May 25, 2008

Lý lẽ hàng "xách tay"


Hàng “xách tay”: độc, lạ, sành điệu

Những năm trước, hàng xách tay thường tập trung vào các loại đồng hồ, mỹ phẩm, rượu, hay quần áo giày dép. Nhưng thời gian gần đây, xu thế tiêu dùng đã chuyển sang nhu cầu hàng điện tử. Thông thường, khi nói điến hàng điện tử xách tay thì được ngầm hiểu là có hai loại: "Hàng ngoài" và “Hàng độc”. Hàng ngoài là những mẫu mà các nhà phân phối trong nước đã bán tại thị trường và "hàng độc" thuộc những hàng chưa có đại diện tại Việt Nam hoặc những model chưa được phân phối trong nước. Với những người có điều kiện vật chất khá giả, một chiếc laptop hay điện thoại di động không đơn thuần là vật dụng cá nhân mà còn chứng tỏ đẳng cấp của người sử dụng. Chính vì vậy nên hàng xách tay đã phần nào đáp ứng được nhu cầu mới, lạ, độc và sành điệu đó.

Ngày nay mua hàng xách tay cũng không nhất thiết phải có dịp đi công tác hoặc có người quen ở nước ngoài. Các trang Web chuyên bán hàng xách tay cũng đã mọc lên rất nhiều. Muốn mua một mặt hàng nào đó, chỉ cần xem hình cũng như tính năng kèm theo trên website, sau đó gọi đến cửa hàng có website đó để đặt hàng. Website “hangdoc.com.vn” có cửa hàng tại 46 Nguyễn Cư Trinh, Q.1 và 234 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, chủ nhân của hệ thống cửa hàng này là một người Mỹ gốc Việt. Khi có hàng mới sẽ đưa thông tin lên website. Sau khi có đơn hàng trong nước, bộ phận kinh doanh bên Mỹ sẽ săn và gởi hàng. Tương tự, trang web “hnammobile.com” (có cửa hàng tại 89 Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM) cũng là một trong những địa chỉ mua hàng “order” chuyên về những model điện thoại di động chưa có mặt chính thức tại Việt Nam.

Có thể nói hàng xách tay điện tử đang trở thành một làn sóng ngầm song song tồn tại cùng hàng chính hãng và thậm chí chính nó đã không ít lần “hích” hàng chính chính hãng cả về giá cả lẫn thời gian có mặt trên thị trường.


Chín người mười ý

Anh Nguyễn Văn Thành, nhân viên bộ phận Online Content công ty VinaGame, thường khiến các bạn đồng nghiệp trầm trồ kinh ngạc. Anh thường xuyên sử dụng những món đồ vô cùng độc đáo và bắt mắt. Từ chiếc bút máy có tính năng ghi âm, cái USB hình thù ngộ nghĩnh với dung lượng lớn, đến máy laptop đa năng có thể quay được video... Khi thấy tôi trầm trồ khen ngợi, anh Thành tiết lộ: "Mấy món này không đắt như em nghĩ đâu, anh nhờ bạn mua xách tay về nên giá tương đối mềm. Anh có khá nhiều bạn ở nước ngoài. Hàng bên đó giá rẻ mà chất lượng tốt, nên anh đặt mua. Cũng có nhiều mặt hàng tại Việt Nam đã có nhưng hàng xách tay thường không có thuế nên giá rẻ hơn chút đỉnh. Anh xem hàng trên mạng, nhờ bạn ở nước ngoài khảo giá, chất lượng, gửi tiền và chờ hàng xách tay về. Hàng này về Việt Nam không có giấy bảo hành, nhưng chính hãng thì chất lượng khỏi chê. Mua ở Việt Nam cũng giá đấy nhiều khi còn bị đổi đồ".

Như dân trong nghể thường hay nói, Việt Nam là thị trường hạng hai, nên đa số các mẫu điện thoại, máy nghe nhạc MP3 cao cấp cho đến máy tính xách tay, máy quay phim số...thường xuất hiện sau các nước châu Âu, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... Chính vì vậy đã tạo điều kiện cho hàng xách tay phát triển trước tình hình hàng chính hãng chưa xuất hiện. Anh Phạm Minh Hồng - đồng nghiệp của anh Thành - là một trong những người sở hữu chiếc iPhone danh giá đầu tiên ở Việt Nam. Anh Hồng vui vẻ kể: “Tôi có chiếc iPhone khoản 1 tuần sau khi nó chính thức ra đời tại Mỹ và đã mua được với giá 900USD trong khi nó vẫn chưa được mở khóa tại VN. Mặc dù chưa sử dụng được nhưng cầm được nó trong tay cũng phần nào làm tôi hạ nhiệt”.

