May 17, 2009

Game online, đến lúc nào sẽ ... bão hoà?!


Sôi động thị trường game online - những “cơn bão” trái mùa

Thị trường game online ở Việt Nam bắt đầu phát triển từ hè năm 2003, khi Internet băng thông rộng (ADSL) được sử dụng với tốc độ cao. Có thể nói game MU Online là “cơn bão” lớn đầu tiên tiến vào Việt Nam thông qua hàng chục máy chủ lậu đặt ở Hà Nội và TP.HCM rồi nhanh chóng lan rộng với tốc độ của tên lửa. Nếu như năm 2004, thị trường Game Online bắt đầu mở cửa với sự xuất hiện chỉ vài tựa game như Võ Lâm Truyền Kỳ, MU, PTV…. thì chỉ 5 năm sau đó, Game Online Việt Nam đã có đến gần 40 đầu game với nhiều tựa game khác nhau. Thị trường này cũng vì thế có sự tham gia của đầy đủ các thể loại game dành cho nhiều lứa tuổi và mang lại doanh thu không nhỏ cho nhiều nhà phát hành.

Năm 2008, doanh thu của Game Online tại Việt nam đạt đến mức gần 50 triệu USD và hứa hẹn sẽ mang lại 83 triệu USD vào năm 2010. Trước các khoản lợi nhuận siêu khổng lồ này, nhiều nhà phát hành lớn tại Việt Nam như FPT Online, VTC, Vinagame… đã bất chấp khó khăn hiện tại của kinh tế, tiếp tục đầu tư ngân sách mang các thể loại game mới về Việt Nam, “ôm mộng” chiếm lĩnh thêm thị phần trên thị trường béo bở này. Hệ quả là những “cơn bão trái mùa” mới tiếp tục hình thành, trong khi bao nhiêu ngành kinh tế khác vẫn đang trên đà suy thoái và thu hẹp nhiều mặt.

Đại gia FPT đã gấp rút việt hoá Granado Espada thành Bá Chủ Thế Giới và Gunbound thành Taan Online. Asiasoft tung ra Độc Bá Giang Hồ, bất chấp đầy tai tiếng. Trò Chơi Việt lại vẫn “ngựa quen đường cũ”, thừa thắng xông lên với thể loại webgame, xuất xưởng Truyền Thuyết Rồng. VinaGame tung hỏa mù với bộ 3 Tung Hoành Thiên Hạ - Gunny Online – Võ Lâm Truyền Kỳ và 2 tựa game mới Zing Speed và Zing Dance. VTC cũng không thua kém khi tiếp tục công phá con đường webgame với Vua Pháp Thuật.

Không chỉ dừng lại ở đó, từ nay đến cuối năm 2009 và sang năm 2010, dự đoán của Game360 là “cơn bão” game online sẽ tiếp tục mạnh dần lên. Sự cạnh tranh giữa các game và các nhà cung cấp vẫn đang ở mức gay gắt nhất, dân chơi game Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam, sẽ còn phải đón vài chục cơn bão nữa đổ xuống. Lúc đó, nếu người chơi không xây dựng được bản lĩnh tự chủ thì việc trở nên sa đà, vô độ sẽ tiếp tục bị lên án và phê phán.

Game online, đến lúc nào sẽ ... bão hoà?!

Khi mà “cơn bão” Võ Lâm Truyền Kỳ và MU ập đến, gây bao sóng gió ở nước ta, biết bao nhiêu người bỏ ăn bỏ ngủ, sống mái vì nó. Phong trào chơi game điện tử đã bắt đầu nổi lên, cuốn phăng bao nhiêu tài lực của các cô cậu học trò. Và mãi từ đó cho đến bấy giờ, báo chí, truyền hình và các cơ quan truyền thông khác đều không ngừng quan tâm lo lắng, với rất nhiều bài viết, phim phóng sự lên tiếng cảnh tỉnh, hoặc có khi nghiêm khắc phản đối.

Nhưng suy cho cùng đến nay vẫn chưa có một giải pháp nào thật sự hiệu quả. Thiết nghĩ bởi vì mọi người ai cũng đổ lỗi cho game online trong khi thật ra game online chỉ là duyên cớ cho những điều ấy chứ không phải nguyên nhân sâu xa. Chỉ những ai biết nhìn nhận đúng vấn đề và có phương pháp hợp lý thì mới tiếp cận được game online một cách hữu ích, giải trí và lành mạnh nhất.

Sau 5 năm hình thành và phát triển, đến nay thì các nhà phát hành game vẫn không ngừng chạy đua, liên tục tung ra tràn ngập các tựa game mới và nhiều chương trình marketing hấp dẫn. Nhưng cuối cùng là gì? Thực sự nhìn nhận một cách khách quan thì thị trường game hiện nay tuy ồ ạt nhưng không còn “chất lửa” của nó như những thời gian đầu nữa. Phải chăng sự tăng cường gần đây của các nhà phát hành là sự cố gắng vùng vẫy cuối cùng trước khi thị trường game online Việt Nam “đóng băng”, hay “bão hoà”?

