, sản phẩm cũng được tích hợp vi mạch hỗ trợ lấy nét và đo sáng. Với độ mở lớn f/2 kết hợp công nghệ kiểm soát khoảng lấy nét (Defocus Control), ống kính cho độ nét, màu sắc cũng như khả năng xóa phông thuộc dạng "đỉnh cao" trong số những ống fix được sản xuất bởi Nikon. Ngoài ra, nó còn cho phép chỉnh bokeh theo ý muốn của người chụp. Với mức giá trên dưới 1.300 USD, sản phẩm là sự lựa chọn lý tưởng cho những thước chụp chân dung và đời thường nếu bạn không ngại di chuyển để bố cục.


5. Nikon 55-200mm f/4-5.6G IF-ED 

Với mức giá chưa đến 200 USD cho hàng "like-new", Nikon 55-200mm là sự lựa chọn rất hợp lý cho những người có tài chính eo hẹp. Mép ảnh hơi biến dạng ở góc rộng nhất và hẹp nhất nhưng hầu như không đáng kể. Tối góc ở mức trung bình (0,75 stop) khi mở khẩu tối đa. Ảnh sắc nét từ trung tâm ra sát biên trên toàn bộ dải zoom. Nếu tay đủ vững, bạn có thể chụp được một bức ảnh hoàn hảo tại tiêu cự 200mm với thời gian phơi sáng chỉ khoảng 1/30 giây. Bokeh dù không đẹp như một số ống tele cao cấp khác nhưng khá ổn so với giá thành quá "bèo" của sản phẩm này.

Ống kính làm hoàn toàn bằng nhựa để giảm giá thành cũng như khối lượng (chỉ 335 gram). Vòng zoom cao su khá rộng rãi nên tạo cảm giác thoải mái và linh hoạt khi điều chỉnh tiêu cự. Ống kính có tốc độ lấy nét nhanh, êm và chính xác hơn hẳn một số ống tele zoom đời cũ. 


6. Nikon 14-24mm f/2.8 AF-S 

Ống kính mới được Nikon sản xuất từ năm 2007. Sở hữu thân hình "hầm hố" với trọng lượng lên tới 1 kg và đường kính "ngoại cỡ" 98 mm, Nikon 14-24mm f/2.8 xứng đáng với tên gọi "Ông hoàng của zoom siêu rộng". Sản phẩm cho ảnh rất nét tại mọi tiêu cự, kể cả ở mép ảnh. Ống kính là sự lựa chọn hoàn hảo khi lắp lên thân máy DX cao cấp như D300 và cả những dòng full-frame khác. Khi đã sở hữu ống kính này, có lẽ bạn nên "dẹp" những fix với tiêu cự 24mm, 20mm, 18mm, 17mm, 15mm và 14mm sang một bên. Đẳng cấp quá cao của sản phẩm cũng khiến nhiều fan của Canon phải vất vả mua thêm adapter (ống nối) để lắp nó lên thân máy của họ.

Những ký hiệu cơ bản của ống kính Nikon: 

• Các ống AF là ống được sản xuất thời máy phim, do đó mô-tơ lấy nét không nằm trên ống kính mà trên thân máy, nên các ống này khi lắp trên những thân máy DSLR mới sẽ phải lấy nét bằng tay.
• Các ống AF-S đã được tích hợp mô-tơ lấy nét trên thân máy, vì thế hỗ trợ tự động lấy nét trên tất cả các thân DSLR sau này.
• Ống có ký hiệu DX là ống được làm chuyên cho các thân máy DSLR cảm biến nhỏ (Nikon gọi là cảm biến DX với crop factor là 1,5x)
• Ống có ký hiệu G là ống đã được bỏ đi vòng điều chỉnh độ mở, vì thế dù lắp được nhưng người dùng không điều chỉnh được độ mở trên những thân máy chỉnh tay (như FM2 chẳng hạn). Khi đó máy sẽ chụp ở độ mở nhỏ nhất.
• Ống có ký hiệu ED là ống được trang bị thấu kính cao cấp chống tán xạ (Extra-low Dispersion).
• Ống có ký hiệu Micro là ống chuyên chụp Macro.
• Ống có ký hiệu VR là co cơ chế chống rung (Vibration Reduction)
• Ống có ký hiệu IF (Internal Focus) là ống có cơ chế điều chỉnh thấu kính lấy nét hoàn toàn ở trong lòng ống kính, không "thò thụt".

Thanh Thúy

1 comment:

  1. Công ty Đại Phát Viễn Thông là nhà cung cấp linh phụ kiện điện thoại hàng đầu Việt Nam :
    -------------------------------------------------------------------------------------------------------
    Giá rẻ nhất- Bảo hành nhanh nhất – Xem ngay bảng giá
    BÁN MÁY ÉP THAY MẶT KÍNH MÀN HÌNH ĐIỆN THOẠI IPHONE KEO KHÔ GIÁ RẺ HCM
    Web: BÁN MÁY ÉP THAY MẶT KÍNH MÀN HÌNH ĐIỆN THOẠI IPHONE KEO KHÔ GIÁ RẺ HCM

    Keywords ( Xem tai day): BÁN MÁY ÉP THAY MẶT KÍNH MÀN HÌNH ĐIỆN THOẠI IPHONE KEO KHÔ GIÁ RẺ HCM

    Keywords ( xem tai day ): BAN MAY EP THAY MAT KINH MAN HINH DIEN THOAI IPHONE KEO KHO GIA RE TAI HCM

    Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài viết hay , mời tham khảo ngay bảng giá smartphone giá sỉ rẻ nhất.

    ReplyDelete