Hàng độc thường được nhiều khách hàng ưa thích bởi nó ít đụng hàng với đồ bày bán trong nước. Nhiều dân chơi chỉ săn hàng "độc" mà trong nước chưa có, hay những thương hiệu nước ngoài, như T-Mobile, Sidekick, BlackBerry, Vodafone, Sharp... hay iPhone. Thỉnh thoảng gặp Minh Hòa, trước kia học chung lớp giờ đã là leader PR ở một công ty Truyền thông, lại thấy anh sử dụng một chú dế mới. Hỏi ra mới biết Hòa có cả một bộ sưu tập “dế độc”. Khác với mọi người bán máy cũ mua máy mới, Hòa giữ lại các máy đã sử dụng để sưu tập. Anh giải thích "Hòa chơi hàng xách tay. Nếu so với hàng mua tại Việt Nam giá rẻ hơn đôi chút. Hầu hết dòng hàng mình xài trong nước không có. Nhưng ở bên kia, chúng lại thuộc nhưng series máy vừa lỗi mốt. Vì vậy, chúng được bán rẻ hơn, thậm chí bằng một nửa so với giá ban đầu". Bố của Hòa là một doanh nhân trong ngành công nghệ, lại thường xuyên đi công tác nước ngoài nên tha hồ chìu lòng cậu con trai quý tử. Đối với vài món "độc" như máy ảnh chuyên nghiệp phục vụ cho nghề của anh, cần sục sạo nguồn bán, thử máy móc, so sánh giá cả... thì bố nhiều khi không giúp được. Anh Hòa thỉnh thoảng lại phải thân chinh xuất ngoại kiếm hàng. Mỗi lần như vậy coi như kết hợp đi du lịch, anh nói.

Ngược lại với những dân “nghiện” hàng hitech như Hòa, chú Hoàng ở địa chỉ 352/39 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, Tp.HCM có con gái được Công ty cho đi học ở Singapore 2 tháng. Nghe mọi người nói hàng điện tử ở Sing rẻ và chất lượng, chú Hoàng đã nhờ con gái mua một máy ảnh kỹ thuật số hiệu Panasonic. Hàng mua về chú rất thích và đi khoe với mọi người vì mua được hàng xịn mà rẻ hơn trong nước những 3 triệu. Nhưng một tuần sau trong lần đi đám cưới, chú Hoàng vô tình đánh rơi máy ảnh làm vỏ máy bị móp nặng. Lọ mọ tìm đến cửa hàng bào hành của Panasonic để mua đồ thay nhưng được trả lời là không có đồ vì không phải hàng chính hãng. Chú đành ngậm ngùi nhìn chiếc máy ảnh mới hình dáng bị khiếm khuyết và rút ra bài học xương máu: "Biết thế này, mua hàng chính hãng có bảo hành trong nước còn hơn".

Lợi bất cập hại

Hàng ngoài xách tay thì thường có giá rẻ hơn hàng chính hãng do không phải đóng thuế. Nhưng bảo hành lại không có, nên nếu có hỏng hóc gì đột xuất cũng phải đành bỏ tiền túi hoặc bó tay không có đồ phụ tùng phù hợp để thay thế. Mặc khác giá cả lại không ổn định. Tùy theo mức độ "hot" mà giá bán của các máy đó khác nhau. Nhưng sự khác biệt về băng tần hoạt động khiến nhiều người mua điện thoại di động từ nước ngoài mang về Việt Nam càng phân vân hơn. Giải mã là phương pháp duy nhất cần phải thực hiện để hợp pháp hóa chiếc điện thoại ‘xách tay” nếu muốn hoạt động được trong nước.