Và cũng chính từ lý luận này, nhiều người cho rằng thời gian sẽ là “liều thuốc” hữu hiệu nhất chữa trị căn bệnh “nghiện game” cho giới trẻ hiện nay. Bởi vì, khi mà mọi thể loại game và các chiêu thức thu hút trở nên nhàm chán và thừa thải, thì sẽ không còn ai nghĩ đến game online nhiều nữa. Đó là một cách nghĩ. Nhưng trước mắt thì liệu có nên chờ hay nói đúng hơn là có đủ kiên nhẫn để chờ “phương thuốc thời gian”, chờ thị trường game “bão hoà”, khi mà mức độ cạnh tranh vẫn đang đầy khốc liệt và những hệ quả của game thì không ngừng gia tăng.

Từ nay đến cuối năm, thị trường game online sẽ tiếp tục sôi động. Song thiết nghĩ cũng sẽ không quá muộn để các bậc phụ huynh, nhà trường quan tâm hơn nữa sự cuốn hút, ma lực của game online đối với các bạn nhỏ. Và các cơ quan chức năng cần phải chuẩn bị là xây dựng khung pháp lý phù hợp để có thể vừa tạo điều kiện hoạt động vừa đưa thị trường đang phát triển với tốc độ vũ bão này vào khuôn khổ. Game online đã đang trở thành một xu hướng không mới nhưng luôn lạ và hấp dẫn của giới trẻ Việt khi đến với internet. Khai thác thị trường game online như là một tất yếu của sự phát triển internet tại Việt Nam.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Việt Game)

May 15, 2009

Chuyện “anh chàng Ipod” của danh hài Anh Vũ


Ngoài sàn diễn và xa ống kính máy quay, cây hài Anh Vũ ngoài đời luôn có dáng vẻ hết sức "xì tin", áo thun, quần ngố, tay kéo theo chiếc vali nhỏ đựng dụng cụ hóa trang để kịp chạy sô nhiều nơi. Gắn bó với nghề diễn được khoảng 14 năm, Anh Vũ đã gặt hái cho mình những giải thưởng quan trọng như đoạt cùng lúc 3 giải: Nhóm hài được yêu thích nhất, Diễn viên được yêu thích nhất và Diễn viên xuất sắc tại Gala cười 2004, từng rinh giải Cù nèo vàng (báo Tuổi Trẻ Cười) và Nụ cười vàng (báo Sân khấu TP HCM)...

Công nghệ hitech luôn giúp nghệ sĩ sống hết mình với nghiệp diễn

Để phục vụ công tác sân khấu, chuyến lưu diễn kịch nghệ ở Mỹ cách đây 2 năm, Anh Vũ đã tham khảo và tìm mua một chiếc Ipod thế hệ mới của Apple với nhiều chức năng hỗ trợ tối đa cho công việc của mình. Anh Vũ dùng chiếc Ipod thông minh lưu các đoạn nhạc thay cho CD hay MD khi lên sân khấu, đôi khi còn lưu cả các đoạn hội thoại hay lời nhiều vở hài cũ để lúc chuẩn bị diễn lại cấp nhấp mở ra xem một vòng. Những lúc căng thẳng, anh cũng thường tâm tình với anh bạn Apple cùng bản nhạc yêu thích, hoặc đôi khi cùng nhau luyện tập trước khi lên sâu khấu.

Gu âm nhạc mà Anh Vũ lựa chọn thể hiện trên sân khấu là nhạc đồng quê, miệt vườn cây lá nên chàng Ipod khá hiểu và phục vụ Anh Vũ tận tình. Mỗi chuyến đi diễn xa, hay những khoảnh khắc vui buồn cùng nghệ thuật Anh Vũ đều ghi lại, cho tất thảy vào Ipod thông minh, và nỉ non với anh mỗi khi đi diễn về.
Một kỷ niệm đáng nhớ với anh chàng Ipod này đó là lần diễn ở hải ngoại dịp đầu năm, khán giả cứ nằn nặt đòi Anh Vũ diễn lại vở cũ. Thế là bí quá, vì bạn diễn cùng vở này với Anh Vũ là Thúy Nga lại không theo đoàn, cuối cùng phải nhờ cô Kiều Mai Lý vào vai thay thế. Lúc này bản kịch không, lời thoại không, cả thời gian chuẩn bị cũng không có, thế là Anh Vũ mới hỏi lại chàng Ipod và cuối cùng cũng hoàn thành vở diễn. Lần này anh chàng Ipod này đã cứu Anh Vũ một bàn thua trông thấy.