Vấn đề mà nhiều khách hàng quan tâm là giá cả cho một lần “phá khóa” từ 200 nghìn đồng đến hơn 400 nghìn đồng vì thiết bị giải mã khó tìm kiếm và nhiều khi còn phải thay đổi phần cứng cho phù hợp. Cũng có trường hợp, điện thoại lúc đầu là model này, nhưng sau khi chuyển đổi lại biến thành model khác. Nhất là với những máy có cùng nhà sản xuất, chạy trên những phần mềm giống nhau với hình dáng bên ngoài cũng tương tự nhau.

Đó là một nỗi khổ của người mua hàng xách tay nhiều khi dẫn đến trường hợp dỡ khóc dỡ cười như chị Tú (Quận 5, TPHCM). Chị Tú trong một lần đi du lịch Mỹ với chồng đã mua một chiếc điện thoại độc đáo mà chị rất thích. Nhưng nghiệt nỗi khi về Việt Nam sạc pin cho điện thoại thì sự cố đã xảy ra dẫn đến hỏng máy và không thể sử dụng được nữa. Khi đem đi sửa mới biết được rằng bộ sạc pin này sử dụng hiệu điện thế 120V khác với Việt Nam là 220V.

Bênh cạnh đó, phần lớn điện thoại xách tay về Việt Nam đều đến từ Trung Quốc, Campuchia, hoặc từ khu bán hàng rẻ tiền ở Hồng Kông, Bangkok, số ít còn lại được đưa về từ các nước khác như Mỹ, Singapore, châu Âu. Vì vậy, nhiều người mắc bệnh hình thức đã bị trả giá. Một số người buôn hàng xách tay tham lợi, sẵn sàng mua hàng nhái, hàng ăn cắp ở nước ngoài đem về Việt Nam tiêu thụ hoặc mua đồ cũ, thay phụ kiện mới rồi bán ra. Với những trường hợp này, giá nào bán cũng có lợi. Chất lượng vô chứng, có sự cố gì khách hàng phải tự lo.

Mọi việc đều có hai mặt, có lý lẽ riêng của nó. Hàng xách tay đáp ứng được nhu cầu mới, độc, lạ và sành điệu nhưng chơi hàng xách tay cũng như đùa với lửa. Phải thật cẩn thận và “có nghề” mới có thể tránh được 1001 điều phiền toái.

Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 05/2008)

Xem bài online trên Dantri

May 17, 2008

Những bàn phím “quái kiệt”


Flexible Mini Keyboard - Bàn phím có thể uốn cong
(hình 1)

Flexible Mini Keyboard của AirTouch chế tạo từ si-li-côn chất lượng trông “mềm mại” nhưng vẫn có khả năng truyền dữ liệu nhờ những mạch điện bên trong. Thiết bị này thích hợp cho những người muốn “lạ mắt” và “êm tai” (vì bàn phím không phát ra tiếng động). Ngoài ra, bàn phím rất hữu dụng trong môi trường nhiều bụi bặm, vì việc lau chùi hay cọ rửa rất đơn giản, không cần phải tháo rời như bàn phím thông thường. Với bàn phím này, bạn mới có thể ngồi làm việc trên bãi biển đầy gió cát! Nhưng quan trọng nhất là bạn có thể “cuộn” bàn phím lại để cất vào túi xách một cách gọn nhẹ.

Giá tham khảo: 11 USD, tại Gia Khang Computer (81 Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM).

Optimus Maximus - Bàn phím cảm ứng OLED 

Ra đời vào tháng 2/2008 do Lebedev - nhà thiết kế người Nga sáng tạo nên. Ưu điểm của bàn phím này là mỗi phím của nó đều có đèn OLED, người sử dụng có thể tuỳ ý thay đổi màu sắc của bàn phím để phù hợp với thời điểm sử dụng, cũng như thay đổi biểu tượng hiển thị trên từng phím một cách dễ dàng và nhanh chóng. Người sử dụng cũng có thể dễ dàng thay đổi các biểu tượng trên nút phím sang các ngôn ngữ khác nhau, như tiếng Anh, Nga, Trung Quốc... Đặc biệt, các phím có thể tháo rời để làm vệ sinh hay thay thế. 
 

Giá tham khảo: 600 USD, có hai màu: trắng, đen. Chính thức có trên thị trường từ 20.3.2008

Bàn phím không có… phím 

Đây là bàn phím cảm ứng không phím bấm, sử dụng bằng cách di chuyển hai nửa cầu nổi lên theo những vị trí khác nhau ứng với từng chữ cái và số. Loại bàn phím này tích hợp luôn cả chuột. Mục đích của nó là giúp người sử dụng máy tính không bị giới hạn các ngón tay, cổ tay. Sản phẩm có vẻ thích hợp với những người khó di chuyển cơ tay và giúp họ có thể chơi game một cách thoải mái. 

Von Slatt Original - Bàn phím đắt hơn máy tính 

Bàn phím “von Slatt Original” - sản phẩm của nhà thiết kế Richard R.Nagy - có giá đến 1.000 USD. Nhìn thoáng qua thì bàn phím loại này trông không khác gì bàn phím cổ điển. Điểm khác biệt là nó có kích cỡ lớn khác thường và được chế tạo bằng nhôm, đồng thau. Hầu hết quá trình sản xuất là thủ công và người mua có thể yêu cầu sáng tạo theo mẫu thiết kế của mình. Bàn phím loại này còn được trang bị một dãy đèn led trên các phím Num Lock, Caps Lock và Scroll Lock.

Giá tham khảo: 1.000 USD


Frogpad - Bàn phím một tay 

Bàn phím “ếch xanh” này là loại bàn phím không dây mới toanh từ iFrog với các phím chuẩn và to như một thiết bị PDA thông thường. Bàn phím này chỉ dùng cho một tay, bạn có thể gõ được 40 từ một phút nếu bạn luyện tập hàng ngày. Mẹo ở đây là phải dùng các tổ hợp phím bấm khi gõ. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc bạn phải học lại cách gõ từ đầu và chưa kể đến chuyện một tay sẽ bị quá tải nữa. 


Logitech diNovo Edge

Thiết kế mỏng gọn chỉ 11 mm, mang tính đột phá của Logitech. Đây là thiết bị ngoại vi độc đáo, kết hợp giữa bàn phím đa chức năng và “chuột” cảm ứng. Thiết bị kết nối Bluetooth gắn trực tiếp vào máy tính thông qua cổng USB thông dụng. Các nút hot keys được thiết kế trông như “ẩn mình” dưới bàn phím, khi được sử dụng, chúng lại “hiện ra” một cách bất ngờ và thú vị. Khi không sử dụng, bạn có thể để nó trên giá đỡ có công dụng như bộ phận sạc pin. Tương thích hầu hết các hệ điều hành thông dụng.


ElekTex Fabric Keyboard - Bàn phím cuộn 

Nó giống như loại bàn phím có thể cuộn lại được ở trên, nhưng nó linh hoạt hơn và làm từ chất liệu khác. Chiếc bàn phím này có cũng kích thước tương đương với loại bàn phím thông thường gồm 102 phím nhưng điều khác biệt ở chỗ có thể cuộn tròn lại và cho vào trong túi của bạn. Nó tiện dụng cho những ai hay phải di chuyển. Dù có thể cuộn lại như một tờ giấy, chiếc bàn phím này vẫn có đầy đủ các phím theo bàn phím chuẩn của máy vi tính.

Giá tham khảo: 99 USD.


Merc Stealth – Bàn phím cho game thủ 

Merc Stealth được thiết kế để phục vụ cả người nhập liệu và game thủ. Bàn phím được chia tách rõ ràng thành ba khu vực: khu vực phím ký tự và phím số thông thường và khu vực cho phím chơi game. Sản phẩm còn được trang bị tính năng chiếu sáng nền, giúp người dùng nhận diện phím bấm dễ dàng hơn trong điều kiện ánh sáng yếu.

Ergonomic của Maltron - Bàn phím 3D

Nhìn chiếc bàn phím khó tả này được thiết kế phù hợp với hình dáng của bàn tay để giảm bớt sự căng thẳng và các chứng bệnh của cổ tay.. Thiết kế bàn phím tạo rất nhiều điểm tựa cho cổ tay, các phím được bố trí theo chiều dốc thoai thoải êm ái và rất phù hợp với cử động của tay, ngón tay cùng ngón cái. 


Happy Hacking Pro - Từ bàn phím chống nhìn trộm... 