Anh Vũ nghĩ rằng hầu hết các nghệ sĩ yêu ánh đèn sân khấu, đều song song nuôi một niềm đam mê âm nhạc. Vì thế một chiếc máy nghe nhạc, một chú mp3 xiu xíu đều rất cần thiết cho mỗi người nghệ sĩ. Có người dùng nó vào mục đích như Anh Vũ là lưu các đoạn kịch để ứng phó kịp thời trong công tác, hay nghe nhạc để giảm căng thẳng trước giờ lên sân khấu, hoặc có thể vi vu ca khúc yêu thích những buồi tối đi diễn về. “Công nghệ hitech luôn giúp nghệ sĩ sống hết mình với nghiệp diễn”, Anh Vũ tâm sự.


Khoảng lặng bên trong của một nghệ sĩ hài

Được khán giả yêu mến, Anh Vũ tất bật như con thoi với công việc. Nhưng không ai ngờ rằng, vài năm trước đây, anh biến mất hoàn toàn khỏi sân khấu vì mắc bệnh hiểm nghèo: ung thư đại tràng. Khi phát hiện ra mình mắc bệnh giai đoạn đầu và phải nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, Anh Vũ nói đó là giai đoạn khủng khiếp nhất mà anh trải qua. Từng mang tiếng cười đến cho mọi người, giờ khi nằm giường bệnh, nhớ nghề, chịu liên tiếp những đợt thuốc hóa trị, người diễn viên phải nuốt nước mắt vào lòng. Tình cờ, anh bắt gặp một bệnh nhân nữ bị u não, dạy anh xếp từng con hạc giấy để giữ niềm tin sống. “Và quả thật khi lấy lại được tinh thần, bớt bi quan thì sức khỏe cũng được cải thiện", anh kể. Sức khỏe dần hồi phục, Anh Vũ xuất hiện trở lại. Khi sân khấu hài đang trong thời co cụm, anh xuất hiện nhiều trên truyền hình, lúc thì đóng quảng cáo, lúc làm MC. Hiện tại, ngoài việc tất bật đi diễn ở miền Tây và TP HCM, anh còn được “bà bầu” Hồng Vân tín nhiệm giao chức danh phó giám đốc rạp Kim Châu, cơ sở 2 của sân khấu Phú Nhuận.



Anh Vũ nhớ như in lời thầy NSƯT Việt Anh: “Thật ra thầy cô chỉ dạy các em diễn chính kịch chứ không dạy hài, nhưng em là một trường hợp đặc biệt. Tôi linh cảm em sẽ tiến xa trên con đường này”. Thầy Việt Anh đã truyền nhiều kinh nghiệm cho Anh Vũ, lại còn gửi học trò đến các hãng băng đĩa cho làm video hài. Anh nói mình thật may mắn khi có được 3 người thày: cố NSƯT Văn Thành, NSƯT Việt Anh và NSƯT Hồng Vân, những người sẵn sàng chỉ bảo, dìu dắt anh mỗi khi "cậu học trò" gặp khó khăn. Thậm chí, trong giai đoạn kinh tế eo hẹp như hiện nay, "bầu" Hồng Vân của sân khấu kịch Phú Nhuận vẫn đang lên kế hoạch thực hiện một liveshow cho Anh Vũ vào năm 2010. Cách đây 1 năm, Anh Vũ đã ấp ủ một chương trình riêng của mình dành tri ân khán giả, nhưng không may lúc đó nhà tài trợ chính cho chương trình, vốn cũng là bạn của anh gặp sự cố về đầu tư địa ốc nên kế hoạch phải ngưng lại.

Đó là công việc, còn trong gia đình, Anh Vũ là lao động chính nên ý thức rất rõ trách nhiệm của mình. “Nhưng phải nói là được lo lắng cho gia đình là điều vô cùng hạnh phúc với tôi chứ không phải là gánh nặng. Đã mấp mé tứ tuần nhưng chuyện đại sự là hôn nhân tôi vẫn chưa tròn được. Năm ngoái có mua căn nhà ở quận 8 nhưng vẫn ở chung bố mẹ thôi. Năm hai mươi, tôi đã lấy vợ một lần rồi chia tay đến bây giờ vẫn còn giữ tờ hôn thú với vợ. Đã một lần vấp ngã, tôi rất thận trọng chuyện này”. Tự nhận mình là người có tính thẳng thắn, bộc trực và sống thiên về tình cảm, Anh Vũ tâm sự, anh nhiều lần vướng vào rắc rối mà lẽ ra nếu chỉ cần một chút lý trí anh có thể tránh được rủi ro cho bản thân. Như từng yêu và đổ vỡ trong tình yêu, có rất nhiều bạn nhưng chỉ vì tin bạn và cho bạn mượn tiền nên mất luôn cả hai. Dù vậy, nghệ sĩ hài này vẫn giữ một quan niệm sống cho riêng mình: "Tiền bạc mất đi có thể kiếm lại được, nhưng tình cảm là thứ nếu vuột mất sẽ chẳng thể nào lấy lại được".

Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 5/2009)