Bàn phím Happy Hacking Pro của Fujitsu sẽ giúp bạn thoải mái gõ password mọi lúc mọi nơi mà không sợ người khác nhìn thấy những ký tự bạn đã gõ. Nhưng với điều kiện bạn phải thuộc hết vị trí các phím như một nhân viên gõ máy tính chuyên nghiệp vậy, bởi Happy Hacking Pro là một bàn phím trắng, chẳng có ký tự nào được in trên các phím cả. Happy Hacking Pro đã có mặt trên thị trường từ ngày 24/03/2008, có hai màu trắng và đen. Để mở rộng thị trường bàn phím có cổng USB phía sau, Fujitsu cũng xuất xưởng một số Happy Hacking Pro nhưng vẫn có in ký tự trên các phím như các loại bàn phím bình thường.

Giá tham khảo: 213 USD.


Địa chỉ tham khảo:

81 Bùi Thị Xuân, Q.1 - TP.HCM
40 Nguyễn Cư Trinh – Q.1 – TPHCM
200 Cống Quỳnh – Q. 1 - TP.HCM

Thanh Thúy (Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 05/2008)

Game bắn súng được coi là game thể thao điện tử?


Bài viết tham gia diễn đàn “Nghĩ về Thể thao điện tử” trên báo Thanh Niên Online - Đạt giải Nhì

Game bắn súng được coi là game thể thao điện tử?

Cần thay đổi cái nhìn phiến diện

Thể thao điện tử (e-Sports) đã và đang được coi là một xu hướng giải trí tinh thần, trí tuệ mới. Nhưng cái nhìn của xã hội hiện nay về hình thức giải trí này còn tương đối khắt khe. Nhiều người cho rằng thể thao điện tử chứa đựng những yếu tố có hại cho cộng đồng, đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới giới trẻ vì có tính đối kháng cao, đặc biệt là game bắn súng tuyên truyền cho bạo lực và bắn giết.

Thực ra trong cuộc sống, mọi vấn đề đều có tính hai mặt của nó. Cái chính là ý thức nhìn nhận và cách tiếp cận của con người như thế nào sẽ làm nên mặt trái hay phải của nó. Và game bắn súng cũng vậy, nó tùy thuộc vào ý thức của người tham gia và định hướng tiếp cận thị trường của những nhà phát hành game. Hiện nay với thế loại game bắn súng có sự góp mặt của những nhà phát hành game lớn như VinaGame, FPT, VTC… Nhưng chỉ cần một sai sót trong những yếu tố định hướng phát triển của một nhà phát hành sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực rất đáng kể tới số đông và sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí trực tuyến tại Việt Nam nói chung và ngành thể thao điện tử mới vừa hình thành nói riêng.

Thể thao điện tử là một hình thức giải trí tinh thần đòi hỏi tính đồng đội, chiến thuật và sự linh hoạt của những “vận động viên chuyên nghiệp”. Sự chuyên nghiệp còn được thể hiện qua tinh thần luyện tập tích cực, có mục tiêu cao nhằm xây dựng một sự nghiệp thi đấu thành công qua việc thể hiện tài năng tại những giải đấu nhỏ trong game và vươn xa ra quốc tế. Bên cạnh đó, người chơi cũng sẽ được vận dụng tối đa khả năng trí tuệ của mình trong các trò chơi chiến thuật. Đó chính là mục đích cao hơn tất cả mà thể thao điện tử mong muốn vươn tới, vượt qua những rào cản định kiến hay những mặt trái còn tồn tại của nó.

Trong lịch sử nhân loại, các tác phẩm điện ảnh và văn học được xem nhiều nhất không thể phủ nhận là thuộc về thể loại hành động, chiến tranh. Tuy nhiên, chẳng có nghiên cứu nào chứng tỏ mối liên hệ giữa các sản phẩm đó với các hành vi bạo lực ngoài đời. Game cũng vậy, những trò chơi như bắn súng nên được coi như một môn thể thao, giống như nội dung bắn súng trong các đại hội thể thao từ trước tới nay.

Những dấu hiệu khả quan 
Năm 2008 đánh dấu sự nở rộ của thể thao điện tử Việt Nam với sự xuất hiện của rất nhiều game và thể loại game mang tính chất thể thao. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn diễn ra chậm, hẹp, mang nhiều tính tự phát, co cụm và chưa được nhìn nhận dù trình độ của các game thủ trong nước không hề thua thiệt so với một số quốc gia có nền e-Sports phát triển.

Nhưng sau những khó khăn bước đầu trong giai đoạn dò đường chập chững, nền thể thao điện tử Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu khả quan hơn.

Đầu năm 2008 Thứ trưởng Nguyễn Danh Thái của bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ký quyết định thành lập Hiệp hội Thể thao Điện tử và Giải trí Việt Nam sắp được ra mắt trong tháng 07/2008. Sự hình thành của Hiệp hội Thể thao điện tử và giải trí Việt Nam sẽ tạo ra được bước đột phá trong lĩnh vực hãy còn mới mẻ này.

Và OCA (Ủy ban Olympic Châu Á) đã phê duyệt đề án đưa Sport Game, trong đó có game bắn súng vào thi đấu tại Đại hội thể thao trong nhà Châu Á lần thứ 3 (Asian Indoor Games III), sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10/2009. Đây cũng là cú “hích” mới cho loại hình này, và với Việt Nam càng thuận lợi khi chúng ta do làm chủ nhà đội hình này.

Ngoài ra năm học 2008-2009, các trường Thể Dục Thể Thao của nước ta đã đưa môn thể thao giải trí vào chương trình đào tạo chính thức. Trong đó đáng chú ý trường ĐH TDTT TPHCM sẽ liên kết quốc tế để mở chuyên ngành Quản lý thể thao giải trí, còn với trường ĐH TDTT Đà Nẵng thì Thể thao giải trí là một môn chuyên sâu thuộc chuyên ngành Giáo dục thể chất.

Những động thái tích cực này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy thể thao điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng và đi đúng hướng để có thể theo kịp và bắt nhịp với đà phát triển của thể thao điện tử thế giới. Vì vậy, tuy xuất hiện muộn nhưng rõ ràng E-Sport tại Việt Nam đang được định hình và phát triển rất mạnh mẽ, ngày càng được sự ủng hộ từ phía cộng đồng người chơi và các đối tác trong cũng như ngoài nước. Hơn nữa, tiềm năng kinh tế trong việc phát triển E-Sport games rất lớn, mang lại cả giá trị xã hội và kinh tế, kỹ thuật, công nghệ cao.

Qua quá trình hình thành và phát triển nhanh chóng, có thể thấy thể thao điện tử đang dần khẳng định vị trí quan trọng của mình trong cộng đồng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Mỗi giải đấu, mỗi đấu trường là nơi các game thủ được thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, đầu óc chiến thuật, tinh thần đồng đội cũng như tinh thần thể thao (fairplay).

Có thể nói, thể thao điện tử Việt Nam đang bước những bước đi rất vững chắc trên con đường khẳng định mình trên bầu trời game rộng lớn của thế giới. Đó không đơn thuần chỉ là những cuộc thi đấu với tính giải trí thông thường, mà còn là cơ hội để người Việt Nam khẳng định trí tuệ Việt. Chính vì vậy, cần phải định hướng người chơi E-Sport games làm sao cho đúng với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam, vừa tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích và hấp dẫn cho các game thủ.

Bút danh: Minh Hiệp

Xem chi tiết tại đây

--------------------------------------------------------
Mục mới trên Thanh Niên Online: “Nghĩ về Thể thao điện tử”

Nhằm tạo một sân chơi để bạn đọc yêu thích về game thể thao điện tử có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi những vấn đề liên quan... Thanh Niên Online và Vinagame phối hợp tổ chức chương trình “Nghĩ về Thể thao điện tử”.

“Nghĩ về Thể thao điện tử” sẽ là diễn đàn của tinh thần đồng đội, tình bạn trong game thể thao điện tử, đồng thời là sân chơi cho những người quan tâm tới lĩnh vực thể thao điện tử còn non trẻ tại Việt Nam; cho những ai muốn tìm hiểu khái niệm mới “Game thể thao điện tử”. Đặc biệt, từ đây những người yêu game thể thao điện tử cũng sẽ tìm sự định hướng phát triển của lĩnh vực thể thao điện tử Việt Nam trong thời gian tới, nhất là hướng sự phát triển vào những giải đấu thể thao điện tử lớn, có giá trị về mặt quảng bá và đem lại lợi ích cho cộng đồng giải trí trực tuyến.

Tham gia chương trình, bạn đọc có thể viết bài trao đổi về các vấn đề như: Game thể thao điện tử đem lại lợi ích gì cho cộng đồng? Game bắn súng được coi là game thể thao điện tử? Giải đấu thể thao điện tử là cần thiết? Bạn ủng hộ hay phản đối game thể thao điện tử? Cộng đồng thể thao điện tử, họ là ai? Trách nhiệm của nhà phát hành đối với những sản phẩm game thể thao điện tử? Cần xây dựng nền thể thao điện tử phong trào?...

Các bài viết xuất sắc, có ý tưởng của độc giả gửi về sẽ được BTC chọn lọc và đăng tải trên Thanh Niên Online. Mỗi bài viết khi chọn đăng, tác giả sẽ được trả nhuận bút 300.000 đồng/bài. Ngoài ra, mỗi tuần sẽ có hai giải thưởng dành cho hai bài viết (ý kiến, bài cảm nhận) xuất sắc nhất, mỗi giải trị giá 500.000 đồng (giải do Ban tổ chức bình chọn). Các bài viết xuất sắc sẽ được đưa vào danh sách bình chọn trao giải chung cuộc. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải nhất trị giá 2 triệu đồng, 2 giải nhì trị giá 1 triệu đồng/giải và 3 giải bBa trị giá 500.000 đồng/giải dành cho các bài viết xuất sắc nhất do Ban biên tập Báo Thanh Niên và Công ty VinaGame bình chọn khi kết thúc chương trình.

Các bài viết tham gia diễn đàn vui lòng ghi rõ Bài viết tham gia diễn đàn “Nghĩ về Thể thao điện tử” gửi về địa chỉ: Đỗ Việt Phương, Công ty VinaGame, 459B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM, hoặc địa chỉ email: phuongdv@vinagame.com.vn. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 21.4.2008 đến 21.5.2008.

Ban tổ chức

May 16, 2008

Sổ tay điện tử dành cho doanh nhân


Tiện lợi và năng động

Cuối năm 2007, Wacom Technology (Hàn Quốc) đã giới thiệu một dòng sản phẩm mới tên là Bamboo. Thiết bị này có thiết kế như dòng tablet PC, cho phép sử dụng bút điện tử để người dùng có thể nhập liệu trực tiếp vào văn bản đang sử dụng. Việc sử dụng bút điện tử vốn dành cho những người chuyên làm đồ họa, nhưng nhờ sản phẩm này, bút và bảng điện tử trở nên tiện dụng và phổ biến hơn, mà đối tượng chính là các doanh nhân.

Tấm bảng thông minh này nhập liệu bằng bút điện tử, được tích hợp Windows Vista và Office 2007, có thể kết nối trực tiếp với nguồn điện trên máy tính. Đặc biệt còn tạo cho doanh nhân những sự tiện lợi khi muốn thêm vào văn bản những ký hiệu hoặc chữ viết mang tính cá nhân. Người sử dụng có thể cầm máy tính gọn gàng trên tay như một cuốn sổ tay để viết lại bất kỳ điều gì, đơn giản như viết trên bút và giấy thực, thậm chí ghi âm được và lập trình các bảng tính … 


Thiết kế

Wacom Bamboo có 4 phím lập trình được "ExpressKeys", có thể tùy biến cho những lệnh thông thường như Undo/Copy. Màn hình nhạy cảm với lực nhấn của ngón tay cho phép zoom/cuộn. Bề mặt màn hình được kết cấu để thật giống giấy tự nhiên khi làm việc với bút.

Giao diện ngoài được sơn bằng màu đen, trắng, bạc, hồng... tuỳ theo loại, với các nút chiếu sáng từ phía sau màu xanh rất đẹp. Wacom Bamboo mỏng ( chỉ dày hơn ¼ inch) và bóng. Tuy vậy, vỏ ngoài rất dễ bị xước. Và một điều cũng đáng quan tâm nữa là Wacom Bamboo không có chỗ để bút cố định. Nếu không cẩn thận sẽ dễ dàng đánh mất chiếc bút này.


Tính năng

Với chiếc tablet mới này từ Wacom, bạn có thể dễ dàng và thích thú để sử dụng giao diện dùng bút cho máy máy tính có khả năng kết nối qua USB. Các nút trên stylus cũng rất đẹp và hoạt động rất tốt, độ nhạy cao. 4 nút trên tablet và một vòng tròn có chức năng scroll/ zoom hoạt động cũng rất nhạy, không phải sợ bị bấm nhầm. Theo mặc định, hai nút trên đỉnh là nút Forward /Back, và hai nút ở cuối là các nút tùy chỉnh. Điều này cho phép bạn có năng suất cao hơn, phù hợp với cách làm việc của mỗi người. Những nút này cũng giúp người dùng tiết kiệm thời gian. Tính năng xóa cũng rất là một ưu điểm của chiếc tablet này. Nếu bạn tạo ra lỗi, bạn chỉ cần búng nhẹ chiếc stylus và xóa chúng đi.

Sử dụng

Quá trình viết và dùng chuột như là một chiếc bút để chỉ hướng hoặc làm bất cứ nhiệm vụ nào (viết, thiết kế đồ họa, tính toán…). Bạn cũng có thể sử dụng chiếc bút rời thay cho chuột. Một khi để nghiêng Wacom Bamboo, có thể sử dụng bút sẽ hiệu quả hơn dùng chuột.

Quá trình viết trên Wacom Bamboo cũng cho cảm giác rất thú vị. Chiếc bút stylus này làm cho bạn cảm giác như đang viết bút trên giấy. Điều này nghe có vẻ tầm thường nhưng cảm nhận rất thú vị. 


Kết luận

Wacom Bamboo như là một cuốn sổ tay nhỏ và vô cùng tiện lợi. Trọng lượng nhẹ, với hình dáng chuyên nghiệp, Wacom Bamboo sẽ mang đến một kinh nghiệm làm việc tuyệt vời.

Ưu điểm

Bề mặt viết tuyệt vời, độ nhạy cao, phản hồi tốt và làm việc chính xác.
Các nút và vòng bánh xe Zoom/ Scroll tạo ra sự khác biết lớn trong cách sử dụng.
Trọng lượng nhẹ, dễ di chuyển và vững chắc.

Nhược điểm

Không có chỗ để cố định cho bút.
Cổng kết nối USB có thể bị nghiêng.

Sản phẩm

Bamboo được tung ra với 2 dòng: Bamboo và Bamboo Fun.

Bamboo Fun được nhắm cho người dùng ảnh số hoặc công việc nghệ thuật, có cài trước các phần mềm Adobe Photoshop Elements 4 for Mac, Nik Color Efex Pro 2 GE, Corel Painter Essentials 3. Bamboo Fun có bút không pin, không dây và chuột Bamboo Fun. Máy có 2 cỡ với 4 màu đen, bạc, trắng, xanh.

Dòng Bamboo là thiết kế bền, đẹp, được nhắm cho những người dùng là doanh nhân hay di chuyển nhiều do nhu cầu công tác. Máy có những khả năng cơ bản như Bamboo Fun, chỉ có một chiếc bút, một kích cỡ, một màu đen.

1. Wacom Bamboo MTE-450/K0 


Giá: 2.320.000 VNĐ (145 USD)

2. Wacom FAVO CTE-440/P0 (pink)  


Giá: 2.320.000 VNĐ (145 USD)

3. Wacom Bamboo Fun CTE-650/S0 (silver) 


Giá: 4.272.860 VNĐ (265 USD)

4. Wacom FAVO CTE-640/W0 (white) 
 

Giá: 3.789.140 VNĐ (235 USD)

Địa chỉ tham khảo:

Địa chỉ: 202A Phố Huế, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

(Bài đăng trên Tạp chí XHTT - Sức Mạnh Số tháng 05/2008)

May 13, 2008

Đức Nghĩa: phải biết bỏ lại những hành trang không cần thiết


Bài phỏng vấn người mẫu Đức Nghĩa:

Đức Nghĩa: phải biết bỏ lại những hành trang không cần thiết

Đã từng đoạt giải Bạc Siêu mẫu Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh năm 2003, giải Siêu mẫu ăn ảnh toàn quốc, giải Người mẫu triển vọng nhất năm 2005…và năm 2007 tham gia bộ phim thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ Tuyết nhiệt đới, người mẫu diễn viên Đức Nghĩa đã trở thành “người nổi tiếng” không chỉ tại Tp. HCM.